Thêm nguồn lực chống ùn tắc, tai nạn giao thông

Có thêm nguồn lực để đầu tư, tình trạng ùn tắc giao thông tại TPHCM sẽ giảm.
Có thêm nguồn lực để đầu tư, tình trạng ùn tắc giao thông tại TPHCM sẽ giảm.
TP - “Các công trình giao thông vận tải luôn là một trong những ưu tiên của thành phố trong những năm qua thì với việc triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù, TPHCM sẽ có thêm nguồn lực để triển khai đầu tư nhằm kéo giảm ùn tắc và TNGT”, ông Bùi Xuân Cường-Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết.

Ông Cườngcho biết, có những việc chúng tôi phải trực tiếp tham mưu UBND TPHCM như xây dựng các đề án mức giá, các mức phí dịch vụ trong Luật phí và lệ phí chưa có hoặc tăng thêm trong thẩm quyền của HĐND TPHCM như phí sử dụng lòng đường, vỉa hè; giá dịch vụ trông giữ xe…

Thêm nguồn lực chống ùn tắc, tai nạn giao thông ảnh 1

Cơ hội của ngành GTVT khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TPHCM?

Trong lĩnh vực ngành có những cơ hội như được tạo thêm các nguồn lực trong đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải theo các chương trình quy hoạch và chương trình giảm ùn tắc và tai nạn giao thông bởi nguồn lực hiện nay cân đối cho ngành GTVT, kể cả nguồn lực duy tu bảo trì hoặc đầu tư xây dựng mới đều thấp hơn rất nhiều, đạt chưa đến 10% so với nhu cầu.

Trên cơ sở triển khai Nghị quyết 54, chắc chắn TPHCM sẽ có thêm nguồn lực từ việc cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước do nhà nước làm chủ sở hữu, đại diện vốn chủ sở hữu hoặc được trích tỷ lệ 50% sau chuyển đổi các cơ sở nhà đất của các cơ quan trung ương hoặc được thu tăng thêm từ nguồn phí, lệ phí.

Các công trình giao thông vận tải luôn là một trong những ưu tiên của thành phố trong những năm qua thì chắc chắn sẽ có thêm nguồn lực để triển khai đầu tư. Vấn đề quan trọng hiện nay là lựa chọn dự án ưu tiên nào để phát huy nhanh, tổ chức hiệu quả, đồng bộ trong quá trình thực hiện để đảm bảo sử dụng nguồn lực và đồng vốn hiệu quả nhất.

Thưa ông, những dự án, công trình nào dự kiến sẽ được phân bổ nguồn lực này?

Hiện nay TPHCM có rất nhiều dự án nên không thể nào đầu tư dàn trải. Chúng tôi sẽ xem xét, ưu tiên làm trước hệ thống các tuyến đường vành đai, trong đó tập trung nguồn lực để khép kín đường Vành đai số 2. Nếu đường vành đai 2 khép kín được thì các điểm nóng về ùn tắc, chẳng hạn như khu vực Tân Cảng Cát Lái (quận 2) sẽ có một tuyến đường mới để hỗ trợ và phân bổ lưu lượng giao thông so với duy nhất một trục đường Mai Chí Thọ – Đồng Văn Cống hiện nay nên chắn chắn sẽ giảm ùn tắc giao thông khu vực này.

Hoàn thành tuyến đường Vành đai 2, TPHCM phải tập trung làm đường Vành đai 3. Tuyến đường này mang tính chất nối vùng và chuyển hành lang vận tải, phát triển đô thị đang tập trung trong các khu vực trong phạm vi đường Vành đai 2 ra xa hơn, kéo giảm áp lực giao thông lên khu vực nội đô thành phố.

TPHCM sẽ đồng thời tập trung làm đường Vành đai 4 ở khu vực phía Nam để kết nối các tuyến đường cao tốc vào khu vực Hiệp Phước (huyện Nhà Bè).

Nếu chỉ tập trung nguồn lực làm các tuyến đường vành đai thì tình trạng ùn tắc và TNGT ở TPHCM có được giải quyết?

TPHCM sẽ phải thực hiện đồng bộ từ nguồn lực này để đầu tư các tuyến đường hướng tâm kết nối với vùng, trong đó có những tuyến vừa kết hợp đầu tư, xây dựng công trình cầu đường, vừa kết hợp đầu tư nâng cấp đồng bộ các công trình cầu trên tuyến.

Chẳng hạn như chúng tôi sẽ tập trung đầu tư Quốc lộ 50; khu vực kết nối đường Lê Văn Lương (quận 7, Nhà Bè) với tỉnh Long An, nâng cấp mở rộng, khai thông các luồng đường thuỷ nội địa. TPHCM vừa đầu tư đồng bộ đường bộ, vừa đầu tư đường thuỷ kết nối với các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương qua các trục như Quốc lộ 22, Quốc lộ 13…

Trong quá trình đầu tư phát triển đường bộ sẽ tập trung giải quyết những điểm ùn tắc, các nút thắt giao thông. Trong khu vực trung tâm, chúng tôi hạn chế làm vì chi phí giải phóng mặt bằng rất lớn nên tập trung làm ở những khu vực kết nối với các đường vành đai, đường hướng tâm… Có một số nút giao thông vừa qua chúng ta đang thực hiện như các nút giao thông nằm trên hành lang của Quốc lộ 1 với các trục đường xuyên tâm và hướng tâm; các nút giao thông kết nối xuống khu vực phía Nam thành phố. Đây là những điểm nghẽn.

Qua những nút giao thông, chúng tôi sẽ tập trung đầu tư những công trình cầu trên các tuyến để kết nối tốt hơn hướng phát triển chính của TPHCM gắn với các trục, các nút giao thông này. Chẳng hạn như tập trung đầu tư nút giao thông An Phú (quận 2) phải đồng bộ với các cây cầu kết nối vào khu đô thị Thủ Thiêm. Nút giao thông đường Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) phải tập trung làm đồng bộ với các cầu của Kinh Tẻ hoặc cầu đường Nguyễn Khoái để có thêm những hành lang phát triển một cách đồng bộ giữa các tuyến đường, tháo gỡ những điểm, nút nghẽn thông qua hướng phát triển chính của TPHCM về hướng Đông và hướng Nam.

TPHCM có tính đến việc sử dụng nguồn lực này để nâng cao năng lực vận tải đường thuỷ vốn có rất nhiều tiềm năng?

Về đường thuỷ, sắp tới TPHCM sẽ tập trung khai thông một số tuyến, luồng quan trọng để phát triển vận tải hàng hoá và hành khách, đặc biệt là luồng sông Sài Gòn kết nối Tây Ninh, Bình Dương và TPHCM qua đó tạo thành một hành lang vận tải mới thông qua việc nạo vét, nâng tĩnh không các cây cầu trên tuyến như cầu Bình Lợi, cầu Phú Long cũ…

Chúng tôi sẽ tập trung nguồn lực để nâng cao năng lực kết nối giữa TPHCM và Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu như nạo vét Rạch Chiếc, sông Sài Gòn, sông Đồng Nai cũng như đầu tư hệ thống cảng, luồng trên tuyến kết nối khu vực cảng Cát Lái, cảng Hiệp Phước với cụm cảng Cái Mép –Thị Vải hoặc các khu công nghiệp Nhơn Trạch, Bình Dương, Long An… và vận tải hàng hoá bằng đường thuỷ để giảm áp lực giao thông đường bộ. Chi phí đầu tư cho đường thuỷ luôn rẻ hơn nhiều so với đường bộ.

Về đường sắt đô thị (metro), TPHCM sẽ dồn lực đảm bảo tiến độ khai thác tuyến metro số 1 (đến năm 2020), đẩy nhanh tiến độ tuyến metro số 2, chuẩn bị thủ tục đầu tư các tuyến metro đã sắp xếp được nguồn vốn như tuyến số 5 (giai đoạn 1). Ngoài ra, TPHCM sẽ khai thác hiệu quả hệ thống hạ tầng hiện hữu, duy tu, bảo trì, phân luồng, phân tuyến, năng lực quản lý hệ thống vận tải hiện có nâng cấp, mở rộng cho đồng bộ trong quá trình hoạt động vận tải. Đặc biệt mạng lưới xe buýt, thành phố sẽ dành nguồn lực đầu tư phương tiện và hệ thống bến bãi phục vụ cũng như kết nối hệ thống xe buýt với giao thông liên tỉnh gồm bến xe Miền Đông, bến xe Miền Tây…

TPHCM có còn xem xét đến một số giải pháp giảm ùn tắc từng gây nhiều tranh cãi, chẳng hạn như hạn chế phương tiện cá nhân?

Cơ chế đặc thù, đột phá mới chỉ là phương pháp, giải pháp chứ chưa phải là mục tiêu cuối cùng để đạt được của ngành giao thông TPHCM. Từ những giải pháp, phương pháp đó vấn đề quan trọng là phải làm sao đạt mục tiêu một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất.  

Đối với giao thông, chúng tôi đánh giá không có biện pháp hoặc nhóm biện pháp nào có thể giải quyết được bài toán ùn tắc giao thông, TNGT. Chắc chắn TPHCM phải triển khai đồng bộ tất cả các giải pháp.

Cơ chế chính sách đặc thù sẽ tạo cơ hội đột phá trong nhóm giải pháp về đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vì có thêm nguồn lực ngoài đầu tư phát triển hạ tầng còn có nhóm giải pháp tuyên truyền, xử phạt các hành vi vi phạm về giao thông; nhóm giải pháp liên quan đến điều chỉnh quy hoạch, phối hợp quy hoạch một cách đồng bộ giữa ngành giao thông với quy hoạch xây dựng và các quy hoạch khác; nhóm giải pháp trong việc nâng cao năng lực tổ chức quản lý khai thác hạ tầng và nhóm giải pháp quản lý phát triển giao thông công cộng, quản lý xe cá nhân…

Nghị quyết 54 tác động rất nhiều đến các nhóm giải pháp nhưng tác động lớn nhất là đến nhóm giải pháp về đầu tư phát triển hạ tầng. Chúng tôi tin rằng các giải pháp trên sẽ góp phần quan trọng để hoàn thành các mục tiêu của chương trình giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông TPHCM đặt ra trong nhiệm kỳ 2016 – 2020.

Cám ơn ông!

MỚI - NÓNG
Tấm biển đá có lỗi kỹ thuật đã được cơ quan chức năng di dời.
Ngành chức năng thông tin về tấm biển ghi 'Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá'
TPO - Ngày 20/4, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Thanh Hoá cho biết, đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Thanh Hóa kết quả kiểm tra, rà soát lại toàn bộ sự việc liên quan đến tấm biển đá ghi "Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa" ở di tích lịch sử Quốc gia nghè Vẹt, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc.