Từ Mã Pí Lèng bàn về quyền lực cộng đồng mạng

Đỉnh Mã Pí Lèng bị công trình xây dựng trái phép xâm lấn
Đỉnh Mã Pí Lèng bị công trình xây dựng trái phép xâm lấn
TP - Chỉ trong một thời gian ngắn, cộng đồng mạng đã tạo ra hai luồng thông tin ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống dân sinh. Một về bụi mịn, một về cảnh quan Mã Pí Lèng bị xâm phạm. Mức độ ảnh hưởng từ thông tin của cộng đồng mạng đang tạo ra một thứ áp lực không nhỏ đối với những người có liên quan. Có cả tốt và xấu.

Bão share vì Mã Pí Lèng

Những ngày gần đây, cụm từ Mã Pí Lèng Panorama trở thành một từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên mạng xã hội. Đây là tên riêng của một tòa nhà 7 tầng đơn độc trên đèo Mã Pí Lèng, Mèo Vạc, Hà Giang.

Ngày 3/10, nhà báo Trần Đăng Tuấn (được tính là một KOL – người có ảnh hưởng trên mạng xã hội) đăng lời kêu gọi cộng đồng du lịch tẩy chay tòa nhà này vì đã phá hỏng cảnh quan tự nhiên, vẻ hoang sơ hùng vĩ của con đèo nổi tiếng. Nói thêm là Mã Pì Lèng được coi là tứ đại đỉnh đèo của vùng cao phía Bắc, cùng với Khau Phạ, Pha Đin và Ô Quy Hồ.

Rất nhanh, status này có hơn 15.000 like, 6.300 lượt share và 2.400 bình luận. Đa số ủng hộ ý kiến của ông Tuấn. Chỉ một số ít người cho rằng, xây dựng cũng tốt vì tiện cho khách du lịch nghỉ ngơi, ăn uống, ngắm cảnh, lại tạo công ăn việc làm cho dân địa phương.

Nhà báo Trần Đăng Tuấn tiếp tục viết lời giải đáp các ý kiến này, khẳng định: Những cái nhà kiểu Panorama khi xuất hiện sẽ phá vỡ tầm nhìn bao quát vô cùng lý tưởng và hoàn chỉnh của Mã Pì Lèng, như một bức tranh không nên để mực rây vào. Và một khi Mã Pí Lèng bị giảm sức lôi cuốn, Đồng Văn và Mèo Vạc sẽ bị mất mát rất nhiều, không có cơ phát triển như nhịp điệu hiện nay nữa.

Ý kiến này của ông Tuấn nhận được sự đồng thuận rất lớn của cư dân mạng.

Đại diện của Cục di sản - Bộ VHTTDL lúc này tiết lộ, từ ngày 12/7, Cục đã có văn bản gửi Sở VHTTDL Hà Giang, yêu cầu đơn vị này chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền địa phương khẩn trương xác minh thông tin, kiểm tra quy trình, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt đối với công trình xây dựng tại hẻm Tu Sản - Mã Pí Lèng, có biện pháp bảo vệ danh lam thắng cảnh, báo cáo UBND Hà Giang và Bộ VHTTDL.

Trong báo cáo số 240 của Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang khẳng định công trình nhà nghỉ, nhà hàng Panorama do bà Vũ Thị Ánh làm chủ đầu tư chưa có Giấy chứng nhận đầu tư, dự án chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chưa có Giấy phép xây dựng.

Cho đến nay, dân mạng bắt đầu chuyển hướng công kích, đối tượng bị chỉ trích rơi vào chính quyền huyện Mèo Vạc khi ông Nguyễn Cao Cường- Chủ tịch huyện này trả lời huyện đã có kế hoạch xin điều chỉnh quy hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng đất để cấp giấy phép xây dựng cho dự án theo đúng quy định bởi tỉnh ủng hộ huyện kêu gọi thu hút đầu tư.

Nỗi lo Mã Pí Lèng và nhiều danh thắng khác bị băm nát vẫn treo lơ lửng trên đầu những người muốn bảo vệ vẻ đẹp tự nhiên và môi trường.

Độ nguy hiểm của bụi mịn

Sau khoảng hai tuần liên tục có những thông tin bụi mịn gây ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào, cũng chính cư dân mạng lần ra manh mối, đầu nguồn của những đe dọa này đến từ một nhóm bán máy lọc không khí.

Trong nhiều ngày, nhóm này thay nhau đưa ra những chỉ số ô nhiễm đo bằng smartphone và khẳng định đây là kết quả quan trắc môi trường của... Mỹ. Cả một thời gian dài, việc đo ô nhiễm bằng điện thoại cá nhân trở thành trend trên mạng xã hội. Những sai lệch của thiết bị này sau đó được chứng minh nhưng không đủ trấn an nỗi sợ hãi của nhiều người.

Dân chúng hoang mang đổ xô đi mua khẩu trang và máy lọc không khí. Nhân viên của một hệ thống điện máy tiết lộ, chỉ trong một tuần số lượng máy lọc không khí bán ra tăng đột biến, từ bình quân 20 máy lên đến gần 150 máy mỗi ngày. Nhiều hãng máy được quảng cáo tốt còn không đủ hàng để bán. Giá máy cũng tăng trung bình từ 200-800.000đồng/cái tùy thương hiệu.

Còn các loại khẩu trang chống bụi “được khuyên dùng” như: Vogmask Microfiber, Cambridge Mask, Khẩu trang một lần 3M 9501... đều trở nên đắt hàng bất thường dù giá bình quân của một chiếc khẩu trang từ 400.000 đến hơn một triệu đồng. Theo lý giải: khẩu trang bình thường sẽ chỉ lọc được bụi có kích thước lớn. Còn những loại bụi có kích thước nhỏ như PM10 hay PM2.5. thì “Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động Mĩ đề nghị bạn lựa chọn những loại khẩu trang được chứng nhận về khả năng lọc bụi kích thước nhỏ, chẳng hạn như N95, N99”.

Nhiều bài viết đã vạch mặt những mánh khóe bán hàng này. Những người share tích cực “tẽn tò” thu hồi cảnh báo. Dân mạng sực tỉnh sau một câu bình luận: “ừ, ô nhiễm không khí thì sao? Có thể không hít thở à? Hay mai tiếp tục đi mua bình ôxy Canada về hít?”

Đem câu hỏi về các cách chống ô nhiễm đi tìm nhà chuyên môn, chúng tôi được Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn (Viện Khoa học và công nghệ môi trường) cho biết: “Thời điểm này không ai dám khẳng định không khí ở Hà Nội là an toàn. Nhưng mức độ ô nhiễm này là có thời vụ. Ví dụ trong thời gian vừa rồi do thời tiết hanh khô kéo dài, nông dân ở ngoại thành đốt rơm rạ cộng với việc xây dựng cuối năm đang vào mùa khiến chất lượng không khí càng tệ hơn. Khẩu trang hay máy lọc nước không giải quyết được phần gốc của ô nhiễm. Phải có một giải pháp đồng bộ từ chính phủ và những người quy hoạch đô thị. Nếu không giãn dân, giảm thiểu xe cộ, dành nhiều không gian cho cây xanh, hồ điều hòa... thì không thể giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí”.

Share có ý thức

Trước đây vài năm, cộng đồng mạng đã dấy lên cảnh báo Share có ý thức khi một gánh hủ tiếu gõ ở Sài Gòn bị tung tin đồn dùng thịt chuột nấu nước dùng. Sức mạnh của cộng đồng mạng ngay khi đó được ví như một con dao, vào tay người lương thiện thì có ích, vào tay kẻ bất lương là hung khí.

“Cộng đồng mạng giờ có nhiều quyền lắm. Họ có thể sinh ra một ngôi sao, có thể vùi dập một người nổi tiếng, cứu người này và giết người kia. Hàng trăm vụ việc lớn nhỏ đã chứng minh điều đó. Đừng nói do dân trí thấp, ngay cả ở những nước văn minh như Âu, Mỹ cũng có tình trạng này. Khác chăng là họ có Luật internet. Người dùng chỉ có thể tự bảo vệ mình bằng cách nâng cao tri thức, hiểu biết và bình tĩnh tìm hiểu thông tin trước khi nhấn nút like, share hay comment. Chỉ buồn là bây giờ nhiều bạn tay gõ nhanh hơn não. Số a dua, không chính kiến càng đông, nên không chỉ hại người, đôi khi ta bị người dắt mũi cũng không ít” Thạc sĩ xã hội học Trần Hà Trang nhận xét.

Nhà nghiên cứu Lê Ngọc Dương chia sẻ một phương pháp “hạn chế bị dắt mũi”: “Thông tin bây giờ rất nhiều và rất loạn. Nhưng bởi vì nhiều nên lại dễ kiểm chứng. Bạn chỉ cần lần theo nguồn, tra cứu bằng tiếng Anh thì đều có thể tìm ra bản chất sự việc, không sớm thì muộn. Riêng với các thông tin sức khỏe, tốt nhất hãy lắng nghe ý kiến của các nhà chuyên môn”.

Mới đây, trong một Hội thảo về “Sự trỗi dậy của Trung Quốc”, Tiến sĩ Dương Ngọc Dũng có nhận xét: theo ghi nhận của tôi từ mạng xã hội và nhiều nguồn khác nữa, hình như có một diễn ngôn là chống Trung Quốc, chống bất cứ thứ gì của Trung Quốc".

Trả lời ý kiến của nhiều người trẻ về vấn đề “yêu nước, chủ quyền”, ông Dũng cho rằng: “Nếu ta thực sự xem sự trỗi dậy của Trung Quốc có những yếu tố đe dọa đến nền an ninh và chủ quyền lãnh thổ thì ta càng cần phải nghiên cứu Trung Quốc kỹ lưỡng hơn nữa, thay vì tung ra các khẩu hiệu ái quốc chung chung".

MỚI - NÓNG