Tổng Kiểm toán quyết định việc phòng, chống tham nhũng nội bộ

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc
TPO - Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN đã bổ sung quy định Tổng KTNN có trách nhiệm quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp cụ thể để phòng, chống tham nhũng trong cơ quan KTNN theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng.

Giải trình tiếp thu một số vấn đề còn ý kiến khác nhau, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, có ý kiến đề nghị quy định cụ thể đối tượng có liên quan; nêu rõ phạm vi kiểm toán đối với đối tượng có liên quan; nếu kiểm toán toàn diện các đối tượng này thì phải bổ sung vào kế hoạch kiểm toán theo quy định…

UBTVQH nhận thấy, việc quy định các đối tượng có liên quan đến hoạt động kiểm toán là một trong những nội dung sửa đổi quan trọng nhằm xác lập cơ sở pháp lý, tạo thuận lợi cho KTNN trong quá trình thực thi nhiệm vụ, đồng thời bổ sung các quy định nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán.

Dự thảo luật cũng quy định rõ chỉ thực hiện kiểm tra, đối chiếu các nội dung liên quan trực tiếp đến nội dung, phạm vi kiểm toán của đơn vị được kiểm toán tại các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Trong trường hợp cần kiểm toán toàn diện đối với nhóm đối tượng này, KTNN phải thực hiện quy trình để bổ sung vào kế hoạch kiểm toán và ban hành quyết định kiểm toán theo quy định tại Mục 1 Chương IV Luật hiện hành. Vì vậy, UBTVQH xin cho giữ như quy định của Dự thảo luật.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN, có ý kiến đề nghị không bổ sung quy định KTNN xem xét, quyết định kiểm toán khi có dấu hiệu tham nhũng, bổ sung một số chủ thể được đề nghị kiểm toán theo quy định tại Điều 59 Luật Phòng, chống tham nhũng, quy định cơ chế phản hồi với các chủ thể có đề nghị kiểm toán.

Về việc này, UBTVQH đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp với KTNN rà soát quy định KTNN xem xét, quyết định kiểm toán khi có dấu hiệu tham nhũng và thấy rằng, đúng như ý kiến ĐBQH đã nêu, quy định “dấu hiệu tham nhũng” là chưa rõ ràng và khó khả thi. Do đó, UBTVQH xin bỏ cụm từ “khi có dấu hiệu tham nhũng và” như ý kiến ĐBQH đã nêu.

Về việc bổ sung một số chủ thể được đề nghị kiểm toán theo quy định tại Điều 59 của Luật Phòng, chống tham nhũng, UBTVQH tiếp thu ý kiến ĐBQH đã bổ sung quy định KTNN có nhiệm vụ xem xét, quyết định việc kiểm toán theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, đồng thời sửa đổi, bổ sung căn cứ ban hành quyết định kiểm toán tại khoản 3 Điều 30 của Luật hiện hành để bảo đảm tính thống nhất.

Ngoài ra, UBTVQH đã cho bổ sung quy định về cơ chế phản hồi của KTNN trong trường hợp không thực hiện kiểm toán và bổ sung quy định về cung cấp kết quả kiểm toán cho các chủ thể đề nghị kiểm toán theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng (thể hiện tại khoản 2 Điều 1 Dự thảo luật).

Có ý kiến đề nghị bổ sung vào Điều 13 Luật KTNN hiện hành nội dung quy định Tổng KTNN có trách nhiệm quy định quy tắc ứng xử và chuyển đổi vị trí công tác đối với người có chức vụ, quyền hạn trong KTNN.

Theo UBTVQH, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN đã bổ sung quy định Tổng KTNN có trách nhiệm quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp cụ thể để phòng, chống tham nhũng trong cơ quan KTNN theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng nên đã thể hiện được yêu cầu và đầy đủ căn cứ cho KTNN ban hành hoặc rà soát, sửa đổi các quy định về chuyển đổi vị trí công tác, quy tắc ứng xử và các quy định khác được quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng. Vì vậy, UBTVQH xin phép được giữ như Dự thảo luật.

Cũng có ý kiến đề nghị, cân nhắc quy định KTNN có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, đề nghị chỉ bổ sung quyền yêu cầu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN.

Đúng như ĐBQH băn khoăn, UBTVQH cho rằng, hầu hết các vi phạm hành chính trong hoạt động KTNN gắn với công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công nên đã được quy định xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực tương ứng. Tuy nhiên, trong thực tế thực thi chức trách, nhiệm vụ còn một số hành vi vi phạm Luật KTNN từ các tổ chức, cá nhân không phải là cơ quan nhà nước, không phải là công chức, viên chức nhưng chưa có quy định về thẩm quyền và chế tài xử lý vi phạm như: từ chối cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ cho cuộc kiểm toán, báo cáo sai lệch, không trung thực, không đầy đủ, kịp thời hoặc thiếu khách quan các thông tin liên quan đến cuộc kiểm toán,cản trở công việc của KTNN...

Vì vậy, để bảo đảm đầy đủ, kịp thời xử lý các vi phạm, nâng cao hiệu quả hoạt động của KTNN, trên cơ sở áp dụng các thông lệ quốc tế phù hợp, xin ĐBQH cho giữ quy định KTNN có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính như Dự thảo luật;còn quy định về trình tự, thủ tục, hành vi vi phạm, mức xử phạt hành chính... sẽ được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính để tránh trùng lặp trong hệ thống pháp luật.

MỚI - NÓNG