Tiền bảo trì không đủ để vá đường hỏng

QL 14 đoạn qua xã Nam Bình, huyện Ðắk Song liên tục hư hỏng
QL 14 đoạn qua xã Nam Bình, huyện Ðắk Song liên tục hư hỏng
TP - Dù được đầu tư công phu và đắt đỏ về giá thành, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng, nhiều đoạn đường ở Tây Nguyên đã bị hư hỏng, xuống cấp. Việc khắc phục thường dây dưa kéo dài, vì khoản kinh phí bảo trì đường bộ ít ỏi không đáp ứng đủ nhu cầu duy tu, sửa chữa.

Quốc lộ nhiều đoạn vừa làm xong đã hỏng

Đường Hồ Chí Minh (QL 14) nối từ tỉnh Kon Tum đến Bình Phước chính thức thông đường từ tháng 6/2015 có tổng chiều dài khoảng 553 km. Từ khi thông đường đến nay đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương, rút ngắn khoảng cách di chuyển từ tỉnh này qua tỉnh kia, thuận lợi hơn cho giao thông, lưu chuyển hàng hóa. Nguồn vốn đầu tư tổng cộng hàng chục nghìn tỉ đồng chủ yếu từ Trái phiếu Chính phủ và có sự góp sức của các doanh nghiệp đầu tư theo hình thức BOT.

Tuy nhiên, trong số các đơn vị thi công, vẫn có những nhà thầu thể hiện năng lực yếu kém, nên nhiều đoạn đường được giao mới làm xong đã hỏng.

Khá điển hình, là đường Hồ Chí Minh đoạn qua các huyện Chư Sê, Chư Pưh, Chư Păh thuộc địa phận tỉnh Gia Lai quá nhanh hỏng với rất nhiều ổ gà và các vệt lún. QL 14 đoạn qua Đắk Lắk có chiều dài khoảng 119 km, gồm 2 dự án vốn trái phiếu Chính phủ dài 70km và một dự án BOT khoảng hơn 25km. Trong đó, đoạn lộ ra rất nhiều chỗ hỏng thuộc huyện Ea H’Leo, thị xã Buôn Hồ, các xã đầu và cuối TP Buôn Ma Thuột như Hòa Phú, Hòa Thắng, Đạt Lý.

Tại tỉnh Đắk Nông, QL 14 dài 154km, có 2 dự án BOT và 1 dự án được thực hiện bằng nguồn trái phiếu Chính phủ. Các vị trí đường hỏng khiến nhà đầu tư phải liên tục có các phương án sửa chữa, là  các đoạn đường chạy qua xã Tâm Thắng và thị trấn Ea T’Linh (huyện Cư Jút); Đoạn qua thôn 11, xã Nam Bình, huyện Đắk Song; Đoạn từ xã Đắk Ru, và thôn 8, xã Nhân Cơ thuộc huyện Đắk R’Lấp, về thị xã Gia Nghĩa v.v...

Đường Nguyễn Trung Trực đối diện với cổng chính ra vào trụ sở UBND thị xã Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) bị xói lở phần lớp thảm trên, khiến từng lớp đá dăm vỡ vụn đọng dày ở hai bên đường. Đường Ca Bá Quát tiếp ở giữa đường Nguyễn Trung Trực nối gần với trụ sở UBND thị xã Gia Nghĩa cũng bị bong tróc mặt đường.

Qua khảo sát thực tế, nhà chức trách địa phương đã có báo cáo gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Cục Quản lý đường bộ III, chỉ đạo các đơn vị nhà thầu khắc phục các hư hỏng. Ông Nguyễn Đình Dương, Trưởng phòng Quản lý dự án II (thuộc Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh) cho biết, do đặc điểm của Tây Nguyên 6 tháng nắng, 6 tháng mưa nên việc khắc phục đường hỏng rất khó khăn. “Một số tuyến đường qua thành phố do được làm từ lâu, nên đã hết thời gian bảo hành. Quá trình rà soát, kiểm tra trên toàn tuyến, chúng tôi đã trao đổi với Chi cục Quản lý đường bộ III thống nhất sang năm phải có 2 đợt tiến hành kiểm tra sửa chữa” - ông Dương nói.

Tỉnh lộ, huyện lộ đều thiếu tiền để vá

Nhiều tuyến đường nối trung tâm hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông đi các huyện, xã đã và đang xuống cấp nghiêm trọng, trong khi đó, nguồn kinh phí sửa đường “chẳng thấm vào đâu”.

Tỉnh lộ 1 từ TP Buôn Ma Thuột qua huyện Buôn Đôn nối liền với địa bàn huyện biên giới Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk) có “tuổi đời” gần 20 năm. Đây là tuyến đường quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng và du lịch vùng phía Tây tỉnh, nhưng nhiều đoạn hỏng nặng từ lâu. Các tuyến tỉnh lộ 12 nối từ QL 27 dẫn vào huyện Krông Bông, QL 29 đi qua thị xã Buôn Hồ dẫn vào huyện Krông Năng nhiều đoạn mặt đường vỡ nát, nhiều năm nay vẫn chưa được sửa chữa dứt điểm.

Đường vành đai phía Tây TP Buôn Ma Thuột được đầu tư quy mô, đắt đỏ, chưa thông xe cũng đã xuống cấp. Khởi công từ năm 2009, dự án này tổng mức đầu tư sau điều chỉnh khoảng 680 tỷ đồng bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và ngân sách, với quyết tâm thông đường vào năm 2015. Nhưng kế hoạch phải lùi dần, và đến nay vẫn giậm chân tại chỗ.

Do 14 km đường vành đai này được chia nhỏ ra 7 gói thầu, cho 7 đơn vị mạnh yếu khác nhau, nên chất lượng mỗi đoạn mỗi khác. Nhà chức trách địa phương xác nhận, sau 3 năm đi vào sử dụng, đã có một số đoạn đường bị xuống cấp, đọng nước, giải phân cách bị vỡ, nứt vữa , mặt đường có chỗ bong tróc sâu 5-10cm. Nguyên nhân chủ yếu do đơn vị thi công cẩu thả, chắp nối, lớp bê tông “vá” bên trên không gắn liền, phá vỡ kết cấu của giải phân cách…

Theo Sở GTVT Ðắk Lắk, thời gian qua công tác đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, nguồn lực của tỉnh còn hạn chế trước các áp lực về nợ công, thực hiện luật đầu tư công, chính sách ổn định kinh tế vĩ mô. Hiện nay, toàn tỉnh có diện tích hơn 13 nghìn km đường giao thông, thì có tới 10 nghìn km cần đầu tư cải tạo, nâng cấp.

MỚI - NÓNG