Quốc hội thảo luận về phòng chống tham nhũng:

Tập trung thanh tra, kiểm toán những lĩnh vực nhạy cảm

Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình. Ảnh: Như Ý.
Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình. Ảnh: Như Ý.
TP - Tại phiên thảo luận tại Quốc hội ngày 7/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình nêu ra 7 giải pháp về phòng chống tham nhũng sẽ thực hiện trong thời gian tới. Trong đó có việc Chính phủ chỉ đạo tập trung thanh tra, kiểm toán hàng loạt lĩnh vực nhạy cảm như đất đai, khoáng sản, BOT, BT...

Tranh luận giữa các ĐBQH

Sáng 7/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật và công tác phòng chống tham nhũng.

Mở đầu phiên tranh luận, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An tranh luận với đại biểu Phạm Thị Minh Hiền, đoàn Phú Yên. Trước đó, đại biểu Hiền nhận định, lĩnh vực nào có Luật Phòng chống tham nhũng, có chương trình phòng ngừa, giảm thiểu thì kết quả thực hiện thường có chiều hướng ngược lại. Về việc này, đại tá Cầu cho rằng, đây là sự quy kết một chiều, lấy hiện tượng không phổ biến để đánh giá bao trùm công tác đấu tranh tội phạm. Đưa ra hàng loạt con số, rồi ông nhấn mạnh, nếu không có Luật Phòng chống tham nhũng năm 2005 thì loại tội phạm này sẽ đi về đâu?

Tiếp tục tranh luận với nữ đại biểu Hiền, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An Phan Thị Mỹ Dung, nói vụ bà mẹ đơn thân đã viết đơn xin trút bỏ quyền được tự do của mình (xin đi tù) vì bị hiếp dâm. Bà Dung khẳng định, việc đại biểu Hiền nêu không chính xác, đồng thời giải thích, khi vụ việc xảy ra ở Long An, cơ quan điều tra đã vào cuộc và kết luận “không đủ cơ sở” khởi tố vụ án hình sự về tội hiếp dâm.

Ngược lại, nhiều đại biểu đã mạnh mẽ ủng hộ quan điểm của đại biểu đoàn Phú Yên. Đơn cử, đại biểu Thái Trường Giang, đoàn Cà Mau cho rằng, thực tế đúng là có những hiện tượng như đại biểu Phạm Thị Minh Hiền nêu. “Tôi nghĩ, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền nêu vấn đề cũng chỉ với mục đích để các cơ quan tư pháp có giải pháp khắc phục, làm tốt hơn”, ông Giang nhìn nhận.

Tập trung thanh tra, kiểm toán những lĩnh vực nhạy cảm ảnh 1 ĐB Trần Thị Quốc Khánh - Hà Nội.

Cùng ủng hộ, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) tranh luận lại với đại tá Nguyễn Hữu Cầu và một số đại biểu của các cơ quan tư pháp. “Tôi nghĩ rằng, tại diễn đàn Quốc hội, trước tâm tư nguyện vọng của cử tri gửi gắm và qua nắm bắt bằng nhiều kênh khác nhau, các vị đại biểu có quyền và có trách nhiệm phản ánh với Quốc hội”, bà Khánh cho hay.

Trước nhiều tranh luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã phải nhắc nhở, đề nghị các đại biểu không đi vào những vụ việc, vụ án cụ thể vì không có đầy đủ thông tin, tư liệu. Mặc dù vậy, ngay sau đó, Đại tá Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội đã trao đổi với đại biểu Dương Trung Quốc về vụ Đồng Tâm mà ông Quốc nêu trước đó.

Ông Hải nói, sự việc xảy ra khi cơ quan điều tra tiến hành bắt giữ ông Lê Đình Kình, gia đình ông Lê Đình Kình đã xông vào chống lại lực lượng thi hành nhiệm vụ, giằng co và đã xảy ra việc ông Kình bị gãy chân. Đại tá Hải khẳng định, Công an thành phố Hà Nội thực hiện nhiệm vụ đúng quy định pháp luật, “không có vấn đề gì liên quan đến quá trình lực lượng thực thi nhiệm vụ đánh để gây thương tích cho ông Kình”.

Tập trung thanh tra, kiểm toán những lĩnh vực nhạy cảm ảnh 2 Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc. Ảnh: Như Ý.

Phát biểu ngay sau đó, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đặt câu hỏi, tại sao cho tới bây giờ thông tin ấy mới đến được Quốc hội? Ông Quốc cho rằng, không nên biện bạch mà nên công khai nói sự việc ấy để nhân dân bình luận, để xem một ông già 82 tuổi có thể tự gãy chân được hay không?

Đề cập đến vấn nạn tham nhũng, ông Dương Trung Quốc cũng cho rằng, tham nhũng thời nào cũng có, ở đâu cũng có. Nhắc đến “tham nhũng lan nhanh như virus” đại biểu trước đó đã đề cập, ông Quốc nhớ lại 12 năm trước, khi Quốc hội lần đầu thảo luận về Luật Phòng chống tham nhũng. Theo ông Quốc, muốn tham nhũng phải có quyền lực, nghĩa là tham nhũng đối với người dân là “miễn dịch”. Theo ông Quốc: Đảng viên cũng chỉ là một thiểu số cư dân, 1/20 dân số. Trong 1/20 dân số cũng chỉ có một thiểu số trong đó có quyền chức thực sự. Trong số những người đó chắc chỉ một ít những người tham nhũng.

“Như thế giống như đấu tranh với bệnh dịch, khoanh được vùng cư trú là về căn bản chúng ta đã giải quyết được rồi. Điều đó nói lên quyết tâm của Đảng là quan trọng nhất. Việc chấn chỉnh nội bộ biến Đảng thật sự thành Đảng cầm quyền gương mẫu, quay lưng với tham nhũng chúng ta đã giải quyết được căn bản. Chắc chắn trong cuộc đấu tranh đó, người dân ủng hộ và sẽ đứng đằng sau”, ông Quốc nói.

7 giải pháp của Chính phủ về phòng chống tham nhũng

Tại phiên thảo luận, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình nêu ra 7 giải pháp sẽ thực hiện trong thời gian tới. Qua đó sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội, nhất là với các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng. Bên cạnh đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, hoàn thiện các quy định xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính phục vụ, nhất là công khai, minh bạch trong đấu thầu. Sửa đổi quy định về tặng quà và nhận quà, về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, khắc phục những hạn chế của việc chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng.

Cùng với việc tổng kết, đánh giá Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng cho biết, sẽ hoàn thiện các quy định về công tác cán bộ, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, chặt chẽ giữa các khâu và liên thông giữa các cấp. Khẩn trương bổ sung quy định về việc xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức, viên chức có vi phạm, kể cả khi đã thôi việc, nghỉ hưu. Đồng thời, thực hiện việc đổi mới phương thức tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là trong đánh giá, bổ nhiệm người đứng đầu đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định; có cơ chế hữu hiệu để loại trừ khỏi bộ máy nhà nước những cán bộ công chức, viên chức thoái hóa biến chất, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng bổ nhiệm người nhà, người thân theo phe nhóm, theo dòng tộc.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng đề ra giải pháp: Tăng cường tập trung thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực nhạy cảm có nhiều dư luận về tham nhũng như đất đai, tài nguyên, khoáng sản, các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT. Đẩy nhanh tiến độ điều tra truy tố xét xử các vụ án kinh tế tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng phức tạp. Phát huy vai trò giám sát của cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan báo chí và nhân dân trong việc đấu tranh ngăn chặn phòng, chống tham nhũng.

7 giải pháp sẽ thực hiện trong thời gian tới về phòng chống tham nhũng gồm: Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội, nhất là với các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng. Bên cạnh đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, hoàn thiện các quy định xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính phục vụ, nhất là công khai, minh bạch trong đấu thầu. Sửa đổi quy định về tặng quà và nhận quà, về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, khắc phục những hạn chế của việc chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng.

MỚI - NÓNG