Vào thủ phủ sản xuất khẩu trang

Dù hoạt động hết công suất nhưng các xưởng sản xuất khẩu trang ở xã Xuân Lai luôn trong tình trạng cháy hàng. Ảnh: Nguyễn Thắng
Dù hoạt động hết công suất nhưng các xưởng sản xuất khẩu trang ở xã Xuân Lai luôn trong tình trạng cháy hàng. Ảnh: Nguyễn Thắng
TP - Xã Xuân Lai (huyện Gia Bình, Bắc Ninh) được coi là nơi cung ứng khẩu trang lớn nhất miền Bắc với 10 cơ sở sản xuất. Vào thời điểm dịch corona bùng phát, các xưởng sản xuất hoạt động hết công suất.

Khan hàng, tăng giá

Xã Xuân Lai, huyện Gia Bình (Bắc Ninh) những ngày gần đây tấp nập ôtô từ các tỉnh tìm về mua khẩu trang. Dù vậy, nhiều cơ sở sản xuất luôn trong tình trạng “kín cổng cao tường”, người lạ khó tự do ra vào xưởng. Trong vai người thu mua khẩu trang và được “dắt” mối từ một chủ cơ sở trong xã Xuân Lai, phóng viên vào các xưởng sản xuất khẩu trang tại xã này. Khác hẳn với hình ảnh đóng kín cửa bên ngoài, trong các xưởng, công nhân làm việc hối hả, máy móc chạy rầm rập không nghỉ.

Gần đầu thôn Xuân Lai (xã Xuân Lai), xưởng sản xuất khẩu trang TA tấp nập các đầu mối thu mua đang kiểm hàng. Khi PV hỏi mua, chủ xưởng cho biết, xưởng không còn hàng để bán, nếu muốn mua phải đặt cọc, chấp nhận giá tăng so với trước. Cách đó không xa, cơ sở sản xuất của ông HB cũng trong tình trạng cháy hàng. Các mối quen của xưởng này phải chờ chực nhiều giờ để lấy hàng. “Tôi làm ăn với chủ xưởng từ lâu và đặt trước nên mới có hàng. Hiện nay, giá cả cũng căng lắm, người lạ đến không mua được đâu”, anh Hùng, một đầu mối thu mua vừa nhanh tay ôm các thùng khẩu trang lên xe vừa nói.

Theo chỉ dẫn của người dân, PV tìm đến một xưởng sản xuất khẩu trang nằm sâu trong ngõ nhỏ ở thôn Xuân Lai. Bên trong, chủ xưởng đang bận thanh toán tiền hàng với các đầu mối thu mua khẩu trang. “Bên em không có hàng sẵn, anh phải đặt trước vài ngày và ứng tiền, xưởng mới sản xuất. Các đầu mối thu mua hàng tại xưởng trả từ 7 - 8 triệu đồng/thùng (một thùng có 50 hộp và mỗi hộp có 50 chiếc khẩu trang, tính ra mỗi chiếc khẩu trang cũng có giá từ 2.800 - 3.200 đồng - PV). Nhà em chỉ nhận làm 10 thùng trở xuống”, chủ cơ sở sản xuất nói.

Một chủ xưởng giấu tên ở xã Xuân Lai tiết lộ, trước khi có dịch viêm phổi do virus corona gây ra, một thùng khẩu trang loại thường ở xã này có giá từ 700.000 - 750.000 đồng (chỉ khoảng 300 đồng/cái - PV). Nhưng đến nay, giá thu mua khẩu trang tăng nhiều lần và thay đổi theo ngày. Các mối quen biết từ trước cũng nhập tại xưởng với giá khoảng 3 triệu đồng/thùng.

Còn ở một số xưởng trong xã, với người lạ đến nhập hàng có thể mua với giá từ 7 - 9 triệu đồng/thùng. “Thời điểm này giá đang cao, bởi vậy người lạ không nên đến đây mua hàng về buôn”, chủ xưởng trên khuyên. Theo một số cơ sở sản xuất, tại xã Xuân Lai, xưởng nhỏ cho ra “lò” hơn 20 thùng khẩu trang/ngày, xưởng lớn có công suất 100 thùng/ngày.

Chất lượng có đảm bảo?

Làm việc với PV, ông Trần Văn Hoa, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lai cho biết, cả xã có 10 cơ sở sản xuất khẩu trang, trong đó ở thôn Xuân Lai có 9 xưởng. Theo ông Hoa, thời gian qua, các cơ quan chức năng của huyện Gia Bình và xã Xuân Lai nhiều lần đi kiểm tra nhưng chưa phát hiện cơ sở nào bán tăng giá. Khi PV đề cập đến giá mua khẩu trang tăng cao như trên ở nhiều xưởng trong xã, ông Hoa cho rằng “việc tăng giá trên là do người mua buôn gây ra”.

Cũng theo ông Hoa, trong xã chỉ có 2 cơ sở được Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh cấp phép sản xuất khẩu trang y tế, các cơ sở còn lại có đăng ký sản xuất, kinh doanh may mặc, trong đó có mặt hàng khẩu trang kháng khuẩn với các cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Ninh. Đại diện Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh cũng xác nhận, cơ quan này có cấp phép cho 2 cơ sở làm khẩu trang y tế có địa điểm sản xuất ở xã Xuân Lai.

Tuy nhiên, theo quan sát của PV, nhiều xưởng ở xã này sản xuất khẩu trang kháng khuẩn có mặt ngoài màu xanh, mặt bên trong màu trắng, không khác gì khẩu trang y tế. Cũng theo ông Hoa, quan sát bằng mắt thường về mẫu mã bên ngoài của những chiếc khẩu trang kháng khuẩn sản xuất ở nhiều xưởng trong xã này thì khó phân biệt với khẩu trang y tế. “Việc kiểm tra chất lượng khẩu trang của các cơ sở sản xuất do các cơ quan chức năng của huyện tiến hành, xã không thể can thiệp sâu vào quá trình sản xuất của các xưởng”, ông Hoa cho hay.

 Theo một chủ cơ sở sản xuất khẩu trang ở Xuân Lai, trong thời điểm “sốt” khẩu trang hiện nay, có xưởng, vì đáp ứng nhu cầu của nhiều đầu mối mua hàng có thể sản xuất loại khẩu trang hàng chợ, thậm chí, có thể những chiếc khẩu trang bị lỗi vẫn đưa vào đóng gói để bán. Năm 2017, xã Xuân Lai có hai cơ sở sản xuất khẩu trang kháng khuẩn nhưng sử dụng bao bì là khẩu trang y tế.

MỚI - NÓNG