TPHCM sẽ giám sát các trường hợp tự mua thuốc cảm, sốt

TPHCM sẽ giám sát các trường hợp tự mua thuốc cảm, sốt
TPO - Biện pháp kiểm tra các trường hợp người dân trong cộng đồng tự mua thuốc điều trị cảm, sốt… đã được Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 TPHCM đưa ra nhằm kiểm soát nguy cơ lây nhiễm bệnh trong cộng đồng, tránh lập lại sự cố đáng tiếc như ca nhiễm số 243.

Tối 13/4, tại cuộc họp của giao ban trực tuyến, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh COVID-19 TPHCM đã yêu cầu chính quyền các địa phương phối hợp với các nhà thuốc Tây theo dõi các trường hợp tự mua thuốc điều trị cảm, sốt, ho để giám sát và kiểm tra dịch tễ.

“Chỉ có cách này mới tránh được sự cố đáng tiếc như trường hợp bệnh nhân 243”, ông Bỉnh nhấn mạnh.

Bệnh nhân số 243 được phát hiện mắc COVID-19 vào tối 6/4 sau khi mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Bệnh nhân tên là Q.Q.T (nam, 47 tuổi) trú tại xóm Bàng, thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh, TP Hà Nội).

Báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Mê Linh cho thấy lịch trình di chuyển của bệnh nhân 243 khá phức tạp. Cụ thể: Sáng 12/3, ông T đưa vợ đi khám ở Trung tâm Miễn dịch Dị ứng (Bệnh viện Bạch Mai) và bác sĩ P là người trực tiếp khám cho vợ ông T.

Ngoài ra, ông T và vợ cũng đã đến các khu vực tại bệnh viện như phòng khám, phòng lấy máu xét nghiệm, phòng siêu âm và khu vực mua thuốc… Đến ngày 14 và 15/3, ông T đi ăn cưới cháu gái gần nhà và tiếp nhiều khách ở rất nhiều mâm cỗ.

TPHCM sẽ giám sát các trường hợp tự mua thuốc cảm, sốt ảnh 1 Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Tấn Bỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 TPHCM

Ngày 21/3, ông T. có biểu hiện đau mỏi người, ngấy sốt (nhưng không cặp nhiệt độ). Nghĩ là bị cảm cúm nên ông T đã ra hiệu thuốc gần nhà mua 1 vỉ thuốc cảm cúm về uống. Vào ngày hôm sau, ông T. thấy không sốt và đỡ mỏi nên đã đến chơi một số nhà bạn bè trong cùng thôn. Từ ngày 22-26/3, ông T có đi giao hoa tại chợ hoa Quảng Bá (quận Tây Hồ) vào buổi tối và không có biểu hiện bất thường về sức khỏe.…

Mãi đến ngày 30/3, ông T được thông tin về những người đã đến Bệnh viện Bạch Mai trong các ngày 10-28/3 cần phải khai báo y tế nên đã báo và được Trạm Y tế xã hướng dẫn tự theo dõi sức khỏe tại nhà.

Trong suốt thời gian kể từ lúc uống thuốc cho đến lúc phát hiện mẫu xét nghiệm dương tính, ông T còn có hàng loạt hoạt động tại nơi đông người như đi tảo mộ, ăn trưa cùng 4 người khác, thu mua, làm và giao hoa tại chợ hoa Quảng Bá, đến Bệnh viện Đa khoa Phúc Yên….

Nói về nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng ở TPHCM, ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho hay TPHCM đang “đau đầu” với ca nhiễm số 22. Bệnh nhân là người Anh (60 tuổi) đến TP Đà Nẵng ngày 8/3 có kết quả xét nghiệm dương tính và được điều trị tại đây. Đến ngày 27/3, sau khi có kết quả âm tính lần 3, bệnh nhân được xuất viện và thực hiện biện pháp tự cách ly trong 14 ngày ở một khách sạn trên bán đảo Sơn Trà (TP Đà Nẵng).

Ngày 10/4, sau khi hết thời gian tự cách ly, trường này đã bay vào TPHCM nghỉ tại một khách sạn trên đường Hồng Hà (quận Tân Bình) và sau đó bay về Anh. Khi đến sân bay Tân Sơn Nhất, người này được lấy mẫu để xét nghiệm theo quy định.

Đến ngày 12/4, sau khi trường họp này đã rời khỏi Việt Nam, mẫu xét nghiệm đã cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.

Theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh, có khả năng bệnh nhân số 22 đã bị tái nhiễm trong thời gian cách ly ở TP Đà Nẳng và nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cho cộng đồng trong thời gian tự cách ly là rất cao. Đối với trường hợp ca nhiễm số 22, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM đã xác định có 14 trường hợp tiếp xúc gần, trong đó các nhân viên phục vụ đang phải cách ly tập trung tại khách sạn.

Ngoài ra, có 34 người liên quan với bệnh nhân số 22 ở TPHCM cũng thực hiện biện pháp cách ly. Hiện nay, ngành y tế TPHCM đang phối hợp với hãng hàng không rà soát danh sách các hành khách đi trên chuyến bay từ Đà Nẵng vào TPHCM với bệnh nhân số 22 để thực hiện các biện pháp cách ly cần thiết.

TPHCM sẽ giám sát các trường hợp tự mua thuốc cảm, sốt ảnh 2 Sắp tới, TPHCM sẽ giám sát các trường hợp tự mua thuốc cảm sốt tại các cửa hàng bán thuốc tân dược.

Tại cuộc họp giao ban trực tuyến của Chính phủ vào chiều 13/4, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết sắp tới việc tầm soát mở rộng trong cộng đồng sẽ được TPHCM triển khai có trọng tâm, trọng điểm nhằm phát hiện sớm ca bệnh, bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng người dân

Theo ông Nguyễn Thành Phong, TPHCM sẽ rà soát những trường hợp người dân sinh sống tại TPHCM nhưng đã đến thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội và có tiếp xúc với các trường hợp nhiễm hoặc nghi nhiễm, đặc biệt là bệnh nhân 262 và các F1, F2 liên quan.

MỚI - NÓNG