Thủ tướng: Hỗ trợ khẩn cấp cho người dân vùng lũ

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu hỗ trợ khẩn cấp cho người dân vùng lũ
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu hỗ trợ khẩn cấp cho người dân vùng lũ
TPO - Chiều nay (6/11), tại cuộc trực tuyến về khắc phục hậu quả cơn bão số 12 gây tại một số địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải hỗ trợ khẩn cấp cho người dân vùng lũ, trước mắt là gạo, thuốc men, không để người dân thiếu đói, cảnh “màn trời chiếu đất”.  

Theo Bộ trưởng NN&PTNT, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai- ông Nguyễn Xuân Cường cho biết, bão số 12 là cơn bão mạnh, cấp độ rui ro thiên tai số 4. Trong 12 cơn bão từ đầu năm đến nay, cùng với cơn bão số 10, thì cơn bão số 12 là cơn bão có cấp độ rủi ro tới cấp 4, chỉ sau cấp thảm họa.

Tuy nhiên, theo ông Cường, cơn bão này có điểm nguy hiểm hơn, khốc liệt hơn bão số 10, vì đổ vào Nam Trung bộ, là vùng lâu nay không có bão. Từ đó, gây khó khăn cho công tác tự chỉ đạo, phối hợp, sự cảnh giác, ưng phó của người.

Trong khi đó, các hồ chứa thủy điện, thủy lợi ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên đã đầy nước vì năm nay mưa nhiều.  Cùng với đó, hoàn lưu của bão, kết hợp với gió mùa đông bắc gây mưa lớn ở miền Trung, Tây Nguyên. Đến nay, nhiều nơi vẫn mưa to, nguy cơ rất lớn đến an toàn hò đập.

Theo Bộ trưởng Cường, bão 12 gây thiệt hại lớn cả người, tài sản của người dân. Đến chiều nay, bão đã làm 46 người chết, 15 người mất tích.

Đối với sự sự cố, vận tải tại vùng biển Bình Định: Có 10 tàu/101 thuyền viên bị chìm, hư hỏng trên khu vực phao số 0, Cảng Quy Nhơn (riêng tàu Thanh Hải 18 hiện chưa xác định được số thuyền viên). 

Hiện đã cứu vớt được 88 người, 8 người chết và 5 người mất. Trong đó, phải triên khai ngay phương án, không để xảy ra tình trạng tràn dầu.  Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, Bộ này đã cử đoàn do Phó Tổng cục trưởng Biển và Hải đảo vào Bình Định, để xử lý sớm về sự cố tràn dầu.

Theo Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, lực lượng quân đội đã huy động gần 12 nghìn cán bộ, chiến sĩ cùng với các địa phương cứu hộ, khắc phục hậu quả bão lụt. Dự kiến thời gian tới sẽ huy động thêm 10 nghìn cán bộ, chiến sĩ nữa khi nước rút để tập trung khắc phục.

Thượng tướng Lê Chiếm cũng cảnh báo, không chủ quan về hồ đập, nhất là ở Quảng Nam, cần dự báo tình hình xấu nhất để di dời dân. Ông đề nghị miền Trung phải cùng với các cơ quan liên quan đánh giá, lên phương án di dời dân. Các địa phương ven biển cần nghiên cứu xây dựng thêm các chỗ tránh trú bão cho tàu thuyền; sử dụng hợp lý lực lượng quân đội trong ứng cứu, nhất là tập trung cho trường học.

Hỗ trợ gấp người dân vùng lũ

Chỉ đạo cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, bão số 12 đã gây thiệt hại lớn về người, nhà cửa, hạ tầng của 9 địa phương miền Trung, Tây Nguyên. Sau lũ lụt là dịch bệnh, đói kém, cản trở phát triển do hạ thầng thiệt hại nặng nề.

Đánh giá cao về công tác chỉ đạo, ứng phó; công tác dự báo có tiến bộ, công tác điều tiết hồ chứa được làm tốt, không có hồ nào bị vỡ, đây là bài học kinh nghiệm tốt. Công tác chỉ đạo chủ động, nhiều giải pháp sáng tạo với tinh thần trách nhiệm cao của các bộ, ngành, lực lượng quân đội, công an.

Thủ tướng cũng buồn đến các gia định có người bị nạn, bị thiệt hại do bão lũ, đồng thời, yêu cầu chính quyền các cấp, hệ thống chính trị, chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt không để để người dân bị đói, cảnh “màn trời chiếu đất”, dịch bệnh, sớm giúp dân định cuộc sống trở lại và đặc biệt là đảm bảo tốt trong sự kiện APEC.

Thủ tướng yêu cầu, Công Thương chỉ đạo Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), khắc phục sự cố để cung cấp điện cho người dân sinh hoạt, sản xuất. Huy động lực lượng, nhất là quân đội dựng lại nhà cửa cho người dân, nhà bị sập, hư hỏng.

Bên cạnh đó, các bộ có chức năng phải trực tiếp đi xuống các địa phương để kiểm tra, xử lý, giải quyết những vấn đề đặt ra ở địa phương, ví dụ, Bộ GTVT tải phải bảo đảm giao thông thông suốt, không bị ách tắc, Bộ Công Thương bảo đảm hàng hóa cần thiết Bộ NNPTNT tổng hợp, đề xuất hỗ trợ giống các loại để cho vụ Đông.

“Phải giải quyết gạo đến dân kịp thời nhất, cơ số thuốc mà Bộ Y tế giải quyết cho các địa phương phải đưa đến dân sớm nhất. Đề phòng dịch bệnh sau lũ cần phải làm ngay, chứ không phải có dịch bệnh rồi mới làm”- Thủ tướng nói.

Về vấn đề hồ chứa, Thủ tướng giao Bộ KHĐT, Tài chính, NN&PTNT đề xuất Thủ tướng xem xét về chương trình nâng cấp hồ chứa. Đồng thời, cần làm tốt vấn đề quy hoạch, bản đồ theo dõi sạt lở kịp thời, tránh để chết người hàng loạt.

Trước mắt, Thủ tướng quyết định hỗ trợ một lượng gạo cần thiết cho các địa phương, tỉnh bị nặng được hỗ trợ 500 tấn, nhẹ là 100-200 tấn.  Bộ NN&PTNT sớm trình phương án hỗ trợ các địa thiệt hại nặng theo thứ tự ưu tiên để khắc phục hạ tầng, sản xuất với tổng kinh phí khoảng 1.000 tỷ đồng.

Thiệt hại do bão số 12:

- Đến nay có 46 người chết (Quảng Ngãi 3 người; Bình Định 3 người; Khánh Hòa 27 người; Lâm Đồng 3 người; Kon Tum 1 người; Đắk Lắk 1 người và 8 người do sự cố tàu vận tải). Người mất tích: 15 người (Quảng Ngãi 1 người; Bình Định 3 người; Phú Yên 1 người; Khánh Hòa 5 người và 5 người do sự cố tàu vận tải)

- Về nhà ở 1.358 nhà bị sập đổ (Khánh Hòa gần 1.000 nhà); gần 115.000 nhà bị tốc mái, hư hỏng (trong đó, 14.500 nhà; Khánh Hòa 98.000 nhà)

- Tàu cá bị chìm, hư hỏng: 1.286 tàu (Đà Nẵng 4 tàu; Quảng Ngãi 3 tàu; Bình Định 19 tàu; Phú Yên 119 tàu; Khánh Hòa 1.141 tàu).

-Về Nông nghiệp, thủy sản: Diện tích lúa bị ngập gần 5.300 ha; trên 14.800 ha rau màu bị ngập, hư hại.

- Lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản: gần 24.500 lồng bị thiệt hại  (Khánh Hòa 24.320 lồng).

-Về lưới điện: Về lưới điện 110kV (Phú Yên: Toàn bộ trạm biến áp 110kV bị hư hỏng đến nay đã được khôi phục và cấp điện; Khánh Hòa  3/11 trạm biến áp 110kV bị hư hỏng  Đe ến nay chưa khôi phục được do đường dây 110kV có 13 cột bị gãy đổ và 10 cột bị nghiêng).

Về lưới điện trung, hạ thế: Tỉnh Phú Yên có 1.641 cột trung, hạ thế bị gãy, nghiêng, đổ. Hiện đã khôi phục được 820 cột và mới cấp điện được đến trung tâm các huyện, thành phố: Tuy An, Đông Hòa, Tây Hòa, Tuy Hòa, Sông Hinh, Sơn Hòa, Sông Cầu, Phú Hòa; các khu vực khác vẫn chưa khôi phục được.

Tỉnh Khánh Hòa 626 cột trung, hạ thế và 23 cột 110kV bị gãy, nghiêng, đổ. Hiện mới khôi phục được 352 cột trung, hạ thế và mới cấp điện được một phần các huyện Vạn Ninh, Ninh Hòa, Cam Lâm, Diên Khánh và thành phố Nha Trang; các khu vực khác vẫn chưa khôi phục được.

MỚI - NÓNG