TPHCM mời gọi tư nhân đầu tư chống ngập

Tình trạng ngập nước ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của hàng vạn hộ dân TPHCM. Ảnh: H.T.
Tình trạng ngập nước ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của hàng vạn hộ dân TPHCM. Ảnh: H.T.
TP - TPHCM đang cần khoảng 73.359 tỷ đồng đầu tư chống ngập trong giai đoạn 2016 - 2020 nhưng ngân sách chỉ cân đối được 16.338 tỷ đồng; phần còn thiếu hụt phải nhờ ngân sách trung ương hỗ trợ, vay ưu đãi và kêu gọi xã hội hóa.

Mưa, triều, lún… “bủa vây”

Ngày 9/8, tại hội nghị mời gọi đầu tư các giải pháp chống ngập và xử lý nước thải do UBND TPHCM tổ chức, Phó Giám đốc Trung tâm chống ngập Nguyễn Hoàng Anh Dũng thừa nhận tình trạng ngập nước vẫn còn rất nghiêm trọng do thời tiết ngày càng cực đoan. Mưa tăng cả về vũ lượng lẫn tần suất. Số trận mưa vượt tần suất thiết kế của hệ thống thoát nước ngày càng tăng. Triều cường ngày càng dâng cao và hiện nay hầu như luôn duy trì trên mức báo động 3 với đỉnh triều tại trạm Phú An ( sông Sài Gòn) đã đạt mức kỷ lục 1,71 m.

Trong khi đó công tác dự báo còn lạc hậu. Tình trạng đô thị hóa diễn ra quá nhanh khiến tốc độ phát triển hệ thống thoát nước không theo kịp, dẫn đến nhiều tuyến đường hiện nay tại TPHCM chưa có cống thoát nước. Theo quy hoạch, TPHCM cần 6.000 km cống nhưng hiện nay mới đầu tư lắp đặt hơn 4.100 km cống các loại.

TPHCM mời gọi tư nhân đầu tư chống ngập ảnh 1
 

Ông Laurent Umans, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Hà Lan cho biết TPHCM đang bị lún với tốc độ sụt lún mặt đất mỗi năm cao nhất là 7 cm và đang tăng nhanh mỗi năm. “Sự tồn tại của TPHCM đang bị đe dọa bởi theo dự báo, khoảng 30 - 100 năm nữa, một phần lớn diện tích thành phố sẽ nằm dưới mực nước biển và trở thành đầm lầy”- ông Laurent Umans nói.

Đại diện Đại sứ quán Hà Lan cho hay thành phố Rotterdam đã hợp tác với TPHCM xây dựng chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu. Bài học đầu tiên là không nên “chờ đợi và nghiên cứu”, thay vào đó cần hành động ngay bằng cách ưu tiên “các biện pháp không hối tiếc". Trong đầu tư, ưu tiên hàng đầu của TPHCM là nên tập trung vào việc hạn chế việc khai thác nước ngầm để giảm sụt lún, đồng thời không phát triển, mở rộng thành phố về phía biển.

“TPHCM đã đầu tư vào một đối tác công tư để xây dựng một hệ thống đê vành đai với các cống thủy triều. Tuy nhiên, việc các cống bị chìm dường như không được xem xét một cách hợp lý, do đó tuổi thọ của dự án giảm đáng kể”, ông Laurent Umans lưu ý.

Sẽ đổi đất lấy công trình chống ngập?

Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Thu Hoa, nhu cầu đầu tư phát triển TPHCM trong giai đoạn 2016 - 2020 là 1,8 triệu tỷ đồng, trong đó dành riêng phát triển cơ sở hạ tầng là 0,81 triệu tỷ đồng. Đối với chương trình giảm ngập nước, nhu cầu đầu tư lên tới 96.327 tỷ đồng, trong đó TPHCM đã triển khai trong giai đoạn 2011 - 2015 là 22.948 tỷ đồng, còn lại khoảng 73.359 tỷ đồng phải thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2020.

Tuy nhiên, bà Hoa cho hay ngân sách thành phố chỉ đảm bảo cân đối khoảng 16.338 tỷ đồng, ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu là 588 tỷ đồng, vận động nguồn vốn vay ODA (kết hợp PPP) khoảng 36.132 tỷ đồng. Số còn lại (20.283 tỷ đồng) TPHCM sẽ phải kêu gọi nguồn xã hội hóa (PPP). Trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, việc tăng cường thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước được xem là giải pháp hữu hiệu hiện nay.

Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng cho hay, trên cơ sở các dự án và nguồn vốn dự kiến triển khai giai đoạn 2016 - 2020, TPHCM kêu gọi các bộ ngành, các nhà đầu tư, các tổ chức tài chính…nghiên cứu, đề xuất giải pháp đầu tư các dự án thuộc chương trình giảm ngập nước của TPHCM bằng hình thức đối tác công tư (các loại hợp đồng chủ yếu gồm BOT, BTO, BTL, BLT…). Đây là các loại hợp đồng thực hiện có kết hợp quá trình xây lắp, vận hành (thuê dịch vụ), chuyển giao, trong đó chi phí đầu tư và vận hành (thuê dịch vụ) sẽ được chi trả bằng nguồn thu từ giá dịch vụ thoát nước.

“Hiện tại, giá dịch vụ thoát nước đang được thành phố giao Trung tâm chống ngập thực hiện, dự kiến hoàn thành trong năm 2018”, ông Dũng cho biết.

Đặc biệt, có 9 dự án cải tạo, nạo vét các tuyến kênh rạch được UBND TPHCM đề xuất đầu tư theo hình thức hợp đồng BT bằng cách tận dụng quỹ đất sẵn có của thành phố, khai thác quỹ đất tại chỗ của dự án và đấu giá đất công khai làm nguồn thu thực hiện dự án.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cam kết trong quá trình thực hiện các thủ tục, TPHCM sẽ luôn công khai, minh bạch với các nhà đầu tư. “Tình trạng ngập nước do nhiều nguyên nhân nên cần phải xác định nguyên nhân gây ngập tại từng vị trí cụ thể nhằm có giải pháp phù hợp. Sắp tới, khi thực hiện đô thị thông minh, TPHCM sẽ xây dựng bản đồ mô phỏng tình trạng ngập nước, kẹt xe… để chủ động ứng phó”, ông Tuyến nói.
MỚI - NÓNG