TPHCM, Hà Nội có thể giãn cách xã hội ở một số khu vực

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
TP - Chiều 8/2, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý cho phép Hà Nội và TPHCM có thể áp dụng một số biện pháp mạnh như thực hiện Chỉ thị 15 hoặc Chỉ thị 16 ở một số khu vực có dịch. Bộ Y tế chỉ đạo xét nghiệm diện rộng một số khu vực dễ lây nhiễm để truy vết, xử lý nhanh.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, dịch bệnh đã từng bước được kiểm soát tại 2 địa bàn bùng phát đầu năm 2021 là Quảng Ninh, Hải Dương và hầu hết các tỉnh, thành phố. Trong 4 ngày gần đây đã ghi nhận số ca mắc mới có xu hướng giảm, hầu hết các ca mắc là các trường hợp đã được cách ly tập trung.

Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, nguy cơ lây lan dịch bệnh vẫn còn rất lớn, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM khi vẫn còn nguồn lây trong cộng đồng chưa được phát hiện, đặc biệt ổ dịch phát hiện tại khu vực bốc dỡ hàng hóa của sân bay Tân Sơn Nhất chưa rõ nguồn lây.

Về vấn đề vắc-xin ngừa COVID-19, Thủ tướng đồng ý chủ trương Bộ Y tế mua vắc-xin của Tập đoàn AstraZeneca để người dân được tiếp cận ngay trong quý I/2021, bảo đảm phù hợp với các điều kiện của Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc lựa chọn phương án, đối tác, loại vắc-xin, đối tượng cần tiêm chủng do ngân sách Nhà nước chi trả, trong đó, đồng ý phương thức xã hội hóa một cách cụ thể.

Trước diễn biến này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kiến nghị, TPHCM cần tăng tốc truy vết, khoanh vùng dập dịch triệt để, khẩn trương thực hiện khoanh vùng nhanh, lấy mẫu triệt để trên diện rộng các trường hợp liên quan ca mắc bệnh tại nơi làm việc, khu vực sinh sống, xác định các nhân viên bốc dỡ hàng hóa tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và thành viên gia đình họ là các trường hợp có nguy cơ cao mắc bệnh.

Xác định các khu vực nguy cơ lây lan dịch bệnh cao để áp dụng các biện pháp hạn chế tập trung đông người (Chỉ thị 15) hoặc giãn cách xã hội (Chỉ thị 16) theo phạm vi phù hợp. “Giãn cách xã hội hết sức cần thiết, khi giãn cách thì các hoạt động tập trung đông người không được phát sinh. Bộ Y tế xác định công tác phòng chống dịch là xuyên Tết, không có Tết”, ông Long nhấn mạnh.

Qua phân tích đặc điểm dịch tễ, nhiều trường hợp nhân viên sân bay âm tính nhưng người nhà lại dương tính, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho rằng, ổ dịch sân bay Tân Sơn Nhất có thể đã tồn tại từ trước đó, chưa xác định được nguồn lây, thời điểm khởi đầu và có khả năng lây lan ra cộng đồng. Về việc giãn cách xã hội, ông Đức nhấn mạnh, TPHCM đồng tình với phương án chính quyền địa phương và lực lượng y tế nơi phát hiện ổ dịch cần xem xét áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, thời gian qua đã xuất hiện những ca mắc mới tại cộng đồng, đều xác định được nguồn lây và có nguồn gốc liên quan hai ổ dịch tại Hải Dương và Quảng Ninh. Tuy nhiên, còn có số ít người là F1 của bệnh nhân đã xác định nhưng không tự khai báo kịp thời, gây khó khăn cho việc truy vết, cách ly và có nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng.

Vì thế, Hà Nội đang tăng cường giám sát dịch, trước mắt sẽ tổ chức xét nghiệm sàng lọc diện rộng tại các khu vực có nguy cơ, như sân bay quốc tế Nội Bài; thực hiện bệnh viện an toàn, các cơ sở khám chữa bệnh xây dựng và tổ chức các phương án phân luồng, khám, sàng lọc; các địa phương tiếp tục “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để rà soát và quản lý toàn bộ những người đi về từ vùng có dịch hoặc nhập cảnh trái phép; xử lý nghiêm những trường hợp khai báo y tế không trung thực.

Áp dụng biện pháp mạnh

Trước việc xuất hiện những ổ dịch mới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói rằng, TPHCM phải xác định khu vực có dịch để thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội. “Nơi đông dân như TPHCM nếu chần chừ sẽ dẫn đến mất khả năng kiểm soát”, Phó Thủ tướng nói đồng thời lưu ý TPHCM mở rộng việc xét nghiệm, truy vết triệt để. Trong khi đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, ổ dịch mới ở TPHCM không liên quan ổ dịch tại sân bay Vân Đồn hay Chí Linh.

Chủng lây bệnh ở TPHCM hiện nay, theo ông Đam, không thuộc chủng virus lây nhanh. Ông Đam đề nghị TPHCM huy động tối đa năng lực lấy mẫu xét nghiệm bằng các nguồn khác nhau. Trong thời gian ngắn nhất, lãnh đạo thành phố và Bộ Y tế cần phác họa được bức tranh tình hình dịch COVID-19 tại TPHCM. Thành phố cần cân nhắc việc tổ chức giãn cách toàn địa bàn.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng, việc xuất hiện các ca mới ở TPHCM là nghiêm trọng, vì thế, chính quyền thành phố cần vào cuộc quyết liệt, đặc biệt vận động nhân dân hưởng ứng thực hiện “Thông điệp 5K” của Bộ Y tế. Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý một số địa phương trọng điểm, nhất là các thành phố, chuẩn bị các kịch bản có thể xảy ra. Không chỉ vận động thực hiện nghiêm “5K” mà yêu cầu xử lý nghiêm vi phạm.

Chủ tịch UBND TPHCM, Hà Nội và các thành phố lớn khác cũng như các tỉnh đang có ổ dịch được áp dụng các biện pháp mạnh để ngăn chặn có hiệu quả dịch bệnh, như giãn cách xã hội ở một số khu phố, quận, địa bàn có ca lây nhiễm khi thấy tình hình xấu có thể xảy ra. “Tình hình nghiêm trọng nhưng chúng ta bình tĩnh, cương quyết, kịp thời, nhất định chúng ta sẽ thành công”, Thủ tướng nói.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.