Thủy điện bậc thang: Nhiều nguy cơ gây thảm họa

Hàng chục căn nhà ở Hoà Bình nguy cơ bị sông Ðà "nuốt". Ảnh: Mạnh Thắng.
Hàng chục căn nhà ở Hoà Bình nguy cơ bị sông Ðà "nuốt". Ảnh: Mạnh Thắng.
TP - Việc hàng nghìn hồ đập đang đầy nước, xuống cấp đang đe dọa sự an toàn với hạ du rất lớn. Với hồ thủy lợi nhỏ, thủy điện nhỏ bậc thang, nếu bị vỡ sẽ tạo phản ứng domino gây thảm họa.

Cẩn trọng với đập thủy điện, thủy lợi nhỏ

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện các tác động từ mưa lũ, động đất gần thủy điện Sông Tranh (Quảng Nam) đang được các cơ quan liên quan theo dõi sát.

Theo đó, Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai sẽ có trách nhiệm vận hành xả lũ khẩn cấp với liên hồ chứa, hoặc độc lập từng hồ. Tuy nhiên, hiện diễn biến về mưa lũ khu vực này chưa đến mức phải xả lũ.

“Còn việc đôn đốc, nhắc nhở, rà soát, kiểm tra tính an toàn của công trình, quy chế phối hợp với địa phương, liên lạc với hạ du khi xả lũ đã có quy định cụ thể”- ông Hoài nói.

Ông Hoài cũng cho biết, hiện thành viên Ban chỉ đạo đã đi kiểm tra khu vực đó, tới đây sẽ có tổng hợp, đánh giá sớm. Còn với người dân hạ du, vẫn phải luôn lưu ý  thông tin từ chủ hồ và địa phương về xả lũ để có phương án đảm bảo an toàn.

Thủy điện bậc thang: Nhiều nguy cơ gây thảm họa ảnh 1

Người dân Chương Mỹ, Hà Nội vật lộn trong biển nước. Ảnh: Mạnh Thắng.

GS.TS Vũ Trọng Hồng-Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cho rằng, theo kinh nghiệm, nếu mưa tầm tã liên tục 7 ngày trở lên, gần như chất lượng của đập yếu đi đáng kể sẽ dễ vỡ. Do vậy, trong bối cảnh hàng nghìn hồ đập đầy nước, có động đất thì phải “cảnh báo đỏ”.

GS Hồng cũng cho biết, Việt Nam có nhiều hồ đập, đặc biệt là hồ thủy điện, thủy lợi nhỏ, dân cư ở hạ du cũng đông đúc gấp mấy lần so với Lào. Vì thế, nếu vỡ đập có thể làm cho số người chết, thiệt hại lớn hơn cả nước bạn.

“Hồ thủy lợi nhỏ dùng đập đất tuổi thọ chỉ 30 năm, nhưng chúng ta đã giữ được đến 40-50 năm. Hàng trăm hồ nhỏ xuống cấp, không có kinh phí sửa chữa, nếu có chỉ sửa vá víu, đáng ra đổ bê tông, đổ đá thì lại đổ đất chẳng hạn…thì rất nguy hiểm”-GS Hồng nói.

Theo GS Vũ Trọng Hồng, lúc này nguy hiểm là ở thủy điện nhỏ thuộc miền núi phía Bắc, miền Trung, như Sông Tranh 2, sông Ba Hạ. Tất cả  đều là thủy điện bậc thang, cần cảnh báo vì nếu vỡ sẽ gây thảm họa

Vị chuyên gia thủy lợi này cũng phân tích thêm: Thủy điện nhỏ ít nguy cơ vỡ, nhưng nguy hiểm ở chỗ, khi lũ lớn, vì hồ chứa không có dung tích chứa lũ, nên nước về đầy là tràn ngay xuống dưới. Còn nếu bị vỡ, đặc biệt là vỡ đập thủy điện nhỏ bậc thang với 3-4 nhà máy trên một dòng sông, loay hoay di tản là rất nguy hiểm.

 “Theo kinh nghiệm, ở khu vực sông Tranh 2, khi có cảnh báo xả lũ của cơ quan chuyên môn, người dân bằng mọi cách chạy lên vùng cao hơn 5 mét là có cơ hội sống”- ông Hồng nói đồng thời cho biết, lúc này nguy hiểm là ở thủy điện nhỏ thuộc miền núi phía Bắc, miền Trung, như Sông Tranh 2, sông Ba Hạ. Tất cả đều là thủy điện bậc thang, cần cảnh báo vì nếu vỡ sẽ gây thảm họa.

Theo Tổng cục trưởng Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) hiện 1.850 hồ chứa lớn, nhỏ ở khu vực phía Bắc và Bắc Trung bộ đã đầy nước, với trên 230 hồ diện xung yếu. Trong đó, khu vực Bắc Trung bộ, có 1.000 hồ chứa đã đầy nước của 3 tỉnh Thanh Hóa (420 hồ), Nghệ An (509 hồ), Hà Tĩnh (hơn 140 hồ).

Lãnh đạo Tổng cục Thủy lợi cũng cho biết, cả nước hiện có trên 1.200 hồ chứa thuộc diện xung yếu, trong đó, có 450 hồ đã được dự toán từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) để sửa chữa, nâng cấp. Còn gần 700 hồ xung yếu trong diện “đói” vốn.

Phải “lồng” thoát lũ vào làm đường, đô thị

Liên quan đến sạt lở gây sập nhà ở Hòa Bình, ông Trần Quang Hoài cho biết, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Bộ TN&MT chủ trì đánh giá nguyên nhân, đưa ra giải pháp phù hợp. Hiện Bộ NN&PTNT đã chủ động cho cán bộ đi khảo sát, xem mức độ xói nông, sâu ra sao. Bộ cũng đề nghị địa phương tổng hợp báo cáo, đề xuất Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp.

Về thông tin xả lũ của hồ Hòa Bình ảnh hưởng ra sao đến ngập lụt của vùng Chương Mỹ (Hà Nội)?, ông Hoài “bác” tin này và cho rằng, không liên quan đến xả lũ hồ Hòa Bình.

Theo ông Hoài,  phải hiểu rõ là hồ Hòa Bình không xả xuống sông Đáy. Hơn nữa, việc xả lũ của hồ Hòa Bình thời gian qua là cần thiết sau khi lưu lượng nước về hồ lớn, và đã được quy định trong quy trình vận hành được Thủ tướng phê duyệt. “Còn việc chỗ này, chỗ kia ngập lụt sẽ được cân đối tổng thể, tuy nhiên, việc xả buộc phải tuân thủ theo quy trình”- ông Hoài nói.

Ông Hoài cũng cho biết, hồ Hòa Bình đã đóng cửa xả cuối cùng từ ngày 30/7, nhưng vùng Chương Mỹ, Quốc Oai vẫn ngập. Còn về nguyên nhân bị ngập, ông Hoài cho rằng, do mưa lớn, nước từ rừng ngang vùng Kim Bôi (Hòa Bình), mưa tới 900mm trong 6 ngày “sầm sập” đổ xuống, vượt cả lũ lịch sử năm 2008. “Cái này khả năng do quy luật thiên nhiên, có thể quay lại sau 10 năm”- ông Hoài nhận định.

Với tính toán, nước sông Bùi sẽ đổ ra sông Tích, sau đó dẫn ra sông Đáy. Việc thoát nước sông Bùi sẽ phụ thuộc vào thoát nước của sông Đáy. Trong khi đó, hiện nước sông Đáy ngoài đổ ra sông Hồng qua sông Đào, sông Đáy còn đổ ra sông Hoàng Long (Ninh Bình). “Tuy nhiên, hiện nước sông Hoàng Long đang dâng cao, nên sẽ cản trở việc thoát nước của sông Đáy”- ông Hoài nhận định.

Liên quan vấn đề thoát lũ của Hà Nội, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cho rằng, nhiều hệ thống hạ tầng đã lấn ra hành lang thoát nước của các sông, làm giảm khả năng thoát lũ. Đây là tình trạng ở nhiều sông trên toàn quốc.

Ông Thắng cũng lưu ý, Hà Nội cần củng cố lại hệ thống hạ tầng thoát lũ. Trong đó, cần kiểm tra các hướng thoát lũ, nơi cản trở dòng chảy và phải lồng ghép phòng chống thiên tai vào hoạt động quản lý đất, xây dựng hạ tầng một cách đồng bộ. Từ việc làm đường, phát triển khu đô thị phải tính toán về thoát nước, thoát lũ. 

MỚI - NÓNG