Ứng phó dịch COVID-19: Dồn lực xét nghiệm cho Hà Nội

Ứng phó dịch COVID-19: Dồn lực xét nghiệm cho Hà Nội
TP - Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ đã rút các chuyên gia từ trong Đà Nẵng ra tăng cường cho Hà Nội, đồng thời đảm bảo xét nghiệm RT-PCR cho toàn bộ người Hà Nội về từ Đà Nẵng từ ngày 15/7 đến nay.  

Không sợ thiếu sinh phẩm

Sáng 8/8, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và lãnh đạo Bộ Y tế làm việc với thành phố Hà Nội về công tác phòng, chống COVID-19. Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý, Hà Nội đã lên kế hoạch phân chia nhóm ưu tiên xét nghiệm PCR.

Cụ thể, đầu tiên là các trường hợp F1; kế đến là các trường hợp trở về từ Đà Nẵng có triệu chứng; tiếp theo là những trường hợp đã đi qua các ổ dịch ở Đà Nẵng theo thông báo của Bộ Y tế. Thứ tư là những trường hợp về từ Đà Nẵng chưa qua 14 ngày kể từ ngày 28/7 trở về trước. Cuối cùng là các trường hợp còn lại. Tính riêng các trường hợp về từ Đà Nẵng từ 15/7 đến nay, Hà Nội có khoảng 75.000 người.

Tại cuộc làm việc, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quang Tuấn cho biết, đã rút các kíp ở Đà Nẵng, Quảng Nam về, sẵn sàng hỗ trợ cho Hà Nội về công tác xét nghiệm, số lượng cao nhất có thể, lên tới 4.000 mẫu/ngày. Lãnh đạo Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cũng cho biết, có thể hỗ trợ xét nghiệm cho Hà Nội khoảng 300 mẫu/ngày. Bệnh viện ĐH Y Hà Nội có thể xét nghiệm khoảng 1.000 mẫu/ngày đêm. Bệnh viện Nhi T.Ư cũng đảm bảo xét nghiệm khoảng 500 mẫu, hoạt động 24/7, trả kết quả trong 24h. Trước lo ngại về việc thiếu sinh phẩm phục vụ công tác xét nghiệm, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ sẽ đảm bảo đủ, dù Hà Nội xét nghiệm bao nhiêu cũng được.

Tại cuộc làm việc, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, hiện nay, ống vận chuyển lấy mẫu của Hà Nội chỉ vận chuyển được 1 - 2 mẫu, nếu vận chuyển 5 mẫu để trộn chung, làm xét nghiệm theo hướng dẫn mới thì không vận chuyển được. Bộ cần có hướng dẫn để Hà Nội mua các trang thiết bị phù hợp, làm việc với các đơn vị cung ứng để thống nhất một khung. Ông Chung cho biết, theo quyết định của Bộ Y tế, có 4 đơn vị gồm Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi T.Ư, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Bệnh viện Phổi T.Ư sẽ hỗ trợ Hà Nội xét nghiệm PCR, nên ngay từ chiều 8/8, thành phố sẽ vận chuyển các mẫu đến các bệnh viện này để xét nghiệm ngay.

Xét nghiệm nhanh nhất có thể

Tại cuộc làm việc, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, phải coi xét nghiệm là mấu chốt kiểm soát dịch bệnh, phát hiện ca bệnh nhanh, khoanh vùng, dập dịch. Thành phố Hà Nội là địa bàn có nguy cơ cao, bởi vì có nhiều người từ Đà Nẵng trở về (gần 100 nghìn người), từ ngày 15/7 đến nay có tới 75.000 người. “Vì Đà Nẵng hiện giờ là vùng dịch, là tâm dịch nên những người này có nguy cơ”, ông Long nói. 

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bộ đã giao cho 4 đơn vị tiến hành xét nghiệm PCR cho Hà Nội, trong đó, Bệnh viện Bạch Mai khoảng 40.000 mẫu; Bệnh viện Nhi T.Ư 10.000 mẫu; Bệnh viện Phổi T.Ư 10.000 mẫu; Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư 10.000 mẫu. “Việc xét nghiệm tiến hành ngay chiều 8/8. Việc xét nghiệm thì nhanh, nhưng phụ thuộc vào tốc độ lấy mẫu. Sở Y tế cần phối hợp với các đơn vị của Bộ để lấy mẫu”, ông Long nói. Theo ông Long “xét nghiệm PCR phải làm thật nhanh. Trong 3 ngày thì cũng làm được”.

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng cho biết, với các trường hợp từ Đà Nẵng trở về từ ngày 7 - 15/7, phương án đưa ra là lấy mẫu máu để xét nghiệm miễn dịch hấp thụ liên kết với Enzyme (ELISA). Việt Nam là 1 trong 5 nước triển khai xét nghiệm này, độ chính xác cao. “T.Ư cũng đảm nhận cho Hà Nội xét nghiệm này”, ông Long nói.

Theo Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, thành phố cần chủ động chuẩn bị cơ sở vật chất, tiến hành xét nghiệm tất cả các trường hợp nghi ngờ khác, là các bệnh nhân, nhân viên y tế có tiếp xúc với nguy cơ lây nhiễm. Ông Long thống nhất việc T.Ư tiếp tục điều trị cho các bệnh nhân của Hà Nội. Nếu có tăng thêm thì cần có kịch bản tiếp theo. “Quan điểm là giữ cho Thủ đô. Bởi nếu Thủ đô bị ảnh hưởng thì cũng ảnh hưởng đến các cơ quan T.Ư”, ông Long nói, đồng thời cho biết, đã rút các chuyên gia kỳ cựu từ Đà Nẵng ra để tăng cường cho Hà Nội. 

MỚI - NÓNG