Thứ trưởng Bộ Y tế: Chưa thấy mối liên quan nào giữa ổ dịch Hải Dương và Quảng Ninh

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn
TPO - Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, hiện chưa thấy mối liên hệ nào giữa hai ổ dịch Hải Dương và Quảng Ninh sau khi xảy ra các ca lây nhiễm COVID-19 tại cộng đồng, nhưng ngành Y tế đã chuẩn bị tình huống để xử lý, phát hiện ca nhiễm ở khu dân cư nào sẽ phong tỏa khu đó.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Đại hội Đảng XIII sáng 29/1, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, với tình hình hiện nay, nhận định chắc chắn là phải làm xét nghiệm trên diện rộng, nhanh, quyết liệt cho khu vực Hải Dương. Các tỉnh, thành có thông báo công dân từ Hải Dương, từ sân bay Vân Đồn về, rồi những người có liên quan đến thành phố Chí Linh thời gian đó, các địa phương phải kích hoạt hết.

Về hệ thống điều trị, ngành Y tế tiếp tục xây dựng các bệnh viện dã chiến. Trung tâm Y tế huyện Chí Linh bây giờ đã di tản hết bệnh nhân và sẽ tiếp nhận hơn 80 ca về đó hết. Bên cạnh đó sẽ xây dựng 1 bệnh viện dã chiến tại trường Đại học Hải Dương. Nhưng hôm nay mới chuẩn bị, với bệnh viện dã chiến, phải có chỉ đạo của Thủ tướng.

Đợt dịch bùng phát này không truy vết được F0, vậy việc phòng chống lần này có khó khăn hơn không, thưa ông?

Bây giờ chúng ta phải phủ quét trên diện rộng. So với các đợt trước có khó khăn hơn nhưng mình lại chủ động hơn nhiều. So với Đà Nẵng trước đó thời gian đầu bị động hơn nhiều. Đến bây giờ đối với Hải Dương, mình chủ động hơn, vào cuộc ngay từ đầu. Lực lượng y tế tập trung dưới đó đã rất đông, kể cả về giám sát dịch tễ, hệ thống điều trị, xét nghiệm sẽ hỗ trợ cho Hải Dương một cách tối đa.

Cụ thể, đã có bao nhiêu lực lượng ở dưới đó, thưa ông?

Bộ Y tế đã có 4 đoàn công tác cũng giống như đã làm với Đà Nẵng, có giám sát, xét nghiệm, có điều trị và giao cho Bệnh viện Bạch Mai, BV Nhiệt đới Trung ương.

Trước diễn biến như vừa qua, đợt dịch có thể ập đến bất thình lình, ở bất cứ đâu, vậy chúng ta có lường trước đến những đợt dịch kế tiếp không, thưa ông?

Sẽ có nhiều giả thiết suy luận để dựa vào đó truy vết. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, điều quan trọng không phải tìm ra được F0 mà phải càn quét diện rộng để tìm ra những người mắc, những người liên quan để cho họ tự bảo vệ mình.

Nhưng nếu không tìm được nguyên nhân thật sự đợt dịch tới từ đâu, như vậy sẽ không ngăn chặn được từ gốc nguồn lây bệnh?

Đợt dịch này vi khuẩn mới của biến thể từ Anh, bên Nhật xác định được rồi. Người bệnh đi từ đâu, có rất nhiều đường. Ví dụ những công dân giải cứu về nước dương tính tại sân bay Vân Đồn, đã đưa đi cách ly, nhưng trong quá trình anh em tiếp cận, không đảm bảo về trang phục phòng dịch thì chắc chắn sẽ bị lây. Hoặc tại xã Cộng Hòa, Chí Linh rất gần khu cách ly tập trung, có những quan hệ nào đó mình không biết. Chúng tôi đang dự kiến những tình huống đó thôi, dù chưa xác định được nhưng cũng phải chủ động.

Ông có thể đánh giá mức độ nguy hiểm của ổ dịch ở Hải Dương?

Mặc dù là mới nhưng chúng tôi cũng có dự kiến có thể xảy ra ở các bệnh viện, khu dân cư hay nhà máy… Mức độ nguy hiểm cho công nhân tương đối lớn vì chúng ta chưa thực hiện giãn cách trong thời gian gần đây.

Với nhà máy, đã cách ly toàn bộ 2.340 công nhân lấy mẫu. Đến giờ đa số âm tính lần một. Bên cạnh đó, tiếp tục tổ chức rà soát các khu vực lân cận, các nhà máy trong toàn bộ khu công nghiệp.

Vậy có mối liên quan nào giữa ổ dịch Hải Dương và Quảng Ninh?

Hiện giờ chưa thấy. Chúng ta có tình huống xử lý cả rồi, phát hiện ở khu dân cư nào chúng ta sẽ phong tỏa, nhưng phong tỏa ở mức độ nào UBND tỉnh quyết định. Như Đà Nẵng không phong tỏa toàn thành phố mà chỉ phong tỏa ở những quận, những đường, khu phố liên quan để kiểm soát thật chặt.

Cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG