Tu bổ di tích như tu sửa nhà cửa

Chùa Trà Phương cũ bị phá hết để xây mới chứ không phải tu sửa.
Chùa Trà Phương cũ bị phá hết để xây mới chứ không phải tu sửa.
TP - Báo Tiền Phong (số 311 ra ngày 6/11 và 318 ra ngày 13/11) đưa thông tin về hiện tượng xâm phạm di tích quốc gia và xử phạt như “gãi ngứa” đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ những người quản lý và các chuyên gia. Chúng tôi xin trích đăng để rộng đường dư luận.

“Phạt như gãi ngứa còn là nói nhẹ”

GS.Hoàng Chương cho rằng, báo Tiền Phong nói “xử phạt như gãi ngứa” còn là nói nhẹ. Làm gì có ai bị tù đày, phạt tiền hay thậm chí án treo khi xâm phạm di tích. Cái kiểu làm ăn chụp giật, hỏng đâu sửa đó, sửa theo ý một số cá nhân không dựa trên cơ sở khoa học nào là một thói quen ở Việt Nam. Thói quen rất xấu mà chả thấy ai ngăn cấm.

Từ Văn Miếu đến tượng nàng Tô Thị, chùa Yên Tử, chùa Hương, không chỗ nào là không bị vi phạm bất chấp đây đều là những di tích quốc gia. Đôi khi nhìn thấy người ta đập phá thay đổi mà cảm thấy xót xa. Di sản của ông cha ngàn năm trước đều bị những nhân danh làm mới trùng tu làm mất đi bản sắc của nó.

Nếu ở đâu cũng làm như vậy thì chúng ta sẽ mất hết di tích. Mất di tích, sẽ không thể hiểu cụ thể sự phát triển của dân tộc này trong quá khứ. Bộ mặt thật của tổ tiên sẽ bị làm biến dạng.

Độc giả Nguyễn Văn Học (Kiến Thụy, Hải Phòng) phản ánh: Năm 2012 các sư trông coi chùa Trà Phương – Hải Phòng (xây từ thời nhà Mạc năm 1565, là di tích cấp quốc gia) đã tự ý phá chùa chính bằng khung gỗ để xây mới về phía Đông chỉ với một lý do duy nhất “Phật đã chứng”. Ở các hướng Tây Nam chùa được xây tường đá bít bùng trông như trại giam. Một số người dân địa phương đã phản ánh lên báo chí hiện tượng tự ý đập cũ xây mới ở chùa Trà Phương nhưng không có phản hồi. Lễ khởi công vẫn tổ chức rầm rộ. Một di tích quốc gia cứ thế bị thay hình đổi dạng mà những người liên đới “không ai bị làm sao”.

Tu bổ di tích như tu sửa nhà cửa ảnh 1

Hồ bán nguyệt ở chùa Keo đã bị biến thành hồ chữ nhật cho tiện làm công viên.

Đình chỉ công trình cũng là phạt rồi??

Về ý kiến không ai vi phạm việc tu bổ tôn tạo di tích mà bị phạt, ông Trần Đình Thành (Cục phó Cục Di sản văn hóa) cho rằng: “Đình chỉ công trình họ đang tiến hành cũng là phạt rồi” vì tất cả những công trình cúng tiến, công đức đều có giá trị cao về mặt vật chất. Một tấm bia, một pho tượng, một ngôi chùa, miếu đều có trị giá hàng chục đến hàng trăm triệu đồng. Nếu bị đình chỉ thì coi như họ mất hoàn toàn số tiền ấy. Thiệt hại về kinh tế cũng coi như không nhỏ.

Như là vụ việc 12 tấm bia công đức mới đặt ở đền Trần Thái Bình, có tấm nào mà không có giá trị hàng trăm triệu đồng nhưng cuối cùng cũng đều bị dỡ bỏ cả - ông Trần Đình Thành nói.

Ông Thành cũng cho biết, hàng tháng Cục Di sản đều nhận được rất nhiều đơn thư đề nghị xét duyệt cúng tiến hiện vật cho các di tích quốc gia. Mới đây nhất, một ngân hàng lớn đã đề nghị cúng một bức tượng Trần Hưng Đạo khổ lớn vào một di tích ở Nam Định. Cục đã xem xét và bác đề nghị này vì ở di tích đó đã có một bức tượng Trần Hưng Đạo đặt bên trong. Thêm một bức nữa thì không biết đặt ở đâu.

Theo ông Thành, nguyên việc xem xét trả lời các yêu cầu cúng tiến này đã ngốn một thời gian khổng lồ của Cục. Bởi vì không thể nói chúng tôi không đồng ý chung chung, mà Cục phải tổ chức nghiên cứu khoa học để có chứng cứ bác bỏ hợp lý mới nói với người ta được.

Bản thân ông Thành không cho việc “sính công đức” là bất cập. Thậm chí ông ủng hộ việc công đức. Ông Thành viện dẫn trong lịch sử rất nhiều di tích ra đời và để lại giá trị lớn về mặt văn hóa, xã hội cho đời sau cũng đều xuất phát từ vị quan to và người giàu cúng tiến. Chùa Trà Phương (Hải Phòng) cũng là một di tích do tư nhân xây.

Có thể thấy, việc công đức, tiến cúng hay xã hội hóa trong đầu tư, tu bổ, tôn tạo di tích đền, chùa, đình, phủ… là việc làm đáng biểu dương, khuyến khích, nhưng tất cả các hoạt động ý nghĩa này của tổ chức hay cá nhân phải tuân thủ theo đúng quy định hiện hành của Luật Di sản.

Ông Thành cũng đưa ra một giải pháp đối với ban quản lý các di tích: Hãy kiểm kê và tìm hiểu kỹ về khu di tích mà mình quản lý, sau đó đưa ra một danh sách những thứ đã có và những thứ còn thiếu để gợi ý cho người cung tiến, để tránh việc cung tiến chồng chéo và “không ăn nhập”.

Chỉ muốn to là phá bỏ di tích

Giáo sư Trần Lâm Biền lý giải về cái sự tu bổ xâm phạm di tích tràn lan thời gian qua: Tôn giáo tín ngưỡng chỉ là một phần nhỏ. Vấn đề lịch sử, xã hội gắn với từng di tích còn đáng kể hơn nhiều. Nếu nhìn nhận sai vấn đề này tu bổ sẽ sai. Nhìn đến ngôi chùa chỉ thấy yếu tố thờ phụng về phật giáo, tự nhiên sẽ bỏ đi rất nhiều sản phẩm có giá trị khác.

Khi vào một kiến trúc, riêng về tôn giáo, thì người đi lễ phải được đứng trong dòng chảy thông tam tầng của vũ trụ. Kiến trúc biểu tượng của chùa cổ bao giờ cũng gồm mái biểu trưng của tầng trời, đất nền biểu trưng cho tầng đất phải thông mái, và con người đứng giữa để lễ thần tức là đứng trong dòng chảy thông tam tầng. Nay thích lên tầng, xây bịt mặt đất, tức là làm gián đoạn dòng chảy ấy, cắt đứt sự thông thiên với vũ trụ.

Cái ý nghĩa mênh mông của trời và đất bị mất đi. Nay chỉ còn mỗi tín ngưỡng để cúng bái cầu xin. Đó là một cái kém cỏi. Chùa cổ tuy nhà thấp nhưng nó mang biểu tượng tư tưởng hòa vào thiên nhiên vũ trụ để tồn tại. Khi sửa chữa chỉ muốn to muốn hoành tráng đặt được nhiều bát hương là phá bỏ di tích. Bởi do họ không hiểu được những giá trị này một cách thấu đáo nên họ tùy tiện tu bổ di tích  theo lối tu sửa cơi nới nhà cửa, chỉ quan tâm làm sao cho nó thích hợp với nhu cầu cuộc sống thực tại chứ không phải vấn đề truyền thống văn hóa. Cho nên không thể làm cho tử tế được.

Cụ thể: Người ta đã lát kín nền của các di sản lấy cớ là sợ mối mọt. Nhưng mà khoa học kỹ thuật sợ gì cái mối mọt ấy nếu có ý thức chăm sóc. Khiến cho khả năng thông âm trong tâm linh bị mất. Thông âm là bản sắc của người Việt nông nghiệp. Nó không còn tức là mất gốc.  Hoặc như, trong một ngôi chùa Đức Phật là cao quý nhất, là tối thượng, là thiên nhân sư: Thầy của cả trời và người, của tất cả mọi thần linh trong cõi thế gian này. Không ai có quyền được đứng cao hơn ngài. Vậy cớ gì lại đi xây dựng tượng tả hữu vu ở chùa? Trước không hề có chuyện như vậy. 

Hoặc là các kiến trúc xung quanh, nhiều khi hồ bán nguyệt lại sửa thành hồ chữ nhật. Như ở chùa Keo Thái Bình, để tạo di tích thành công viên. Người làm tu bổ có quyền thế chứ có phải dân tự làm đâu. Hay có hồ tự nhiên thì lại chuyển thành hồ bán nguyệt như ở chùa Côn Sơn. Từ chỗ thiếu hiểu biết lại phá hoại di tích rất nhiều.

Trả lời câu hỏi của phóng viên: Vì sao ông phản đối việc xây mới, tu bổ bừa bãi các di tích quốc gia nhưng lại đồng ý giữ lại Nghiêm hương pháp đường ở chùa Hương, GS Trần Lâm Biền lý giải: Nghiêm hương pháp đường không ảnh hưởng đến kiến trúc chung. Nó nằm trong hậu viện, cách xa chùa, chứ nó sát chùa thì không bao giờ ông nhân nhượng. Nó chỉ là nhà ở của sư, cho nên ông không phản đối giữ lại nhưng phải sửa chữa một số chi tiết (đã ghi ở TPCN số ra ngày 6/11/2016) và không thể để bát hương. Không thể đưa những yếu tố phật đạo trang trọng vào đây. Để những cái đáng trân trọng phải phục vụ làm đẹp mắt đời thường là không được.

Đối với những công trình đã bị tu bổ sai, GS Biền cho rằng không có cách cứu vãn, chỉ còn dừng lại ở sự nuối tiếc tặc lưỡi đau khổ mà thôi. Nhất là với những người hiểu biết thực sự về di sản.

Để giảm thiểu tình trạng xâm lấn, tu bổ sai di tích, GS Trần Lâm Biền cho rằng phải giáo dục nghiệp vụ từ những lãnh đạo. Từ những người chịu trách nhiệm. Chỉ có nắm thật vững về những giá trị tinh thần ẩn tàng sau xác thân thì những người quản lý di sản mới có thể áp dụng được luật pháp một cách đầy đủ và chân xác.

GS Trần Lâm Biền:

Trong kiến trúc tôn giáo, mái phải là tầng trời, ngói phải là biểu tượng của tinh tú. Mũi hài thường có biểu tượng vũ trụ, nhưng giờ làm chỉ lấy ngói có vẻ ngói cổ đưa lên chứ có lấy ngói mang tính biểu tượng đâu. Lợp toàn ngói vẩy hến vẩy sò, cái đó chỉ để lợp nhà, không phải để lợp di sản văn hóa. Như thế khác gì làm chỗ ở áp đặt cho thần linh (nhấn mạnh chữ áp đặt) dưới nguyên tắc tu sửa nhà ở chứ không phải tu bổ di sản văn hóa. 

MỚI - NÓNG