Tuổi thọ nào cho những con đường?

TP - Nhu cầu được rót vốn để xây dựng, sửa chữa cầu đường của tất cả các tỉnh thành trong nhiều thập kỷ qua chưa bao giờ được đáp ứng đủ, đó là lý do đầu tiên mà 2 ngành Giao thông-Xây dựng giải thích về những than oán của dân chúng về hiện trạng đường sá. Tuy nhiên, với cán bộ chuyên ngành, vấn đề không phải chỉ ở chữ tiền!

Ðường “Ðẹp nhất Việt Nam”

Đắk Lắk từng có một đoạn đường dài 40km được trao giải “Đẹp nhất đường cấp 4 miền núi Việt Nam”. Đó là đoạn đầu của Tỉnh lộ 1, từ Km0-Km40, từ ngoại thành Buôn Ma Thuột về huyện Buôn Đôn.

Ông Tô Quang Dịnh, cán bộ Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Đắk Lắk kể: Năm 2002, ông Dịnh khi đó là Phó Giám đốc Công ty Quản lý sửa chữa cầu đường bộ 2 Đắk Lắk- đơn vị quản lý đoạn đường này đã được thay mặt đơn vị ra Hà Nội nhận giải thưởng. Đoạn đường do nhiều đơn vị thi công, trong đó có Sư đoàn 470, công ty Cầu đường Đắk Lắk, do Sở GTVT làm chủ đầu tư. Bộ GTVT tổ chức bình chọn đường đẹp, căn cứ nhiều tiêu chí: bình đồ, cắt dọc, mặt đường, hành lang, an toàn giao thông v.v..., rồi phát hành công văn để tất cả các Sở GTVT tự đăng ký, sau đó Bộ GTVT cử hội đồng chuyên gia đi chấm điểm nghiêm túc. Giá trị giải thưởng không lớn, nhưng niềm tự hào về chất lượng thi công, thiết kế, giám sát của đội ngũ cán bộ, công nhân đã đổ mồ hôi xây dựng đoạn đường này thì vô giá.

Sau gần 20 năm đưa vào sử dụng, đoạn đường “Đẹp nhất Việt Nam” tuy cũng lộ ra nhiều chỗ hư hỏng nhưng chất lượng sử dụng vẫn tương đối tốt hơn nhiều con đường khác có giá thành tương đương. Chỉ cần đi tiếp từ Km40 huyện Buôn Đôn vào huyện Ea Súp, ai cũng thấy nhiều đoạn đường nát bấy, nhiều hành khách vẫn gọi đây là “đường phá thai”, vì đi qua đoạn này độ xóc đủ khiến các bà bầu khiếp sợ.

Phía Bắc Tây Nguyên, tỉnh Kon Tum cũng có một số đoạn đường bền đẹp, cạnh những con đường nghìn tỉ tai tiếng vừa lãng phí vừa nhanh chóng hư hỏng, xuống cấp. Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Hữu Hùng Giám đốc Sở GTVT tỉnh Kon Tum cho biết, hệ thống đường bộ trên toàn tỉnh đã được đầu tư khá thông suốt. Tuy nhiên, các quốc lộ qua tỉnh thì chưa được đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ. Tỉnh lộ thì hầu hết xuống cấp, do xây dựng đã lâu, đến thời điểm phải sửa chữa nâng cấp lại chưa được bố trí vốn. Hỏi “vì sao cũng bấy nhiêu tiền, mà chất lượng mặt đường khác nhau?”, ông Hùng khẳng định: Do nằm ở chuyên môn, ý thức trách nhiệm, cơ chế giám sát, quản lý thi công.

Quy định về “tuổi thọ” đường sá

Trả lời câu hỏi về tuổi thọ mỗi loại đường, kỹ sư cầu đường Thân Văn Duyên-Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông của Sở GTVT cung cấp cho báo Tiền Phong hàng loạt thông tư, nghị định tới hơn 300 trang chi chít từ ngữ chuyên môn và thông số tỉ mỉ, mà Chính phủ và Bộ GTVT, Bộ xây dựng đã ban hành, có quy định về  vấn đề này. 

Trong đó, Phụ lục IV về “Thời gian sửa chữa định kỳ kết cấu áo đường” ban hành kèm theo Thông tư số 37/2018/TT-BGTVT của Bộ GTVT chỉ rõ: Thời gian sửa chữa định kỳ “kết cấu áo đường” bao gồm sửa chữa vừa (trùng tu) và sửa chữa lớn (đại tu) được xác định theo quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết kế; Hoặc theo quy trình bảo trì…

Điều cần lưu ý trong quá trình khai thác, là “thời hạn sửa chữa định kỳ được nêu trong bảng của mục 2 phụ lục này sẽ được xem xét thay đổi khi tải trọng, lưu lượng khai thác khác với thiết kế, công trình chịu tác động của các nguyên nhân bất khả kháng và các nguyên nhân khách quan khác.”

Cung cấp cho PV Tiền Phong hàng loạt văn bản “đề nghị nghiêm túc rút kinh nghiệm” và các quyết định xử phạt vi phạm hành chính với các đơn vị thi công, giám sát  đã để xảy ra nhiều sai sót để một số đoạn đường nội thị mới làm xong đã hỏng (báo Tiền Phong có nhiều bài phản ánh), ông Lâm Tứ Toàn- Giám đốc Sở Xây dựng Ðắk Lắk cho biết: Qua kiểm tra, chúng tôi thấy nguyên nhân cơ bản nhất là thiếu sự phối hợp, gắn kết chặt chẽ giữa chủ đầu tư, đơn vị thi công với tư vấn giám sát. Về nguyên tắc, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm hoàn toàn. Nhiều chủ đầu tư không có trình độ quản lý và chuyên môn, nên đã thuê và “bán cái” cho tư vấn giám sát. Còn tư vấn giám sát thì không bám công trình mỗi ngày, nên buông lỏng, bỏ mặc thi công muốn làm gì thì làm...

MỚI - NÓNG
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPO - Người tự nhận có thể cầu mưa cho TPHCM nhận lỗi; Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn phải nộp thêm 400.000 USD và 100 triệu đồng; Nam thanh niên trộm chó trong tích tắc; Siêu tàu cao tốc từ TPHCM - Côn Đảo chính thức hoạt động; Đốn hạ hơn 400 cây xanh để làm tuyến Metro số 2,... là những tin tức đáng chú ý tại TPHCM tuần qua.