Trẻ nghỉ học, phụ huynh loay hoay

Trẻ nghỉ học, phụ huynh loay hoay
TP - Gần 30 trường học ở quận 8 (TPHCM) phải đóng cửa do dịch chân tay miệng đang lây lan khiến các bậc phụ huynh loay hoay tìm cách trông con ở nhà. Dịch bệnh này đã làm 17 trẻ tử vong ở TPHCM, song không phải phụ huynh nào cũng biết mức độ nguy hiểm của dịch.

Dịch chân tay miệng bùng phát:

Trẻ nghỉ học, phụ huynh loay hoay

Sáu tháng, 13.000 trường hợp mắc bệnh chân-tay-miệng
> Cảnh giác khi trẻ đau đầu, sốt cao kéo dài

Tìm cách gửi con

Trưa 14-7, tại con hẻm thuộc phường 13, quận 8, cách Trường Mầm non Kỳ Đồng khoảng 500m rộn ràng tiếng trẻ con chơi đùa. Đó là các bé hầu hết đang học tại Trường Kỳ Đồng, đang phải nghỉ học do trường đóng cửa mấy ngày nay. Bà ngoại của bé Bùi Thị Thanh Thúy, 4 tuổi, cho biết: “Trường không mở cửa, ba mẹ cháu thường xuyên đi làm ở Long An, may mà nhà có tôi giữ cháu nên không phải chạy kiếm chỗ gửi”. Dọc theo con hẻm, các trẻ trong độ tuổi học mầm non đang chơi đùa. Chị Hoàng Thương, 36 tuổi, đang đút cơm trưa cho con nói: “Hầu hết mấy đứa nhỏ xóm này đều học Trường Kim Đồng. Trường nghỉ, mỗi gia đình cũng tìm một người thân rảnh rỗi ở nhà trông cháu”.

Dọc theo đường Bình Đông kéo dài từ phường 11 đến phường 13, đường Bùi Minh Trực (quận 8) dễ dàng bắt gặp nhiều trẻ trong độ tuổi mầm non học tại các trường Sơn Ca, Tuổi Ngọc, 19/5 được nghỉ học và sinh hoạt ở nhà cùng gia đình. Vừa bán hàng cơm trên đường Bình Đông, chị Ngọc Hà chỉ đứa cháu 4 tuổi, học tại trường mầm non Kim Đồng đang chạy chơi xung quanh, nói: “Trường cho nghỉ học nên tôi cho bé ra ngoài này chơi. Quán toàn người nhà nên thay phiên giữ cháu cũng được”. Chị Hà kể, gia đình một người hàng xóm đã phải đưa con về quê gửi nhờ người thân.

Mù thông tin về bệnh

Đến khi nhà trường đóng cửa vì dịch tay chân miệng, chị Hồ Thị Oanh có con học ở trường Kim Đồng mới hay biết về dịch bệnh này. “Lâu nay không thấy tuyên truyền nên tui không hay biết bệnh nó nguy hiểm vậy”- chị Oanh nói. Bệnh tay chân miệng có những biểu hiện như sốt, đau họng, biếng ăn và nổi ban có bọng nước. Các bọng nước này có thể xuất hiện ở miệng như lưỡi, nướu hay bên trong má. Ngoài ra, bọng nước này không gây ngứa và thường thấy ở lòng bàn tay hay lòng bàn chân. Vậy nhưng, đến khi những triệu chứng trên xuất hiện trên con đã 3 ngày chị Oanh vẫn không
hay biết.

“Thực tế tôi cũng không rõ tay chân miệng là bệnh gì”- chị Oanh nói. Theo chị Oanh, chị thường xuyên tắm rửa giữ vệ sinh cho bé một cách thông thường mà không biết đến các loại nước lau sàn diệt khuẩn để ngăn bệnh. Nhiều trường mầm non ngoài công lập ở quận 8 từ nhiều tháng nay còn phát cloramin B cho phụ huynh khử khuẩn, nhưng theo một cán bộ y tế dự phòng của quận, chỉ một số ít người ở xóm có ca bệnh khử còn lại không thấy ai thực hiện
phòng ngừa.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm Thần kinh BV Nhi đồng 1 cho biết hầu hết trẻ vào viện vì bệnh này trong giai đoạn muộn do phụ huynh thiếu hiểu biết. Theo bác sĩ Khanh có những phụ huynh thấy trẻ có những dấu hiệu của bệnh tay chân miệng nhưng vẫn mua thuốc tự điều trị đến khi con nặng mới đưa vào viện. Bệnh chân tay miệng lây trực tiếp từ người sang người. Ngoài ra mầm bệnh thường do trẻ bệnh phát tán virus ra môi trường, sau đó virus bám vào đồ ăn, thức uống, bàn tay, đồ chơi, sàn nhà rồi lây lan khắp nơi. Biện pháp phòng ngừa bằng cách lau rửa sàn nhà, rửa các vật dụng mà trẻ thường tiếp xúc, thường xuyên rửa tay cho trẻ và người tiếp xúc” - bác sĩ Khanh nói.

Thêm 2 bệnh nhi tử vong

Vừa có thêm bệnh nhân nhi bị bệnh tay chân miệng tử vong tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa. Đây là 2 ca tử vong đầu tiên tại địa bàn tỉnh này liên quan căn bệnh trên. Hai bệnh nhân tử vong là Hà Tiến Đức (12 tháng tuổi) và Hà Văn Xuân Trà (26 tháng tuổi), đều ở huyện Triệu Sơn). Cả hai bệnh nhi nhập viện sáng 12-7, đến sáng 13 và 14-7 đã lần lượt tử vong.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG