Tham nhũng gây thất thoát hàng nghìn tỷ, tử hình cũng không đủ răn đe

TPO - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hận cho rằng, với hành vi tham nhũng gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng, dù có dành bản án cao nhất là tử hình cũng chưa đảm bảo tính răn đe.

Tác động lớn đến chi phí sản xuất

Hôm nay (30/5), Quốc hội bước vào 1,5 ngày thảo luận tại hội trường về đánh giá kết quả phát triển kinh tế xã hội, ngân sách năm 2018 và kế hoạch năm 2019, quyết toán ngân sách 2017.

Đề cập đến việc giá điện tăng là 8,36%, ĐBQH Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) cho rằng, vấn đề cử tri không quan tâm đến đúng quy trình hay không, vì Chính phủ đã điều hành là phải đúng quy định.

ĐBQH Nguyễn Quốc Hận phát biểu. Clip: Trường Phong

Cử tri muốn Chính phủ đánh giá cụ thể hơn, như việc tăng giá điện ảnh hưởng thế nào đến kinh tế, xã hội và đời sống nhân dân. Tăng giá điện, tăng giá xăng dầu làm tăng chi phí đầu vào và kết tinh vào chi phí giá thành sản phẩm, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước.

“Trong khi tiền lương của cán bộ công chức và người lao động không tăng thì hàng loạt các chi phí thiết yếu đều tăng như điện, học phí, xăng dầu…làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân”, ông Hận nói đồng thời đề nghị Quốc hội đưa giá điện vào danh mục cần kiểm toán.

Tham nhũng gây thất thoát hàng nghìn tỷ, tử hình cũng không đủ răn đe ảnh 1 Nguyễn Thị Phúc - Bình Thuận (ảnh Như Ý)

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) cho rằng tăng giá điện thời điểm hiện tại là chưa phù hợp dù việc tăng giá điện đã được tính toán và nằm trong lộ trình. Đại biểu tỉnh Bình Thuận đề nghị Chính phủ sớm công bố kết luận thanh tra, có đúng trình tự, quy định không, nếu sai thì xử lý ra sao.

Bà Phúc cũng lo ngại việc tăng giá điện dễ tạo hiệu ứng “té nước theo mưa”, các mặt hàng phục vụ sản xuất, tiêu dùng, kinh doanh sẽ đồng loạt tăng giá gây bức xúc cho nhân dân. Bà đề nghị Chính phủ quản lý chặt chẽ, giám sát hoạt động kê khai giá của các doanh nghiệp, đề phòng những yếu tố bất thường của thị trường.

Không để tham nhũng “hy sinh đời bố, củng cố đời con”

Về xử lý, thu hồi tài sản tham nhũng, ĐBQH Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) cho rằng, các vụ án tham nhũng gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng. Các cá nhân gây ra các vụ việc này đáng bị lên án, xử lý nghiêm minh.

Tuy nhiên, theo ông, dù có bị xử lý ở mức cao nhất là tử hình thì cũng không bảo đảm mức răn đe, vì nếu không bị tham nhũng thì đất nước có biết bao nhiêu nguồn vốn để đầu tư, phát triển kinh tế, xã hôi. “Nếu không bị tham nhũng thì đã có vốn để kè đê, chống sạt lở và nhiều người dân không bị thiệt mạng vì việc này”, ông Hận chua xót nói.  

Từ đó, ông Hận đề nghị cần quan tâm đến việc thu hồi tài sản tham nhũng, tránh tư tưởng “hy sinh đời bố, củng cố đời con”. Nếu ngăn chặn được việc tẩu tán tài sản tham nhũng cộng với xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm thì nhiều người sẽ không dám tham nhũng.

Đối với việc cổ phần hóa, ông Nguyễn Trường Giang – Thường trực Uỷ ban Pháp luật nhận xét, kỷ luật thực thi pháp luật chưa nghiêm. Còn lợi ích nhóm trong cổ phần hoá, thoái vốn, xử lý trách nhiệm cá nhân để xảy ra sai phạm chưa kịp thời.

Dẫn chứng trường hợp sai phạm trong cổ phần hoá tại Cảng Quy Nhơn, ông Giang cho rằng, Bộ Giao thông Vận tải chưa làm đúng chức năng, nhiệm vụ để xảy ra nhiều sai phạm trong quá trình bán vốn. Ông đề nghị Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước, khẩn trương xác định giá trị doanh nghiệp và xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân, tổ chức để xảy ra sai phạm.

Theo Clip: Trường Phong
MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.