Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước: Sẽ thuận lợi hơn cho tổ chức công việc

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 8.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 8.
TPO - Ông Lê Quang Vĩnh, Phó Chánh Văn phòng T.Ư cho rằng, “việc Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước sẽ thuận lợi hơn trong tổ chức công việc của Đảng và Nhà nước”.

Ngày 6/10, tại cuộc họp báo thông tin về kết quả Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII, ông Lê Quang Vĩnh – Phó Chánh Văn phòng T.Ư Đảng cho biết, tại hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất cao (100% Uỷ viên Trung ương biểu quyết tán thành) giới thiệu đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước.

“Khi biểu quyết ở Trung ương, chỉ có các Uỷ viên Trung ương Đảng chính thức được quyền biểu quyết, còn các Uỷ viên dự khuyết chỉ được dự chứ không được biểu quyết. Kết quả, 175/175 Uỷ viên chính thức của Ban chấp hành Trung ương Đảng đã đồng ý giới thiệu đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước” – ông Vĩnh thông tin.

Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước: Sẽ thuận lợi hơn cho tổ chức công việc ảnh 1 Ông Lê Quang Vĩnh, Phó Chánh VP T.Ư Đảng

Về sự chuẩn bị của Trung ương để khi Quốc hội bầu đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch nước, bộ máy sẽ vận hành được trơn tru, ông Lê Quang Vĩnh cho hay: "Trong lịch sử, Bác Hồ đã có hàng chục năm vừa làm Chủ tịch Đảng đồng thời là Chủ tịch nước. Thế nên, chúng ta cũng đã có kinh nghiệm, truyền thống, không có gì đáng ngại".

Cũng theo Phó Chánh Văn phòng T.Ư Đảng, 4 văn phòng gồm: Văn phòng T.Ư Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội đều có quy chế phối hợp chặt chẽ để đảm bảo công việc của các lãnh đạo. “Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước sẽ thuận lợi hơn trong tổ chức công việc của Đảng và Nhà nước” – ông Vĩnh nhấn mạnh.

Tại cuộc họp báo, phóng viên đặt câu hỏi: Trung ương có tính tới phương án sáp nhập 2 văn phòng là Văn phòng T.Ư Đảng và Văn phòng Chủ tịch nước trong trường hợp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước?

Trả lời câu hỏi này, ông Vĩnh khẳng định phương án sáp nhập không được đặt ra vì "thời Bác Hồ vừa là Chủ tịch Đảng, vừa là Chủ tịch nước, 2 văn phòng này vẫn riêng biệt".

Ông Vĩnh giải thích thêm, Văn phòng T.Ư Đảng có nhiệm vụ giúp việc, tham mưu, phục vụ hoạt động của các đồng chí lãnh đạo, mà trực tiếp là các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH T.Ư. Trong Văn phòng T.Ư Đảng có một bộ phận rất quan trọng là Văn phòng Tổng Bí thư gồm trợ lý, thư ký của Tổng Bí thư. Còn Văn phòng Chủ tịch nước là một chế định trong tổ chức Nhà nước, giúp việc cho cả Chủ tịch nước và Phó Chủ tịch nước chứ không riêng Chủ tịch nước.

MỚI - NÓNG