'Tết buồn' của hàng nghìn công nhân thủy lợi Hà Nội

Cty Thủy lợi Sông Đáy dự kiến sẽ cắt giảm 200 lao động tới đây. Ảnh: LD
Cty Thủy lợi Sông Đáy dự kiến sẽ cắt giảm 200 lao động tới đây. Ảnh: LD
TP - Đã hai năm nay, hàng nghìn người lao động ngành thủy lợi ở Hà Nội phải sống trong tình cảnh nợ lương triền miên, không lối thoát. Cái Tết càng cận kề, công nhân thủy lợi càng buồn tủi tâm tư.

“Điều ước” giản dị

Hà Nội hiện có 5 Cty thủy lợi với tổng cộng khoảng 3.700 công nhân. Hai năm qua, công nhân thủy lợi rơi vào cảnh bi đát trước tình trạng nợ lương kéo dài. Trước tình cảnh này, ông Phạm Xuân Chinh, một công nhân Xí nghiệp Đan Hoài, thuộc Cty TNHH MTV đầu tư phát triển thủy lợi Sông Đáy (Cty Thủy lợi Sông Đáy) đã gửi “tâm thư” tới Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Ông Chinh chia sẻ, nếu có một điều ước, cá nhân ông và người lao động thủy lợi chỉ ước một điều giản dị, làm sao có thể được trả công xứng đáng với công sức của mình.

Lao động vất vả chẳng quản ngày đêm, mưa nắng thất thường mà chẳng được trả lương, nhiều người phải đi vay mượn, không ít người phải tranh thủ làm thêm kiếm đồng ra đồng vào. Với họ, cuộc sống đời thường đã cực nhọc, còn mỗi dịp lễ Tết lại chỉ thêm buồn tủi. “Ai cũng muốn có cái tết đủ đầy, chí ít cũng có nồi bánh chưng, trẻ con được tấm áo mới. Vậy mà, điều đơn giản ấy cũng thật khó với chúng tôi”, công nhân thủy lợi ngậm ngùi chia sẻ. 

Câu hỏi đặt ra là, lao động vất vả, lương không có, vì sao họ không bỏ nghề đi tìm việc khác? Người lao động thủy lợi lý giải, do đã gắn bó với công việc này nhiều năm nay, vả lại không dễ gì để có được việc làm vào thời buổi này, nên họ đành tiếp tục bám trụ. Mặt khác, lại phần lớn xuất thân từ nông dân, công việc tưới tiêu ruộng đồng mà họ đang làm cũng là giúp ích cho người nhà, người thân, xóm giềng của mình.

Trước đây, trong các năm từ 2013 – 2015, người lao động ngành thủy lợi “rất phấn khởi” với mức lương trung bình mỗi người từ 7,5 - 9 triệu đồng/ tháng. Thế nhưng kể từ năm 2016, khi cơ chế chính sách thay đổi, công nhân thủy lợi Hà Nội đã bị đẩy vào tình cảnh bi đát, có làm mà chẳng có lương.

Chịu đựng để… chờ thời

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Doãn Văn Kính, Tổng giám đốc Cty Thủy lợi Sông Đáy – đơn vị đang có hơn 900 công nhân cho biết, tình trạng chậm lương diễn ra từ 2 năm nay. Nguyên do trước đây các Cty thủy lợi thực hiện theo định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá đặt hàng của UBND thành phố. Tuy nhiên, từ năm 2016 thành phố đã thay đổi cơ chế, điều chỉnh đơn giá vì cho rằng định mức và đơn giá cũ cao.

Bên cạnh đó, do vướng Thông tư 208 của Bộ Tài chính (quy định thủy lợi phí chuyển thành giá trần dịch vụ), đến nay doanh nghiệp vẫn chỉ làm theo kiểu “đặt hàng tạm thời” mà không có cơ chế chính sách ổn định. Theo ông Kính, nếu áp dụng thủy lợi phí, công ty chỉ đáp ứng tối đa 50% chi phí. So với định mức và đơn giá cũ áp dụng năm 2015 thì chỉ bằng 40%. Như vậy là thiếu khoảng 50 – 60% chi phí hoạt động. Dẫn đến Cty chậm lương là điều tất yếu.

Để giảm chi phí, doanh nghiệp này dự kiến sẽ cắt giảm khoảng 200 lao động, nếu khó khăn, có thể sẽ áp dụng cả hình thức bỏ phiếu kín. Thế nhưng, ngoài cái tình, một khó khăn rất lớn là công việc thủy lợi vốn rất nhiều, lượng công nhân như hiện nay làm còn không xuể. Nếu cắt giảm lao động mà không cắt việc sẽ rất bất cập.

“Thấy khó khăn, nhiều người trong công ty đã xin nghỉ, tìm công việc khác để sống. Bản thân tôi là tổng giám đốc, đi làm cũng không lương. Nhưng tôi thường động viên người lao động không được phép dừng lại, cố phục vụ để hy vọng sẽ có ngày thay đổi. Khi có cơ chế rõ ràng mà lương vẫn không đủ sống thì tôi cũng viết đơn xin nghỉ việc”, ông Kính bày tỏ.

Tổng giám đốc Cty Thủy lợi Sông Đáy cho biết, vào dịp Tết Dương lịch vừa qua, thấy đời sống của người lao động quá khó khăn, Cty đã phải dùng đến tiền điện và các khoản tiền khác để tạm ứng lương cho người lao động.

“Để người lao động có tiền ăn Tết Âm lịch, chúng tôi sẽ cố gắng ứng 80% lương tháng 2 và có thể ứng cả tháng 3 cho người lao động. Mong muốn của chúng tôi là thành phố sớm có cơ chế, chính sách ổn định, rõ ràng để người lao động yên tâm làm việc”, ông Kính cho hay.

Hôm nay sẽ bàn phương án giải quyết

Trao đổi với PV Tiền Phong, ôngTrần Thanh Nhã, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, chiều nay (18/1) thành phố sẽ có cuộc họp với đại diện Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính để bàn những giải pháp tháo gỡ cơ chế về định mức, đơn giá. “Điều này có cả lỗi chủ quan và khách quan. Chủ quan là bộ máy các công ty quá cồng kềnh, số liệu điều chỉnh nên lâu được quyết toán”, ông Nhã nói.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.