Tiêu cực, tham nhũng đe dọa bộ mặt đô thị

"Hà Nội đã trải qua bảy lần qui hoạch, thế mà giờ nó vẫn chẳng thể ra ngô ra khoai, bộ mặt phố phường vẫn cứ nham nhở không giống ai, mưa xuống phố vẫn “thành sông”, đường sá bế tắc bởi kẹt xe..."
Hà Nội vẫn... nham nhở

Nguyễn Thế Bá - Ông là người lập ra bộ môn qui hoạch ở VN (khởi đầu ở Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, từ năm 1965), và sáng lập Hội Qui hoạch phát triển đô thị VN hiện nay nói về việc  qui hoạch” phố phường ở VN.

Qui hoạch đang “vướng”...

Bộ mặt các đô thị của chúng ta hiện nay không được nề nếp, chuẩn mực... như các nước, lại quá nhiều tồn tại, nan giải mà chúng ta hay đổ rằng “thiếu qui hoạch”, thật ra là sao, thưa giáo sư?

Tôi không đồng ý. Bởi thực tế chúng ta không thiếu qui hoạch, ngay từ những năm 1960 vấn đề qui hoạch đã được đặt ra, tỏ rõ nhận thức về tầm quan trọng của qui hoạch trong phục vụ phát triển đô thị.

Hệ thống đô thị trong những năm gần đây hầu hết đều đã có qui hoạch. Vấn đề là ở chỗ chúng ta đang ứng xử như thế nào với qui hoạch...

“Sống chung với... qui hoạch”, lặn lội với chuyện qui hoạch đô thị suốt mấy mươi năm qua, giáo sư nghĩ gì về chuyện qui hoạch ở ta hiện nay?

Xin hãy trả qui hoạch về với đúng chức năng của nó: là vẽ chân dung tương lai của phố phường, của đô thị! Lâu nay ta có qui hoạch, nhưng không mấy bản qui hoạch được thực hiện, nó không được tôn trọng, bị ngược đãi.

Nếu coi qui hoạch là cơ sở, là khoa học, và tuân thủ theo qui hoạch thật sự thì đô thị ở ta đã không dị hợm, bị băm nát như bây giờ.

Nhiều bản qui hoạch bị “chết non”, vẽ ra năm trước năm sau đã lỗi thời; vẽ theo định hướng phát triển kinh tế xã hội của một địa phương, mà những định hướng này tự bản thân nó cũng thay đổi xoành xoạch, có khi chưa hết một khóa HĐND.

Lại có bản qui hoạch được “qui hoạch” tốt, nhưng không được thực hiện. Vì sao? Vì nó “vướng” quá nhiều. Ông chủ tịch, bí thư này chấp nhận bản qui hoạch dưới “triều đại” ông, nhưng sang khóa mới, ông khác lên... lại muốn kiểu khác (như quảng trường phải đặt chỗ này, sân vận động phải đặt chỗ kia, tuyến đường này phải phóng hướng này...).

Và đau xót nhất là tình trạng phổ biến “vô hiệu hóa qui hoạch”: một khu vực không hề có qui hoạch dân cư trong bản qui hoạch (đã được duyệt), nhưng vì chuyện sâu xa nào đó, bằng quyền lực họ có thể “cấy” vào. Lại có chỗ thiết kế là công trình công cộng, có dấu son quốc huy hẳn hoi trên bản phê duyệt qui hoạch, thế mà họ có thể chuyển sang khu nhà ở dễ dàng. Hay bản vẽ thể hiện một con đường lớn, họ cho làm hẹp lại...

Một khi đã thay đổi được một chỗ là sẽ tiếp đến chỗ khác, nát một chỗ rồi nát... tất cả, còn gì đô thị. Đang phổ biến khắp nơi là tình trạng các nhà lãnh đạo địa phương không muốn “nghe” theo qui hoạch. Nhiều bản qui hoạch, sau một thời gian khai triển ra bên ngoài, nhà thiết kế không còn nhận ra đó là “con đẻ” của mình nữa.

Điều luật nào cho phép cái quyền can thiệp vô lý vào qui hoạch, thưa giáo sư?

Luật pháp không cho phép, nhưng chẳng hiểu sao họ vẫn làm được, nó vẫn diễn ra. Tôi cũng chưa thấy ai bị bỏ tù (hoặc bị cách chức) vì thay đổi qui hoạch, can thiệp vào qui hoạch. Tôi đã chứng kiến quá nhiều khi người ta hợp thức hóa việc làm sai bằng những văn bản điều chỉnh, giấy phép...

Chưa kể, trong thực tế do chưa xây dựng được một cơ chế quản lý và thực thi qui hoạch khoa học, nên trong chính sách cái trước đá cái sau, “ông” xây dựng, “ông” qui hoạch, “ông” địa chính... luôn không ai chịu ai, mà những ý muốn của họ phần nhiều không phải ý muốn của dân, không nhằm mục tiêu tạo dựng cho được đô thị mai sau. Xây dựng tương lai của một thành phố mà nhiều khi cứ “đơn giản” như... cất một căn nhà!

Một khi không tạo ra được một đô thị tốt, khoa học, tồn tại lâu dài, đảm bảo phúc lợi cho toàn dân... thì đó là một cái tội! Thật nguy hiểm khi anh là người quản lý đô thị mà xem chuyện người dân xây nhà trái phép là bình thường, rồi bảo rằng “vì đã không thấy được căn nhà xây trái phép được cất lên”.

Khi đụng phải sự can thiệp thô bạo vào bản qui hoạch như thế, tâm lý của những nhà qui hoạch như giáo sư thường phản ứng ra sao?

Ban đầu anh em cũng cố bảo vệ ý tưởng, quan điểm (kỹ thuật, mỹ thuật...); nhưng mãi rồi thấy không ăn nhằm gì đành thôi. Và bây giờ phổ biến là: vẽ theo ý lãnh đạo (chắc nhất), cho dù lãnh đạo không được học về khoa học qui hoạch, về tổ chức không gian đô thị, về tạo lập khu dân cư...

Sẽ không có tương lai nếu không cắt bỏ được sự lạm dụng quyền lực

Vì sao các nước họ có được đô thị tốt?

Vì họ thượng tôn pháp luật, đặt tương lai lên hàng đầu, tức những bản qui hoạch đô thị có hiệu nghiệm, được khai triển triệt để.

Tại sao các nhà chức trách ở ta có vẻ thường ngại công khai trước dân chuyện qui hoạch (dù gần đây có đỡ hơn)?

Có thể vì sợ dân biết hết, kiểm soát chặt sẽ dễ phát hiện cái sai. Mà dân đã phát hiện cái sai thì cái ghế họ ngồi không yên. Cũng có thể do họ hạn chế về năng lực: không hiểu hết giá trị lâu dài của bản qui hoạch, nhận thức đơn giản.

Hoặc cũng có thể vì lợi ích riêng tư, trong bối cảnh đất đai và đô thị ngày càng trở thành “cõi” dễ kiếm chác, mau làm giàu nhất. Bảo “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”, nhưng dường như trong qui hoạch ở địa phương nào dân cũng không được tham gia!

Cái gì đang thách thức, đe dọa tương lai đô thị ở VN?

Đất đai và tham nhũng! Nhận thức về đất đang thay đổi ghê gớm, thị trường đất đai hình thành sôi động trong đời sống, phong trào đô thị hóa đang bùng nổ chưa từng có, trong khi quản lý nhà nước vẫn theo đuôi, đi sau đời sống, chưa đưa ra cách thức kiểm soát đất đai và đô thị hiệu quả.

Đó là “môi trường” cho cái xấu, kẻ xấu (nhất là một số nhân viên trong ngành quản lý đất đai, xây dựng, qui hoạch) sinh sôi, len lỏi, đục nước béo cò, trục lợi... thậm chí có nhiều kẻ cứ thích phố phường mất nguyên tắc như thế mãi.

Cái này rồi sẽ chi phối chuyện qui hoạch, can thiệp vào việc kiến tạo đô thị. Tham nhũng trong lĩnh vực đất đai hiện đang lớn hơn bao giờ hết, và chắc chắn nó sẽ kinh hoàng hơn nữa.

Ai bảo những kiểu thay trắng đổi đen từ các bản qui hoạch, dễ dàng biến khu qui hoạch công cộng thành khu dân cư..., khu bất kiến tạo bỗng chốc trở thành khách sạn, khu resort cho một nhà đầu tư...?

Tôi dự báo những bản qui hoạch rồi sẽ đối diện khốc liệt hơn với giá đất, với cơ chế nhà đất, cung cách quản lý đất đai, nhà cửa, và kiểu huy động đầu tư bằng mọi giá hiện nay.

Tôi cũng dám cá cược rằng: nếu không chặn được tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực đất đai ở đô thị, sẽ không có hi vọng tốt đẹp về diện mạo đô thị VN trong tương lai. Vì vậy, tôi đang chờ xem Luật chống tham nhũng ra đời sẽ thể hiện ra sao!

Nếu tồn tại cái kiểu coi đất là trên hết như hiện nay, rồi sẽ không còn một chỗ để làm công viên cho trẻ thơ, trong khi điều tốt nhất mà một đô thị mang lại phải là phúc lợi cho người dân, càng nhiều càng tốt.

Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta phải làm gì cần kíp cho đô thị nước nhà?

Đô thị phải phát triển theo kịch bản, chuyện qui hoạch phải thật sự được xem là khoa học, được thượng tôn, được xem như trí tuệ của những người làm qui hoạch, mà mọi thứ quyền lực khác không thể khuất phục. Nó phải được triển khai thật sự, được phát triển tiếp nối, kế thừa.

Nếu hiện tại triển khai (bản qui hoạch) không hết, hay chưa được, thì những năm sau nữa (hoặc thế hệ sau nữa) triển khai tiếp mới tạo ra được... một đô thị tử tế.

Còn ngược lại đô thị sẽ què quặt, tạm bợ, rồi sẽ phải đi “vá” mãi, “vá” mãi thôi! Những đô thị lai căng đang tạo ra từ đồng bằng lên miền núi, từ miền biển lên cao nguyên, vô trật tự, mới ra đời đã muốn cần phải đập bỏ để làm lại... nếu gọi đúng tên phải là “những thành phố thất bại!”. Các bản qui hoạch cần phải được đặt trước mặt các nhà lãnh đạo địa phương, để hằng ngày họ được nhìn thấy, và phải chỉ cho họ cách đọc và hiểu một bản qui hoạch.

Và như thế cần phải nhanh chóng lập lại kỷ cương trong quản lý đất đai, xây dựng, phải cắt bỏ các khối u vốn đang tấn công vào cơ thể đô thị lâu nay, mà mục tiêu trước mắt là quản lý và kiểm soát cho được quĩ đất đô thị để khai thác tốt quĩ đất ấy cho việc phát triển đô thị. Nếu không làm được như trên sẽ không cứu vãn được đô thị chúng ta hiện nay. Không có cái gì “vá” mãi mà tồn tại bền chắc cả!

Xin hỏi giáo sư, đã có Hội Kiến trúc sư rồi, hà cớ gì phải thêm Hội Qui hoạch phát triển đô thị, mà liệu nó có giúp được gì trong bối cảnh qui hoạch rối bời như hiện nay?

Hội Kiến trúc sư chỉ dành cho những kiến trúc sư, thuần túy nghề nghiệp, vẽ nhà cửa. Còn Hội Qui hoạch phát triển đô thị là “tiếng nói” của nhân dân, là nơi qui tụ mọi hiểu biết (và đòi hỏi) của xã hội về đô thị, và tạo dựng đô thị theo đòi hỏi đó. Mở một con đường cũng cần biết dưới lòng đất có gì, nơi nó đi qua trải qua những lịch sử ra sao, đặc điểm quần cư dân sinh, mấu chốt văn hóa của nơi đó thế nào..., nên tránh hay nên sổ thẳng.

Vì thế, cần phải có “trí tuệ” của các nhà văn hóa, nhà sử học, nhà khảo cổ, chuyên gia địa chất, môi trường, nhà báo... có mặt trong Hội Qui hoạch... Tôi cũng hi vọng với nhiều tiếng nói như thế này, Hội Qui hoạch phát triển đô thị sẽ góp phần vào quyền đòi hỏi thực thi qui hoạch, thậm chí đấu tranh chống tiêu cực trong qui hoạch.

Với tình hình VN, tôi nghĩ lẽ ra Hội Qui hoạch phải ra đời từ lâu lắm rồi mới phải!