Tôi đón tết ở Trường Sa

Gói bánh chưng lá bàng vuông
Gói bánh chưng lá bàng vuông
TP - Ban chỉ huy đảo lại triển khai chương trình tết rồi. Thế là tôi đã ở trên đảo Song Tử Tây dạy học được một năm và cái Tết thứ hai lại sắp đến. Những kỷ niệm tươi rói ùa về… 

Vậy là sau bao năm chờ đợi, đơn tình nguyện viết lần thứ hai xin ra quần đảo Trường Sa dạy học của tôi đã được Sở giáo dục và đào tạo tỉnh Khánh Hoà xét duyệt. Lúc này trong lòng tôi dâng lên nỗi niềm lâng lâng khó tả. Niềm vui sướng, tự hào được ra nơi đầu sóng ngọn gió, nơi tiền tiêu của Tổ quốc. Đây là vinh dự rất lớn không riêng với tôi mà của cả gia đình.

Lần đầu tiên tôi đón tết ở đảo xa. Mùa xuân về trên xã đảo Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà không tấp nập, ồn ào xe cộ, người người chen lấn vui xuân, trẩy hội. Không vì thế mà tết ở đảo mất đi sự tươi tắn của mùa xuân. Mùa xuân ở đảo thật nhẹ nhàng, thanh thoát. Cái không khí rộn ràng vui tươi xen lẫn niềm xốn xang nơi đầu sóng ngọn gió thì không có lời nào tả hết được.

Tôi đón tết ở Trường Sa ảnh 1
Công việc dọn dẹp vệ sinh trên đảo ngày nào cũng thực hiện sạch sẽ tinh tươm. Nhưng mỗi độ xuân về, trước Tết nguyên Đán khoảng hơn một tuần, anh em chúng tôi bao gồm trường học, ủy ban, hộ dân và các anh em chiến sĩ trên đảo vẫn làm công tác tổng dọn vệ sinh môi trường. 

Anh Sầm Văn Lương hộ dân số 2 và anh Đặng Văn Đoạn hộ dân số 7 phụ với nhà trường cắt tỉa lại những bồn hoa cho gọn gàng, trồng thêm hoa vào những chỗ bị héo úa. Còn em Hảo và em Khang chiến sỹ 2 phân đội khác nhau thì phụ giúp việc quét sơn và trám xi măng lại những nơi bong tróc. Các lực lượng trên đảo chia từng khu vực quét dọn và cắm cờ, sơn sửa lại các tấm bảng hiệu. 

Đặc biệt mỗi nhà, mỗi đơn vị đều trang bị cho mình một cây mai, cây đào đón tết. Cây mai, cây đào ở đảo rất khác biệt. Anh em tìm lựa cành phong ba có kiểu dáng đẹp, chặt lấy một nhánh đem về bỏ hết lá già, chỉ để lại lá non phần ngọn rồi sau đó lấy bông mai, bông đào bằng vải hoặc bằng nhựa được gửi mua từ đất liền gắn lên thân cây rồi cắm vào lọ, chậu. Anh em nói vui với nhau rằng, chỉ ở Trường Sa mới có loại hoa mai đào lai phong ba chính hiệu. Những chậu hoa phong ba lai mai đào giúp vơi đi nỗi nhớ nhà. Ngoài ra, hai chiến sĩ Minh và Hiếu cùng phân đội rất khéo tay còn viết cả những câu đối bằng chữ thư pháp Việt trên giấy đỏ.

Điều làm tôi bất ngờ thú vị là chuyện gói bánh chưng, bánh tét. Ngoài nguyên vật liệu như lá dong, lạt, đậu xanh, thịt heo ba chỉ,... gửi theo tàu hậu cần ra đảo, chúng tôi còn gói được bánh chưng bằng lá bàng vuông. Các nguyên vật liệu được phân chia cho các đơn vị và hộ dân để về tự phơi lá, ngâm nếp, ướp thịt.

Tôi đón tết ở Trường Sa ảnh 2 Kéo co ở sân đá banh trước cột mốc giữa cụm chiến đấu 1 và đơn vị phối thuộc

Tôi rất ấn tượng với việc gói bánh chưng bằng lá bàng vuông. Chiếc bánh trông thật lạ và đẹp mắt. Đơn vị nào cũng gói được đôi cặp, đơn vị thì gói được nhiều nhất đến gần 15 cái bánh chưng bằng lá bàng vuông vì đơn vị này trồng được nhiều cây bàng vuông nhất đảo. Muốn có được những chiếc bánh gói bằng lá bàng vuông đẹp thì anh em phải leo lên cây tìm hái những chiếc lá to nhất, còn nguyên, xanh mướt. Việc tìm lá rất kì công vì nắng gió ngoài biển đảo rất khắc nghiệt làm đa phần lá bang vuông teo tóp, rách nát.

Gói bánh xong thì nấu tập trung, mỗi đơn vị cắt người thay phiên nhau canh, chụm củi và vớt bánh. Những chiếc bánh đượm tình quê hương này được trang trọng đặt lên bàn thờ tổ tiên ba ngày tết. Mùi vị bánh chưng gói bằng lá bàng vuông rất khác so với gói các loại lá khác. Cái vị chan chát, ngọt ngọt, mằn mặn của lá hoà quyện với mùi thơm dẻo của nếp, của đậu xanh, của thịt heo,... tạo nên hương bánh chưng Trường Sa rất độc đáo.

Tôi đón tết ở Trường Sa ảnh 3 Đêm văn nghệ trên đảo
Đêm 30 tết, đảo tổ chức văn nghệ mừng Xuân, từ 20 giờ đến giao thừa. Thi hát karaoke giữa các đơn vị, ai hát máy chấm điểm cao nhất thì thắng, phần quà chỉ là những gói cà phê 3 in 1 hay gói bột đậu xanh pha uống liền. Có anh hát hay truyền cảm mà máy chấm có 80 - 90 điểm, có anh hát chỉ được cái to thì máy chấm 100 điểm. Lúc này anh em chỉ biết nhìn nhau mà cười. Trò chơi hái hoa dân chủ diễn ra cũng rất sôi nổi, ban tổ chức đưa ra câu hỏi, nếu ai trả lời đúng thì lên hái, phần quà được ghi trong tờ giấy treo trên cây, có khi chỉ là một tràng pháo tay, có lúc là một bông hoa, khi thì gói cà phê hay cái bánh đông sương.

Nếu trả lời sai thì bị “hình phạt” là tự nhảy theo một bản nhạc mà ban tổ chức đưa ra hay làm các động tác theo lời một bài hát về con vật nào đó. Một cuộc thi khác cũng sôi nổi không kém đó là thi ai khéo tay nhất, ban tổ chức gọi 3 bạn trong vòng 5 phút, ai cắt dán được mô hình chiếc tàu hải quân, tàu ngầm, máy bay hay một mô hình nào đó đang có sẵn trên đảo mà làm nhanh, đẹp thì thắng. 

Trong chương trình văn nghệ vui xuân, được đón nhận nồng nhiệt nhất là tiết mục của các em học sinh trường Tiểu học xã đảo Song Tử Tây. Các em múa tập thể bài “Dòng máu Lạc Hồng”, hát tốp ca bài “Khúc quân ca Trường Sa” và đọc thơ về biển đảo. Cuộc thi múa hát văn nghệ diễn ra trong không khí vui tươi, đầm ấm để rồi đúng 12 giờ tất cả ngồi im lặng lắng nghe Chủ tịch nước chúc Tết.

5 giờ sáng mồng 1 tết, đảo tổ chức thi bắt vịt. Vịt được thả 10 con trong âu tàu. 5 đội, mỗi đội 2 người ngồi trên thuyền thúng, một người cầm vành thúng lắc, một người bắt vịt, trong vòng 20 phút đội nào bắt nhiều hơn thì thắng và phần thưởng chính là những chú vịt mà đội đó bắt được. Cuộc thi rất vui mà khỏe mạnh.

Đúng 6 giờ, tôi và mọi người tập trung chào cờ đầu năm, rồi đi dâng hương chùa và tượng đài danh tướng Trần Hưng Đạo. Sau đó các đơn vị trên đảo đi chúc tết lẫn nhau, chúc tết các vọng gác. Khách đến chơi tết, chủ nhà lấy trà thay rượu uống mừng năm mới. Các em nhỏ trên đảo cũng xúng xính trong những bộ áo quần mới, được nhận lì xì mừng tuổi từ anh em cán bộ, chiến sĩ trên đảo.

Các trò chơi dân gian bắt đầu diễn ra vào khoảng 3 giờ chiều, được tổ chức tại sân bóng đá. Các trò chơi rất nhiều: thi đấu cờ tướng, kéo co, đá banh, bóng chuyền, bóng bàn, đẩy gậy, đồng diễn võ thuật, nhảy bao bố, đi chân rết, đi cầu khỉ. Có cả trò thi ai ăn khỏe nhất,... không khí diễn ra đầm ấm, vui tươi và đoàn kết.

Một cái Tết nữa lại đến với tôi. Tết này tôi không về, nhớ dáng mẹ ngày tiễn tôi ra tận cầu tàu để đi dạy học trên đảo…

Sáng ngày 29 tháng Chạp, tất cả tập trung trước sân nhà ăn của đảo để gói bánh. Không khí gói bánh vui tươi rộn ràng, xôn xao tiếng cười nói. Đơn vị - hộ dân nào kết nghĩa với nhau thì ngồi gói một mâm chung. Nhà Thái Minh Khai hộ dân số 1 kết nghĩa với phân đội kĩ thuật; nhà Nguyễn Huy Cường hộ dân số 4 kết nghĩa với phân đội 37; nhà Nguyễn Thanh Tri hộ dân số 6 kết nghĩa với cụm chiến đấu 2...

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.