Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân:

Tranh luận là quyền của đại biểu quốc hội, không hạn chế

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng giơ biển tranh luận tại Quốc hội
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng giơ biển tranh luận tại Quốc hội
TP - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, phát biểu, tranh luận là quyền của đại biểu, không hạn chế. Đây là kỳ họp đạt kỷ lục về số người chất vấn và số câu hỏi chất vấn. 

Còn thông tin thiếu chính xác, bộ trưởng né trách nhiệm

Ngày 11/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá tổng kết kỳ họp thứ 6, cho ý kiến về kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV. Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, sau 22,5 ngày làm việc, Quốc hội đã hoàn thành nội dung chương trình kỳ họp, để lại những dấu ấn quan trọng. Trong đó, phiên chất vấn luôn được cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm, theo dõi. Tại phiên chất vấn này, có tới 19 tư lệnh ngành cùng 2 phó thủ tướng trả lời, nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, phiên chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn và trách nhiệm. Đặc biệt, chủ tọa phiên chất vấn kiên quyết, sắc sảo, uyển chuyển, tạo ra sự gắn kết. Tuy nhiên, phiên chất vấn vẫn còn những hạn chế cần khắc phục, như có đại biểu chất vấn còn dài, không đi thẳng vào trọng tâm, thông tin đưa ra thiếu chính xác; có bộ trưởng, trưởng ngành trả lời chung chung, chưa đi thẳng vào vấn đề, né tránh trách nhiệm cá nhân.

Nêu ý kiến về việc này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phản ánh tình trạng đang chất vấn thì đại biểu quay trở lại tranh luận nhau. “Cử tri có phàn nàn với tôi, nhưng tôi thấy không có vấn đề gì lắm, song cũng nên chú ý việc này. Đi tiếp xúc cử tri, cử tri đề nghị đại biểu Quốc hội phát biểu phải đánh giá khách quan, công tâm hơn, tránh làm tổn thương, đánh giá không đúng hoạt động của một ngành. Mặt khác, khi đại biểu Quốc hội nói không đúng về ngành mình, ngay lúc ấy phải phát biểu trao đổi lại trên nghị trường để tránh chuyện không đáng về sau”, bà Nga cho hay.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng, phiên chất vấn vừa qua thành công, nhưng cần nghiên cứu thêm cho hiệu quả hơn. “Đang chất vấn, một đại biểu khác không nên nhảy vào bình luận, trong khi người nhận được câu hỏi lại không trả lời mà người khác lại trả lời hộ”, ông Định nêu thực trạng.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, phiên chất vấn có đại biểu còn gay gắt, cần rút kinh nghiệm, phát biểu mang tính xây dựng, khách quan nhưng vẫn đảm bảo không khí tranh luận sôi nổi. Theo ông Thanh, đại biểu cũng ghi nhận đổi mới chất vấn theo hướng hỏi nhanh đáp gọn, nhưng lại gọn quá, bộ trưởng chưa đủ thời gian trả lời, cử tri nghe chưa rõ tình hình. Ông đề nghị bố trí thời lượng phù hợp để trưởng ngành có thời gian giải trình rõ hơn.

“Vừa rồi nổi lên việc tranh luận bảo vệ ngành của mình. Về tranh luận giữa đại biểu Lưu Bình Nhưỡng và đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, chúng ta coi là chuyện bình thường. Nhưng đúng như ĐB Lê Thị Nga nói, lẽ ra bộ trưởng đứng lên nói thì tác dụng hơn là ngày hôm sau có đại biểu của ngành đứng lên tranh luận lại”
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, mặc dù phiên chất vấn vừa qua đã nhóm lại vấn đề, tập trung vào những vấn đề bộ trưởng, trưởng ngành đã hứa, tuy nhiên vẫn nên nhóm lại thành các nhóm vấn đề. Ví dụ nhóm về kinh tế, nhóm về xã hội hay nhóm về tư pháp, an ninh quốc phòng. Mỗi buổi chất vấn sẽ tập trung vào một nhóm vấn đề, như vậy sẽ chuyên sâu hơn.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, phát biểu, tranh luận là quyền của đại biểu, không hạn chế, có chăng là rút kinh nghiệm trong sinh hoạt với nhau. Đây là kỳ họp đạt kỷ lục về số người chất vấn và số câu hỏi chất vấn. Vì đây là nửa nhiệm kỳ, còn sắp tới phải tiếp tục đổi mới, chọn nhóm vấn đề nào nhân dân quan tâm, đang nổi lên trong đời sống kinh tế xã hội.

Theo bà Ngân, về nguyên tắc, chất vấn là hỏi và trả lời, nếu không đạt thì hỏi lại, tranh luận lại, người không chất vấn không nên chen vào tranh luận. Cần đưa ra quy tắc, nếu ai không chất vấn mà giơ biển tranh luận thì không mời. “Vừa rồi nổi lên việc tranh luận bảo vệ ngành của mình. Về tranh luận giữa đại biểu Lưu Bình Nhưỡng và đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, chúng ta coi là chuyện bình thường. Nhưng đúng như ĐB Lê Thị Nga nói, lẽ ra bộ trưởng đứng lên nói thì tác dụng hơn là ngày hôm sau có đại biểu của ngành đứng lên tranh luận lại”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Về chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIV, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dự kiến Quốc hội làm việc 20,25 ngày, họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 20/5/2019, bế mạc vào ngày 17/6/2019. Trong đó công tác xây dựng pháp luật sẽ làm trong 10,5 ngày để xem xét, thông qua 6 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 9 dự án luật. 

Bầu Chủ tịch nước đáp ứng nguyện vọng của cử tri

Một nội dung quan trọng khác cũng nhận được sự quan tâm lớn của cử tri và nhân dân là vấn đề công tác nhân sự. Với sự tín nhiệm rất cao, Quốc hội đã bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức vụ Chủ tịch nước. Theo Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc, đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, đáp ứng mong muốn, nguyện vọng của cử tri và nhân dân, được dư luận trong nước và quốc tế quan tâm.

Cũng tại kỳ họp, Quốc hội đã hoàn thành lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm là “thước đo” hiệu quả hoạt động của những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; đồng thời, là nguồn động lực để những người được tín nhiệm cao tiếp tục cống hiến, những người chưa được tín nhiệm cao sẽ phấn đấu khắc phục khuyết điểm, nâng cao hiệu quả công việc.

Theo bà Lê Thị Nga, kết quả bầu Chủ tịch nước tại Quốc hôi gần như tuyệt đối. Điều đó thể hiện sự đồng thuận cao không chỉ trong đảng, mà cả trong nhân dân. Sau khi lấy phiếu tín nhiệm, một số đại biểu dù kết quả chưa cao, nhưng họ vẫn cho rằng, sự đánh giá của đại biểu là công tâm, khách quan. “Kết quả phiếu cao thể hiện sự ghi nhận, còn kết quả chưa cao cũng là sự nhắc nhở đại biểu cố gắng hơn”, bà Nga nói.

MỚI - NÓNG