Thường vụ xem xét việc thí điểm bỏ HĐND phường ở Hà Nội

Thường vụ sẽ cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân tại các phường thuộc quận, thị xã của Hà Nội.
Thường vụ sẽ cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân tại các phường thuộc quận, thị xã của Hà Nội.
TPO - Phiên họp lần thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra từ ngày 14 –17/10. Tại phiên họp này, Thường vụ sẽ cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân tại các phường thuộc quận, thị xã của Hà Nội.

Do HĐND cấp phường hoạt động hình thức, không hiệu quả, thành phố Hà Nội đề xuất thí điểm không tổ chức HĐND tại 177 phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây. Trên cơ sở đó, Bộ Nội vụ đã xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc này, đồng thời gửi tới Bộ Tư pháp thẩm định.

Theo dự thảo nghị quyết, 177 phường sẽ thí điểm không tổ chức HĐND phường trong nhiệm kỳ 2021 - 2026 của HĐND, UBND các cấp, bắt đầu từ 1/6/2021 đến khi Quốc hội chấm dứt thực hiện thí điểm.

Việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP.Hà Nội nhằm từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, năng lực quản lý, điều hành của chính quyền TP.Hà Nội phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trong giai đoạn tới”, Bộ Nội vụ dẫn giải.

Theo Bộ Nội vụ, việc thực hiện thí điểm 177 phường không tổ chức HĐND được thực hiện trên các căn cứ pháp lý vững chắc cả về lý luận và thực tiễn.

Sáp nhập xã, thành lập mới các phường

Ngoài nội dung trên, tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) (nếu đủ điều kiện); cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) (nếu đủ điều kiện); cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc thực hiện Nghị quyết số 468/NQ-UBTVQH14 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và kiến nghị sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016 còn lại đã chuyển nguồn sang giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 để thực hiện hạng mục bổ sung của một số dự án. Thông qua dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.

Cùng với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về các báo cáo: Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 8 của Quốc hội; Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7 của Quốc hội; Kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2019. Cho ý kiến về báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ Cho ý kiến về việc trình Quốc hội phê chuẩn: Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam và Campuchia; Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia.

Đồng thời xem xét, phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Xem xét, quyết định việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Hải Dương giai đoạn 2019-2021; mở rộng địa giới hành chính thành phố Hải Dương; điều chỉnh địa giới một số phường, xã; thành lập 2 phường Tân Hưng và Nam Đồng thuộc thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương; việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Thanh Hóa và thành lập thị trấn Nưa thuộc huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa; thành lập 3 phường Hòa Long, Nam Sơn, Kim Chân thuộc thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.

MỚI - NÓNG