Thường trực Ban Bí thư: Tập trung kiểm toán lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng tại buổi làm việc với KTNN
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng tại buổi làm việc với KTNN
TPO - Thường trực Ban Bí thư yêu cầu cơ quan kiểm toán phải chủ động hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; trước hết tập trung vào các lĩnh vực, đối tượng kiểm toán dễ xảy ra lãng phí, tham nhũng, tiêu cực như đất đai, dự án đầu tư xây dựng các công trình lớn, lĩnh vực môi trường...

Văn phòng Trung ương Đảng vừa có Thông báo số 109 về Kết luận của Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng tại cuộc làm việc với Kiểm toán Nhà nước trước đó.

Thường trực Ban Bí thư yêu cầu hoạt động kiểm toán phải bám sát Nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước, phục vụ đắc lực thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, xã hội của đất nước; góp phần đắc lực trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí; xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đây chính là mục tiêu, là trọng tâm của hoạt động kiểm toán.

Kiểm toán Nhà nước là cơ chế đặc thù, hoạt động có tính độc lập và tuân thủ pháp luật, trực tiếp phục vụ cơ quan quyền lực cao nhất, do vậy hoạt động, kết luận, kiến nghị của kiểm toán phải có chất lượng và tầm mức tương xứng với địa vị pháp lý ấy. Hoạt động kiểm toán phải kịp thời cung cấp thông tin hữu ích cho điều hành phát triển kinh tế - xã hội; khắc phục sơ hở và bổ sung hoàn thiện pháp luật, trọng tâm trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ, ngân sách nhà nước.

Điều sâu xa hơn là công tác kiểm toán phải góp phần quan trọng vào việc xây dựng ý thức văn hóa pháp luật trong thu, chi tài chính, quản lý và sử dụng tài sản công. Muốn làm được điều này, kiểm toán phải tinh thông nghiệp vụ, bản lĩnh vững vàng; đồng thời có đủ cơ chế để kiểm toán hoạt động và ngăn ngừa có hiệu quả sự can thiệp, tác động không đúng vào hoạt động kiểm toán.

Thường trực Ban Bí thư cũng yêu cầu cơ quan kiểm toán, phải chủ động hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; trước hết tập trung vào các lĩnh vực, đối tượng kiểm toán dễ xảy ra lãng phí, tham nhũng, tiêu cực như đất đai, dự án đầu tư xây dựng các công trình lớn, lĩnh vực môi trường... Kiểm toán phải phối hợp chặt chẽ, kịp thời với các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan Kiểm tra, Kiểm sát, Công an, Thanh tra để tạo sức mạnh trong công tác này.

Đồng thời sớm hoàn thành Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước giai đoạn 2020- 2030, tầm nhìn đến năm 2035, tạo đà cho Kiểm toán nhà nước phát triển. Đây là vấn đề cốt lõi, căn cơ, nhằm nâng cao hơn nữa và ngày càng hoàn thiện tổ chức, phương thức hoạt động.

Ngoài ra, cán bộ kiểm toán cần phải có phương pháp công tác khoa học, sâu sắc, thận trọng, cầu thị, biết lắng nghe ý kiến phản hồi từ đối tượng kiểm toán. Cán bộ kiểm toán luôn phải đối mặt với cám dỗ của đời thường, do vậy phải tăng cường kỷ cương, kỷ luật; kiên quyết xử lý những cán bộ vi phạm pháp luật, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống…

MỚI - NÓNG