Tháo gỡ khó khăn để người khuyết tật lái ô tô

Một trong những học viên là người khuyết tật học lái xe tại Trung tâm đào tạo nghề và sát hạch lái xe Đông Đô (Thuận Thành - Bắc Ninh). Ảnh Bảo An
Một trong những học viên là người khuyết tật học lái xe tại Trung tâm đào tạo nghề và sát hạch lái xe Đông Đô (Thuận Thành - Bắc Ninh). Ảnh Bảo An
TPO - Mở cơ hội cho người khuyết tật được học và lái ô tô, tuy nhiên, các cơ quan chức năng vẫn đang phải giải quyết nhiều vấn đề để hiện thực hoá quy định này.

Như Tiền Phong đưa tin, Cục Đăng kiểm vừa hoàn tất kiểm định và cấp chứng nhận cho chiếc xe ô tô nhãn hiệu Toyota Landcruiser  6 chỗ ngồi dành cho người khuyết tật điều khiển. Theo đó, tại vị trí lái, chân phanh và chân ga được nâng lên cao. Sàn xe tại vị trí lái cùng được lắp đặt một mặt phẳng cao hơn sàn nguyên bản. Với kết cấu này, người khuyết tật bị cụt chân có thể phanh và tăng ga bằng chân. Ngoài ra, hệ thống phanh chân này cũng đồng thời được chuyển đổi thành cơ cấu phanh tay cạnh vô lăng để người khuyết tật có thể kéo bằng tay. Bộ phận tay lái cũng có lắp thêm tay nắm để có thể dùng một tay cho linh hoạt.

Ông Nguyễn Hữu Trí, Phó cục trưởng Đăng kiểm cho hay, đây là chiếc ô tô đầu tiên được đăng kiểm dành cho người khuyết tật trên lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, chiếc xe này được dùng để hai người khuyết tật nước ngoài điều khiển trong một chương trình truyền hình thực tế của đài BBC (Anh) trong 10 ngày, không phải cấp cho người khuyết tật sử dụng lâu dài tại Việt Nam. 

Trường hợp này đặt ra các vấn đề cần giải quyết cho những lần kiểm định và cấp chứng nhận sắp tới. Có ý kiến cho rằng sẽ cấp đăng kiểm riêng cho xe dành cho người khuyết tật. Tuy nhiên, thực tế, xe dành cho người khuyết tật có thể hình thành từ việc lắp thêm một số cơ cấu trên xe nguyên bản nên Cục Đăng kiểm sẽ chỉ tiến hành cấp chứng nhận đăng kiểm thêm cho phần kết cấu lắp thêm. “Kiểm định và cấp chứng nhận như vậy để kết cấu lắp thêm đó có thể tháo ra để người nhà người khuyết tật sử dụng như xe nguyên bản. Điều đó tạo thuận lợi, nhân văn hơn cho người khuyết tật nhưng vẫn đảm bảo an toàn” – ông Trí nói.

Về cấp giấy phép lái xe (bằng lái), ông Nguyễn Thắng Quân, Vụ trưởng Vụ quản lý Phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ) cho hay, người khuyết tật gắn với phương tiện chuyên biệt nên bằng lái cấp cho người khuyết tật cần thể hiện được điều đó. “Có thể sẽ cấp bằng với các ghi chú ghi trên bằng lái. Tuy nhiên, đây là điểm mới phát sinh nên chúng tôi phải báo cáo Tổng cục Đường bộ và Bộ GTVT về việc này” – ông Quân nói.

Theo ông Quân, các địa phương đã bắt đầu nhận hồ sơ, đào tạo cho người khuyết tật, tuy nhiên số lượng chưa nhiều. Theo quy định, người khuyết tật có thể tự trang bị phương tiện để phục vụ việc học và sát hạch. Tuy nhiên, ông Quân cho hay, trong cuộc họp triển khai với Sở GTVT Hà Nội về nội dung này, để hỗ trợ người khuyết tật, Sở GTVT đang lên kế hoạch kêu gọi từ nguồn xã hội hoá để trang bị một số phương tiện, giao cho 1 hoặc hai cơ sở đào tạo riêng.

Theo Thông tư 12/2017/TT-BGTVT về đào tạo sát hạch lái xe, từ 1/6/2017 các cơ sở đào tạo lái xe bắt đầu tiến hành đào tạo lái xe ô tô cho người khuyết tật. Theo đó, người bị khuyết hoặc mất chức năng 1 bàn tay hoặc 1 bàn chân, bệnh nhân sau mổ tim… được đào tạo, sử dụng ô tô số tự động. Trường hợp phải cải tạo để phù hợp khiếm khuyết của cơ thể, chiếc ô tô này phải được cơ quan chức năng kiểm định và chấp thuận. Quy định về cải tạo xe được quy định tại Thông tư số 85/2014/TT-BGTVT về cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.