Thủ tướng nói về nguyên nhân sạt lở đất miền Trung

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên thảo luận tổ ngày 2/11. Ảnh: Như Ý
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên thảo luận tổ ngày 2/11. Ảnh: Như Ý
TP - Sáng 2/11, phát biểu tại phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội tại Quốc hội, Thủ tướng nhấn mạnh phải đánh giá đầy đủ toàn diện hơn nguyên nhân sạt lở đất, thúc đẩy tăng trưởng xanh, hạn chế tác động của con người, hạn chế lấy rừng, lấy đất.

Ðánh giá sát, điều chỉnh tăng trưởng phù hợp

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định, chưa năm nào như 2020, từ đầu năm diễn biến thiên tai rất bất thường. Chính vì vậy, khi bàn kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 phải tìm ra các biện pháp khắc phục hậu quả thiên tai, đặc biệt ở các tỉnh miền Trung. “Bây giờ bà con khổ lắm, nhà không có, ăn không có, mỳ tôm không có nước để nấu, phải ăn sống”, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, đồng thời lưu ý đến việc hỗ trợ lương thực, thuốc men, giúp đồng bào khôi phục lại nhà cửa, không để dịch bệnh, đói khát xảy ra sau khi nước rút và sau bão.

“Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2021 và trong 5 năm tới không thể không lồng ghép những nội dung vừa khắc phục hậu quả bão lũ, vừa phòng chống thiên tai. Ví dụ bây giờ biết những khu dân cư, nơi mưa lũ có thể bị vùi lấp thì phải chủ động ngay. Chả nhẽ năm nay như vậy, năm tới lại để tiếp tục bị vùi lấp ở chỗ này, chỗ kia. Cho nên trong kế hoạch đầu tư công trung hạn phải tính tới yếu tố này. Phải nhanh chóng quy hoạch, bố trí sắp xếp dân cư ra khỏi nơi có nguy cơ lũ quét trong thời gian tới”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Thủ tướng nói về nguyên nhân sạt lở đất miền Trung ảnh 1 Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh 

Nhấn mạnh, mặc dù tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 không đạt so với chỉ tiêu tăng trưởng đề ra, song theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM), trong bối cảnh khó khăn, kinh tế thế giới biến động, trong nước chịu tác động của COVID-19 và thiên tai lũ lụt...những kết quả mà Việt Nam đạt được hết sức khả quan. Đặc biệt, trong khi tổng cầu giảm lớn, nhưng trong quý III/2020, Việt Nam đã tăng trưởng xuất khẩu 11% và được xem là một trong 4 quốc gia tăng trưởng xuất khẩu lớn nhất thế giới. “Đây là nỗ lực, tận dụng thời cơ hội nhập kinh tế”, ông Ngân nhận định.

“Tính dị thường, cực đoan của thời tiết là một nguyên nhân rất lớn ảnh hưởng đến môi trường tại địa phương và mức độ, hậu quả ghê gớm của thiên tai, lũ lụt. Chính phủ đã có chỉ đạo và tiếp tục nghiên cứu báo cáo đánh giá kỹ”. 


Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh 


Về dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2021, ông Ngân đề nghị đưa ra hai phương án tăng trưởng trong bối cảnh thuận lợi và bất lợi. “Chúng ta phải đặt kiểm soát dịch bệnh lên hàng đầu, bởi nếu không kiểm soát dịch bệnh sẽ ảnh hưởng tới kinh tế. Phải xây dựng quy trình tiếp nhận người nước ngoài, tăng xử phạt nghiêm minh cho những người đưa người nước ngoài vào Việt Nam trái pháp luật”, ông Ngân nói.

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên- Huế) đánh giá cao những lỗ lực trong phòng chống dịch bệnh, thiên tai vừa qua. Tuy nhiên, đại biểu Nghĩa cho rằng, phải tìm ra kịch bản đối phó với dịch bệnh một cách hiệu quả hơn.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) cũng đánh giá cao những nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong phòng chống thiên tai, dịch bệnh vừa qua. Trong khi các nước tăng trưởng âm, chúng ta lại có mức tăng trưởng dương, rất ấn tượng. Tuy nhiên, đại biểu còn băn khoăn về việc đánh giá mức độ thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Ông Hận đề nghị Chính phủ có tổng kết, đánh giá lại một cách cụ thể, chi tiết hơn, để trên cơ sở đó đưa ra sự điều chỉnh tăng trưởng sát với thực tế cho những năm tiếp theo.

Hạn chế lấy rừng, lấy đất

Đề cập đến vấn đề lũ lụt, thiên tai, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đã trực tiếp đến các tỉnh miền Trung thăm hỏi, động viên người dân, đưa ra chỉ đạo điều hành. Chính phủ sẽ có biện pháp tập trung hỗ trợ nhà ở, khắc phục nhà sập, chăm sóc và hỗ trợ tìm người mất tích, khi hiện nay vẫn còn trên 50 người mất tích do thiên tai ở miền Trung.

Giải thích về nguyên nhân gây nên mưa lũ và sạt lở đất ở miền Trung, theo Thủ tướng, có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng ông lưu ý đặc thù địa chất của khu vực này là kết cấu đất sét, mưa nhiều sẽ gây ra sạt lở.

“Rừng già còn nhiều, khảo sát nhiều nơi thảm thực vật vẫn còn 80 - 90%, nhưng mưa thối đất thì không còn kết cấu nào chịu đựng được”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh cần phải đánh giá đầy đủ toàn diện hơn để có biện pháp tối đa, thúc đẩy tăng trưởng xanh hơn, hạn chế tác động của con người, hạn chế lấy rừng, lấy đất.

Đối với vấn đề phát triển thủy điện nhỏ, Thủ tướng nhấn mạnh phải xem xét để hạn chế phá rừng, tới đây những công trình nào xây dựng liên quan đất rừng phải trình Quốc hội xin ý kiến.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, cả nước hiện có 429 công trình thủy điện được đưa vào vận hành khai thác với dung tích khoảng 56 tỷ m3, chiếm 86% dung tích hồ chứa nước. Hiện 401/401 đập đã được thực hiện theo đúng quy định về báo cáo hiện trạng an toàn đập; 100% đập thực hiện đúng quy định về bảo trì, kiểm tra, sửa chữa đập; có 376/401 đập được thực hiện theo đúng quy định về quy trình vận hành hồ chứa.

Trước thông tin nói hồ đập thủy điện ở miền Trung và một số địa phương xả lũ gây ngập lụt, theo ông Trần Tuấn Anh, “đấy là cách viết thông tin trên truyền thông”. Qua số liệu quan trắc và khí tượng thủy văn, Bộ trưởng dẫn dụ, tại tỉnh Quảng Nam, hồ thủy điện Đắk Mi 4 dung tích lớn, có những thời điểm đỉnh lũ, nước về hồ lên tới 17.000 m3/giây.

“Chính nhờ dung tích Đắk Mi 4 có khả năng điều tiết, chứa nước đã giúp cắt lũ tới 55%. Nếu không đỉnh lũ về hôm 28/10 là ngập lụt trắng toàn vùng hạ lưu”, ông Trần Tuấn Anh khẳng định.

Nói về nguyên nhân, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, cần phải đánh giá kỹ hơn, kể cả với công trình thủy điện, giao thông, công trình của quân đội…còn rất nhiều vấn đề tác động, ảnh hưởng tới môi trường. “Tuy nhiên, phải khẳng định, tính dị thường, cực đoan của thời tiết là một nguyên nhân rất lớn ảnh hưởng đến môi trường tại địa phương và mức độ, hậu quả ghê gớm của thiên tai, lũ lụt. Chính phủ đã có chỉ đạo và tiếp tục nghiên cứu báo cáo đánh giá kỹ”, ông Tuấn Anh cho hay.

Giải thích về vấn đề trượt lở trong thời gian vừa qua, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, nguyên nhân kích hoạt chính là do mưa bão kỷ lục, cường độ cao, kéo dài liên tục gần như cả tháng qua ở khu vực miền Trung. Hệ quả làm đất đá bị bão hòa, sũng nước, vừa làm tăng các lực gây trượt, vừa làm giảm các lực kháng trượt, thúc đẩy nhanh quá trình trượt lở.

Theo nghiên cứu, chỉ cần mưa với cường độ khoảng 100 mm/ngày hoặc nhỏ hơn nhưng kéo dài liên tục hàng chục ngày đã đủ để khiến cho đất đá bị bão hòa nước. Trong khi đó khu vực miền Trung vừa qua mưa rất lớn và kéo dài.

Ngoài nguyên nhân kích hoạt chính kể trên, theo Bộ trưởng Hà, khu vực miền núi các tỉnh Trung Bộ còn có nhiều yếu tố bất lợi khác về địa hình, địa chất, thảm phủ thực vật bị suy giảm nhiều. Cùng với đó là các hoạt động nhân sinh, như xây dựng đường sá, thủy điện, hạ tầng, các công trình dân sinh khác… cũng đóng vai trò lớn trong việc gây trượt lở, hoặc làm trầm trọng thêm các thiệt hại.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, với những dạng thiên tai cực đoan như hiện nay, tới đây, cần các nhà khoa học đánh giá kỹ hơn khi phát triển các công trình hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế- xã hội, để có thể đối phó và đưa ra những giải pháp phòng ngừa hiệu quả.

Liên quan đến vấn đề sách giáo khoa, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, sau khi có dư luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng vào cuộc ngay. “Đúng như cử tri có phản ánh, cần phải sửa chữa nhiều lắm. Bộ GD&ĐT cũng chỉ đạo sẽ sửa chữa ngay tất cả như các phản ánh của cử tri”, bà Ngân nhấn mạnh, đồng thời thông tin, số tiền 16 triệu USD cho lĩnh vực này hiện chưa sử dụng, vì vừa qua làm xã hội hóa. Bộ GD&ĐT cũng báo cáo chưa sử dụng nguồn này. 

MỚI - NÓNG