Vàng mã - đốt tiền và gây cháy nhà

Đốt vàng mã ô nhiễm môi trường, nguy cơ hỏa hoạn luôn thường trực.
Đốt vàng mã ô nhiễm môi trường, nguy cơ hỏa hoạn luôn thường trực.
TP - Hành vi đốt vàng mã quá nhiều không những gây lãng phí tiền của mà còn là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vụ cháy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống con người.

Bỏ tiền… đốt giấy

Ứớc tính mỗi năm người dân Việt Nam đã đốt hơn 50.000 tấn vàng mã. Mà vàng mã thời @... không chỉ là bó tiền vàng, tiền âm phủ đơn thuần, nó còn là những mô hình biệt phủ, biệt thự, xe hơi, xe máy, quần áo… to đùng, một bộ vàng mã đầy đủ như vậy, giá không dưới 5 triệu đồng. Mà người Việt, khi ai đã mê tín, mê… hoá vàng thì một năm đâu chỉ có cái Tết.

Sau Tết là ngày rằm tháng Giêng, ngày giỗ người thân, rồi rằm tháng Bảy, cúng ông Táo, ngày Tất niên… Cả chục thứ ngày như vậy thì không biết một năm, một hộ gia đình sẽ phải chi bao nhiêu tiền cho việc… đốt giấy. Nếu người dân bỏ hủ tục đốt vàng mã thì có lẽ mỗi năm với số tiền đáng lẽ bị mang… đốt ra tro tàn ấy ắt sẽ đủ để làm bao nhiêu việc hữu ích cho gia đình, con cháu.

Vàng mã - đốt tiền và gây cháy nhà ảnh 1 Mua bán vàng mã ở chợ Lớn.

Mở rộng ra toàn xã hội, số tiền này là một số tiền rất lớn. Không chỉ lãng phí tốn kém, hủ tục đốt vàng mã còn ảnh hưởng rất nặng nề tới môi trường sống về lâu dài, mà thực tế trước mắt ai cũng có thể nhìn thấy được, đó là đại đa số những người sau khi đốt vàng mã xong đều mang tro hóa vàng ra ao, hồ, để rải xuống hoặc bay theo gió… lên trời, với ước nguyện cho người cõi âm dễ nhận được.

Chính vì thế mà sau mỗi các dịp ngày rằm, mùng 1, hay các dịp lễ tết thì môi trường lại bị “tra tấn”, bị “đầu độc” bởi rất nhiều tro hóa vàng nổi lênh láng khiến cho mặt nước đen ngòm ô nhiễm, như con kênh Nhiêu Lộc trong những ngày Tết vừa qua. Để tránh lãng phí tiền bạc cũng như cải thiện môi trường, mỗi gia đình, người dân cũng cần hạn chế, tiến tới từ bỏ hẳn hủ tục đốt vàng mã và thói quen rải tro xuống mặt nước. Nếu người người, nhà nhà cùng từ bỏ hủ tục này thì hàng năm mỗi gia đình sẽ tiết kiệm được một khoản tiền nhất định và môi trường sống trở nên xanh - sạch - đẹp hơn.

Hiểm họa… vàng mã

Tết Mậu Tuất vừa qua, gia đình chị Nguyễn Ngọc Loan ở tầng 9 một chung cư (quận 5) cũng một phen “hoảng loạn” vì cái tục… hoá vàng của hàng xóm. Gia đình chị vừa dọn về đây vào tháng 8/2017, lo sắp xếp nhà cửa xong thì cũng là vừa đến Tết. Từ ngày rước ông Táo, chị đã xanh mặt vì nhà hàng xóm sau khi cúng xong lại đem cả bó vàng mã ra trước cửa rồi đốt.

Chung cư hành lang chỉ rộng khoảng 1,5m, các căn hộ san sát nhau mà lửa cháy phừng phừng đỏ cả dãy hành lang, tàn lửa bay… rợp trời. Mà cháy ở chung cư có cả ngàn người thì làm sao chạy, chạy đi đâu? Còn ở gần chợ Nguyễn Đình Chiểu (quận Phú Nhuận), người dân ở đây lại bị một phen thót tim vì đốt vàng mã. Trưa mùng 3 Tết vừa qua, sau khi cúng tiễn ông bà, một nhà trong chợ đem vàng mã ra trước cửa đốt. Tàn lửa bay sang đống rác khô gần đó rồi bốc cháy đùng đùng, ngọn lửa bốc cao cả mét giữa trưa nắng chang chang. Bà con xung quanh hô hoán mang xô, mang chậu xách nước ra tạt một lúc thì bà hoả mới chịu… hạ hoả. Cả xóm lại có một phen hú hồn.

Trước đó, tại hẻm 81 đường Lương Thế Vinh (quận Tân Phú, TPHCM), một hộ dân sau khi cúng ông Táo đã đem vàng mã ra trước cửa nhà để… hoá vàng. Các tàn lửa từ vàng mã đã bay vào đống mút xốp để gần đó rồi nhanh chóng bùng lên thành một đám cháy lớn. Dù lực lượng PCCC tại chỗ rồi sau đó tăng cường thêm các xe chữa cháy chuyên nghiệp cũng không ngăn nổi đám cháy lan rộng. Ngọn lửa bốc cao gặp gió cùng thời tiết hanh khô đã cháy lan sang 7 căn nhà khác làm cả khu dân cư này náo loạn.

Dịp giáp Tết Đinh Dậu 2017, trên địa bàn TP đã xảy ra 8 vụ cháy nhà do đốt vàng mã, làm 20 người chết và nhiều người khác bị thương. Phòng Tham mưu Cảnh sát PCCC TPHCM cảnh báo dịp Tết, từ ngày đưa ông Công, ông Táo về trời, sau đó là các nghi lễ cổ truyền như cúng tất niên, đưa rước ông bà… người dân thường đốt vàng mã nhiều, dẫn đến nguy cơ cháy nổ rất cao. Đặc biệt là nguy cơ cháy nổ tại các khu dân cư, đô thị.

Cảnh sát PCCC Công an TP cũng đã nhiều lần khuyến cáo: Khi đốt vàng mã, người dân nên đốt trong những dụng cụ chứa bằng vật liệu không cháy như kim loại, sành sứ… Không hóa vàng mã ở ngoài đường, vỉa hè, sân thượng và khi đốt phải có người trông coi.

Vàng mã - đốt tiền và gây cháy nhà ảnh 2

Hành vi cần từ bỏ

Tục đốt vàng mã, đồ mã mỗi dịp lễ, tết, giỗ… được các thế hệ người Việt Nam thực hành từ rất lâu với mong muốn nguyện cầu cho những người đã khuất tiếp tục có cuộc sống tốt hơn ở thế giới bên kia. Song nhiều người lạm dụng quá mức tục lệ này với những loại đồ mã, vàng mã quá đắt tiền theo quan niệm “trần sao âm vậy” là chưa thỏa đáng?

Chuyên gia kinh tế Lê Bá Chí Nhân nhận định: “Ở nhiều nơi, việc đốt vàng mã đang bị người ta thực hiện một cách thái quá vì cho rằng, dâng cúng càng nhiều thì càng được thánh thần hay người âm phù hộ? Thực tế, đây chỉ là sự phô trương với người trần, hơn thế nữa là để thỏa mãn thói thường “con gà tức nhau tiếng gáy”, dẫn đến sự lãng phí tiền của một cách không cần thiết, điều này đáng lên án, thậm chí đáng phạt. Không thể bằng một chỉ thị mà có thể cấm ngay được những nghi lễ tín ngưỡng, vấn đề là nhận thức của con người”.

Theo truyền thống việc rải vàng mã trong đám tang người chết có ý nghĩa đánh dấu đường cho linh hồn người chết trở về. Nếu đốt vàng mã trong lễ hội, chính quyền tiến hành xử phạt đã khó thì việc xử phạt hành vi đốt vàng mã trong những ngày giỗ, lễ, tết hay rải vàng mã trong đám tang lại hết sức nhạy cảm. Để luật pháp đi vào cuộc sống là việc làm cần thiết nhưng cần có thời gian tuyên truyền để người dân nhận thức được vấn đề và có hành vi phù hợp truyền thống chứ không thể tiến hành ngay lập tức được.

Trách nhiệm này cho chính những địa phương, đơn vị, cá nhân quản lý di tích, văn hóa và cơ quan tổ chức lễ hội để định hướng, tuyên truyền cho người dân về các nghi thức hành lễ phù hợp với dân gian. Thật ra, việc đốt vàng mã trong chùa dịp lễ, tết ở TPHCM hầu như đã… “tuyệt chủng” và chỉ còn trong các đình đền, miếu.

Ngay cả việc thắp hương (nếu ai cần) cũng được các nhà sư khuyến cáo mỗi người chỉ đốt một cây nhang. Hòa thượng Thích Quảng Thành, trụ trì chùa Pháp Hoa (quận 3) khẳng định: “Đức Phật Thích Ca không hề dạy đốt vàng mã để cúng gia tiên, lễ tết. Đi chùa chỉ cần lòng thành vào bái, lạy Phật là đủ.

Vừa qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có văn bản yêu cầu loại bỏ việc đốt vàng mã trong các ngày lễ, tết là một việc làm rất đáng trân trọng, hoan nghênh. Rất mong người dân xem đây là hành động thiết thực để mà từ bỏ hủ tục không có lợi này”.

MỚI - NÓNG