Thủ Thiêm, tết này…

Vợ chồng bà Phùng Thị Thu Hằng trong căn hộ vườn được UBND quận 2 cho mượn trong thời gian chờ giải quyết khiếu nại
Vợ chồng bà Phùng Thị Thu Hằng trong căn hộ vườn được UBND quận 2 cho mượn trong thời gian chờ giải quyết khiếu nại
TP - Đối với nhiều hộ dân trên bán đảo Thủ Thiêm (quận 2, TPHCM), Tết Kỷ Hợi 2019 là mùa xuân đầu tiên thắp lên niềm tin, hy vọng về một chính sách bồi thường giải quyết oan sai thấu tình đạt lý của các cấp chính quyền…

Mượn nhà đón Tết…

Chiều cuối năm 2018, bên trong căn hộ 5.03 dãy nhà A, lô CD chung cư Bình Khánh (quận 2) còn thơm mùi sơn mới, dù còn hơn tháng nữa mới đến Tết nhưng bà Phùng Thị Thu Hằng (58 tuổi) đang tất bật bày biện, trang hoàng nhà cửa chuẩn bị đón Tết. Căn hộ bà mượn có diện tích hơn 80m2 được thiết kế khá tiện nghi gồm 3 phòng ngủ, 2 phòng tắm, nhà bếp, phòng khách và một khoảng không để phơi quần áo. Gia đình bà mới dọn về non một tháng nên mọi thứ vẫn còn ngổn ngang. Đắn đo mãi bà quyết định đặt tạm bộ salon gỗ và chiếc ti vi cũ ngoài phòng khách.

“Tết năm nay hai vợ chồng tui và các con sẽ đón Tết tươm tất hơn. Mùng 8 Tết giỗ má tui. Mấy năm trước nhà cửa xập xệ, xuống cấp, không biết bị đập lúc nào nên hai vợ chồng chỉ làm mâm cơm cúng đơn sơ, không mời ai. Năm nay được ở trong căn nhà đàng hoàng, sắp tới tui định mời anh em dòng họ tới làm đám giỗ tử tế cho má tui khỏi tủi”, Bà Hằng nói.

Ngoài lan can, ông Lương Văn Thạnh (60 tuổi), chồng bà ngồi lặng lẽ nhìn hoàng hôn đang đánh rơi những tia nắng cuối ngày xuống dòng sông Tranh êm đềm. Từ ngày giải phẫu điều trị căn bệnh ung thư thanh quản, ông Thạnh không còn nói được. Bị bệnh nan y, ông buộc phải xin nghỉ việc ở Cục Hải quan TPHCM.

“Tôi là Chủ tịch thành phố.Tôi không xuất phát từ lợi ích người dân thì xuất phát từ cái gì, không vì hạnh phúc của người dân thì vì cái gì?Nếu tôi không quan tâm tới chuyện đó thì tôi không còn tư cách để lãnh đạo. Tôi xin nói bằng tấm lòng của mình là như thế”.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM

Nhiều năm qua gia đình bà Hằng không có Tết đoàn viên đúng nghĩa. Anh em họ hàng không ghé. Mấy ngày Tết gia đình cũng không sắm sửa nhiều, chỉ ăn Tết lấy lệ và mong những ngày nghỉ Tết qua thật nhanh để tiếp tục đi khiếu nại giữ lại căn nhà. 

Thủ Thiêm, tết này… ảnh 1 Ông Ngô Nhật Minh nói người dân đang mong mỏi cuộc sống ổn định sau gần hai thập kỷ bất an

Bà Hằng là con duy nhất của liệt sỹ Phùng Văn Chi hy sinh năm 1964 ở Phú Hòa Đông, vùng chiến sự ác liệt nhất của đất thép Củ Chi. Năm 1990, vợ chồng bà chọn bán đảo Thủ Thiêm làm nơi an cư, lập nghiệp, trước khi có quy hoạch dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm. Bà nhớ lại: “Năm 2014, ông xã tui mổ xong vừa xuất viện về đến cổng thì có người chờ sẵn trao tờ quyết định cưỡng chế. Tui vừa chăm sóc chồng, vừa cùng bà con Thủ Thiêm đi khiếu nại.Tui sang Văn phòng tiếp công dân TPHCM gặp Chủ tịch UBND TPHCM lúc đó là ông Lê Hoàng Quân. Biết hoàn cảnh vợ chồng tui, ông Quân chỉ đạo UBND quận 2 ngưng cưỡng chế”.

Căn nhà số A2/8 Lương Định Của của bà Hằng có diện tích 240 m2 là một trong những căn hiếm hoi còn sót lại. Xung quanh nhà, cỏ lau mọc um tùm cao lút đầu người. Mỗi khi thủy triều lên, khoảng sân phía trước bị ngập.Từ ngày khu phố bị giải tỏa, nhà của bà thường xuyên bị ngập mỗi khi mưa xuống.

Thủ Thiêm, tết này… ảnh 2 Bà Lê Thị The bày biện bàn thờ chuẩn bị đón Tết

 Nhà bị dột nát, trần ván ép bị mối mọt xông gần hết, sập xuống từng mảng nhưng vẫn phải giữ nguyên trạng vì thuộc diện giải tỏa. Hai vợ chồng bà thì đều bị ung thư. Bà Hằng mổ năm 2010 thì bốn năm sau đến lượt ông Thạnh bị ung thư thanh quản. Ông chưa kịp hồi phục thì bà lại tiếp tục nhập viện mổ đại tràng. Bà xuất viện thì đến lượt ông tái phát bệnh cũ. Hai vợ chồng cứ thế thay phiên chăm sóc lẫn nhau. Bà Hằng trầm buồn: “Cuộc sống ngột ngạt và căng thẳng lắm. Căn nhà không biết bị đập lúc nào. Bố trí vào khu tạm cư xập xệ, ổng bệnh như vầy làm sao chịu nổi”.

Sau trận lụt lịch sử do hoàn lưu bão số 9 năm 2018 làm căn nhà ngập sâu, nhiều đồ đạc, tài sản hư hỏng, vợ chồng bà Hằng gửi đơn đề nghị Chủ tịch UBND quận 2 Nguyễn Phước Hưng cho mượn một căn hộ tái định cư để ở tạm trong thời gian chờ giải quyết khiếu nại. Bà Hằng nói chỉ làm cầu may vì nhà bà chưa bị giải tỏa thì không đủ điều kiện được giải quyết tạm cư.

Không ngờ lãnh đạo quận cho người xuống khảo sát môi trường sống, sinh hoạt của gia đình bà và giải quyết rốt ráo. Từ lúc bà Hằng nộp đơn đến khi quận cho dọn đồ lên nhà mới chỉ mất đúng 5 ngày. Và, từ ngày dọn về nơi ở mới môi trường trong lành, ông Thạnh không còn bị hành hạ bởi những cơn ho kéo dài.

Sửa nhà, làm đường cho dân… 

Không chỉ cho mượn căn hộ, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận và UBND phường sẵn sàng giúp bà Hằng dọn nhà. Bà cho hay: “Tôi mượn nhưng được lựa chọn căn hộ ưng ý. Lãnh đạo phường dặn nếu gia đình gặp khó khăn thì cứ báo để phường cử người đến giúp đỡ. Người ta lo cho mình như vầy là quá tốt rồi.Nơi ở mới gần chợ Bình Khánh, có bảo vệ trực 24/24h đảm bảo an ninh, không còn phập phồng lo mất xe, mất đồ. Nhiều gia đình đang sống bên khu tạm cư An Phú chật chội được bố trí căn hộ ở đây để bớt cực khổ”.

“Tôi được lựa chọn căn hộ ưng ý. Lãnh đạo phường dặn nếu gia đình gặp khó khăn thì cứ báo để phường cử người đến giúp dọn nhà. Người ta lo cho mình như vậy là quá tốt rồi”. 

Bà Phùng Thị Thu Hằng, ngụ A2/8 Lương Định Của, khu phố 1, phường Bình An, quận 2

.

Nhà bà Lê Thị The (Út The, 74 tuổi) gần nhà bà Hằng. Hôm chúng tôi ghé, bà nói đang sửa soạn đi Hà Nội và ngậm ngùi: “Hồi xưa mỗi lần Tết đến, Xuân về là phố xá xôn xao, đông đúc. Từ hồi có dự án khu đô thị Thủ Thiêm, bà con ở đây không còn Tết”.

Bà Út The nguyên là cán bộ Ban Binh vận Trung ương cục Miền Nam. Sau giải phóng, bà được điều về Thủ Thiêm làm cửa hàng trưởng, phụ trách thu tiền đò. Chồng bà là Bí thư Chi bộ Khu phố 1, bị đột qụy vào năm 2006, sau một cuộc họp căng thẳng, đến năm 2013 thì mất. Bà nói cũng vì ông lâm trọng bệnh, căn nhà mới giữ lại được đến hôm nay. “UBND quận ban hành quyết định cưỡng chế, tui ra UBND thành phố xin gặp Chủ tịch thành phố trình bày. Ông chỉ đạo UBND quận ngưng cưỡng chế.

4 năm qua, năm nào bà The cũng ra Hà Nội kêu oan vì cho rằng căn nhà nằm ngoài ranh quy hoạch của dự án. Cứ vay mượn được ít tiền, bà The lại ra Hà Nội. 

“Tết năm ngoái, Quận ủy cho người cầm xuống cho tui vài triệu đồng và một túi quà đầy đủ bánh trái. Anh Hưng, Chủ tịch UBND quận xuống thăm lì xì tôi một triệu mừng tuổi. Tui lấy tiền đó mua ít hoa quả, nấu nồi thịt kho cho mấy đứa nhỏ ăn mấy ngày Tết chứ đi khiếu kiện thế này tiền đâu mua sắm”, bà The nhớ lại.

Năm nay, bà The nói sẽ cố gắng lo tươm tất hơn. Nhà có chậu mai vàng để ngoài sân.Đến Tết đem vô nhà chưng. Trên bàn thờ ngày Tết bà chưng vài bình bông trang cầu may. Mấy ngày Tết bắt buộc phải có miếng bánh, miếng mứt để cúng ông bà. Trên bàn thờ ngày Tết phải tươm tất, có mâm ngủ quả, đầy đủ các loại.

Bà The ngậm ngùi: “Mình sao cũng được còn mấy đứa nhỏ cũng cần ph.ải có Tết. Con mồ côi thì mẹ nó cố gắng mua cho bộ quần áo mới. Tui định bàn với mấy đứa nhỏ hùn vô ăn Tết mấy ngày. Cái ăn hàng ngày tui không lo. Cơm đứa nào nấu đưa trước thì ăn của đứa đó, còn bệnh thì có thẻ bảo hiểm y tế. Năm nào bà con Thủ Thiêm cũng đến chúc tết nhưng mặt ai cũng buồn vì chưa biết đi đâu, về đâu”.

Ông Nguyễn Phước Hưng, Chủ tịch UBND quận 2 cho biết lãnh đạo quận đã có kế hoạch huy động từ các nguồn lực xã hội để chăm lo Tết cho bà con Thủ Thiêm. Việc gì giải quyết được cho dân thì ông và lãnh đạo quận sẽ cố gắng làm. Cũng có những việc ông muốn làm nhưng chưa được.

“Những việc tập thể lãnh đạo quận 2 đã giải quyết cho người dân là bình thường. Ai ở vị trí này đều làm như thế. Chia sẻ được gì để giảm bớt khó khăn cho người dân thì chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện” ông Hưng khẳng định. 

Nhiều trăn trở…

Nhóm bà The ban đầu có gần 100 hộ dân, sau nhiều năm tìm công lý trong vô vọng đã rơi rụng gần hết, đến nay còn khoảng 30 hộ hình thành “làng Thủ Thiêm giữa lòng Hà Nội”. Bà nói khi lãnh đạo UBND TPHCM mời bà con đến đối thoại, xin lỗi, nhiều người đã hồ hởi hy vọng năm nay sẽ được đón một mùa xuân tràn ngập niềm vui nhưng đến nay vẫn chưa thành hiện thực.
Nhìn mấy đứa cháu nội côi cút, bà The ngậm ngùi: Tui sống nay chết mai, chỉ thương mấy đứa nhỏ. Có 4 đứa con trai thì chỉ còn một, để lại 4 đứa cháu côi cút trên cõi đời này. Tụi nó cần cái nhà đàng hoàng để ở, không phải đi thuê, đi mướn nhưng không biết tui có lo kịp không. Năm nay tui yếu lắm rồi.Tui mong lãnh đạo thành phố lần này quyết làm vì quyền lợi của dân.

Ông Ngô Nhật Minh (61 tuổi, phường An Khánh, quận 2) bày tỏ: Người dân đã bức xúc và mệt mỏi gần 20 năm nay. Cái sai của dự án và của một số cán bộ lãnh đạo các thời kỳ, Thanh tra Chính phủ đã kết luận. Tôi mong các cấp chính quyền sớm giải quyết quyền lợi chính đáng của bà con theo quy định pháp luật. Ăn no không bằng ở yên. Nhà của mình đấy nhưng tâm trạng chưa một lúc nào bình lặng. Bà con cần sớm ổn định cuộc sống vì Tết sắp về...

Bà Phùng Thị Thu Hằng ngậm ngùi: Hồi chưa có dự án khu đô thị Thủ Thiêm, tình làng nghĩa xóm bền chặt như ở dưới quê, dù Thủ Thiêm chỉ cách trung tâm Sài Gòn một con sông. Có đám tiệc, đám cưới là mọi người trong xóm tụ tập lại cùng đi hay tụ tập ở nhà nào đó nấu ăn để cùng xem đá banh. Mấy ngày Tết còn vui hơn. Chợ hoa bán dọc đường.Mọi người đi chúc Tết từng nhà. Con nít chạy lăng xăng từ nhà này sang nhà kia để được lì xì. Bây giờ mọi thứ đã trở thành hoài niệm…

Nhiều người dân vẫn còn nhớ trong một lần tiếp xúc, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong khẳng định nếu không thực tâm giải quyết cho người dân Thủ Thiêm thì thành phố đã không tổ chức gặp gỡ dân.Thành phố thấy rõ trách nhiệm và thực tâm giải quyết vấn đề Thủ Thiêm.

Và, bà con tin tưởng và mong mỏi người đứng đầu thành phố sẽ sớm thực hiện lời hứa “chính quyền sẽ làm hết mình vì lợi ích chính đáng của người dân, chia sẻ thiệt thòi với người dân”. 

Giải quyết dứt điểm vụ Thủ Thiêm trong năm 2019

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM khẳng định chưa bao giờ giải quyết điểm “nóng” Thủ Thiêm thuận lợi như hiện nay bởi đã có kết luận của Thanh tra Chính phủ. Thành phố phải tập trung giải quyết dứt điểm trong năm 2019, không để khiếu kiện kéo dài và cần biến thách thức thành thời cơ để lấy lại niềm tin của nhân dân.

Hiện nay, khu 4,3 ha ngoài ranh quy hoạch đã xác định có 321 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó 166 hộ đã di dời, nhận nhà đất ở chỗ khác. Thành phố sẽ có chính sách hỗ trợ hợp lý để người dân ổn định. Đối với 155 trường hợp bị cưỡng chế và 144 hộ đã dời đi, nếu người dân muốn quay lại sẽ có 3 lựa chọn: vào chung cư tái định cư trong khu 4,3 ha; nhận nền đất gần đó hoặc tái định cư ở nơi khác. Mỗi phương án sẽ được áp mức bồi thường khác nhau.

MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.