Ít nhất 80 người chết và mất tích do mưa lũ

Vật lộn tìm kiếm 18 người mất tích ở Hòa Bình

Vật lộn tìm kiếm 18 người mất tích ở Hòa Bình
TP - Cả quả đồi lớn bất ngờ đổ sập trong đêm mưa, chôn vùi 4 trong số 6 gia đình sinh sống nơi đây. Gần 400 cán bộ chiến sỹ quân đội, công an, y tế... đã được huy động tích cực tìm kiếm 18 người mất tích...
Vật lộn tìm kiếm 18 người mất tích ở Hòa Bình ảnh 1

Lực lượng an ninh, quân đội đang dùng máy xúc để đào bới đất đá tìm kiếm những nạn nhân bị vùi lấp. Ảnh: Thanh Hà.

Cán bộ tử vong khi giúp dân

Ngày 12/10, Hòa Bình tiếp tục đổ cơn mưa lớn, đường quốc lộ 6 nhiều đoạn di chuyển khó khăn. Tin từ Đài khí tượng thủy văn Trung ương cho thấy, lượng mưa tại Hòa Bình đo được lớn hơn 200mm và chưa có dấu hiệu ngừng lại. Dưới cơn mưa ấy, gần 400 con người thuộc các lực lượng quân đội, công an, y tế... vẫn miệt mài đào bới, ở xóm Khanh (xã Phú Cường, Tân Lạc, Hòa Bình) tìm kiếm những người mất tích trong trận sạt lở đất vào rạng sáng.

Sau lưng họ, thác Khanh vẫn cuộn chảy, dòng nước đục ngầu chảy ra cả từ những lỗ nhỏ trong vách núi dựng đứng. Chỉ đạo tìm kiếm tại hiện trường, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định, hiện trường vụ sạt lở rất phức tạp, đất đá còn có thể sạt lở tiếp. Phó Thủ tướng yêu cầu, ngoài tích cực tìm kiếm các nạn nhân mất tích, lo hậu sự cho người dân cũng cần đảm bảo an toàn cho chính những lực lượng cứu nạn.

Tại hiện trường, PV Tiền Phong tận thấy ô tô chở những con trâu đã chết trong vụ sạt lở đất. Trận lở đất đã chôn vùi hoàn toàn 4 gia đình với 18 người, 2 căn nhà khác hư hỏng nặng. Đáng chú ý, trong số nạn nhân có 2 cán bộ thôn là Bùi Văn Hức - trưởng xóm và Đinh Công Sinh - Chi hội phó chi Hội Nông dân Phú Cường. Người dân tại đây cho biết, ngày 11/10, tại khu vực xóm Khanh cũng xảy ra lở đất nhỏ nên 2 cán bộ trên vào kiểm tra và giúp đỡ thì xảy ra sự việc.

Trước hoang tàn, ông Đinh Công Hưng (48 tuổi)- người sống sót trong trận lở đất cho biết, ông sống ở đây từ nhỏ nhưng chưa bao giờ thấy thác Khanh chảy dữ dội tới vậy. Ông Hưng kể: “Khoảng hơn 1h sáng, tôi đang ngủ ở lều thì nghe tiếng uỳnh, uỳnh liên tục nên nhìn về nhà thì thấy khu đồi đổ xuống. May mắn con tôi bị tấm ván rơi vào đầu rồi tỉnh dậy gọi mẹ ra ngoài nên không bị đất vùi”. Ông cho biết thêm, trận lở đất cướp đi 8 người thân của ông, hiện mới tìm được thi thể 2 người. “Nhà cửa mất hết, chúng tôi phải tổ chức đám tang cho em gái và cháu ở mảnh đất mượn ngoài đường quốc lộ” - ông Hưng nói.

Vật lộn tìm kiếm 18 người mất tích ở Hòa Bình ảnh 2

Một căn nhà bị đất đá vùi lấp.

Thảm họa trong đêm

Cùng cảnh ngộ, chị Đinh Thị Nghiêm (SN 1993) đột ngột mất đi 4 người thân gồm bố mẹ và anh em trai chỉ sau một đêm. “Nhà chồng tôi cách xa đây, khi tôi đang ngủ thì nghe điện từ em họ báo vụ sạt lở nhưng chỉ nghĩ lở đất nhẹ như những lần trước, không ngờ...” - chị Nghiêm khóc.

Anh Đinh Công Ương sống cạnh đó kể lại, khoảng hơn 1h sáng, anh đang ngủ thì nghe một tiếng “uỳnh” rất lớn. Anh cầm đèn pin ra soi thì đã thấy đất đá phủ kín trên quả đồi thấp vốn là nơi sinh sống của 4 hộ dân. Những người dân gần đó liền tổ chức tìm kiếm, đồng thời báo cho chính quyền địa phương. Khoảng 2h sáng cùng ngày, lực lượng chức năng đã có mặt ở hiện trường đưa những người bị thương đi cấp cứu và tìm kiếm các nạn nhân còn lại.

Tại sân nhà ông Đinh Công Sinh, những người họ hàng đang chuẩn bị đám tang cho ông. Một người dân cho biết, tối 11/10, ông Sinh và trưởng thôn Khanh sau khi kiểm tra nguy cơ sạt lở đã ở lại cùng một gia đình dỡ căn bếp đang có nguy cơ bị đất đá lăn xuống. Tuy nhiên, khi tất cả chưa kịp chuyển đi thì trận lở đất xảy ra chôn vùi tất cả.

Ông Đinh Đức Thịnh, người dân sống gần đó mô tả, thác Khanh phía sau cách những căn nhà bị vùi một khoảng ruộng ngắn. Cả 4 căn nhà đều ở trên một quả đồi đất thấp, quay lưng về phía thác. Nước từ thác xuống thường chảy sang một bên nên không ai nghĩ lại bị quả đồi phía sau chôn vùi. “Trước đây, mỗi khi có lũ, trên thác cũng có sạt lở nhưng rất nhẹ, chỉ đủ làm hỏng vài cây chuối, bụi tre nhưng năm nay lũ lớn quá... Buổi đêm, chúng tôi nghe tiếng động lớn liền chạy ra thì thấy đất đá trên đồi bị thác cuốn lấp đầy khu ruộng, rồi tràn lên quả đồi. Nhà sàn cao lại được che chắn bằng quả đồi nhưng đất đá từ trên cao văng xuống quá mạnh, tràn lên tất cả” - ông Thịnh nói.

Nỗ lực tìm kiếm nạn nhân

Đó là khẳng định của ông Đoàn Thanh Hiền – Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Công an. Có mặt tại hiện trường, ông Hiền cho biết, ngoài chó nghiệp vụ, lực lượng công an đã huy động nhiều máy móc, máy khoan phá, máy dò nhiệt... để tìm kiếm nạn nhân. “Việc tìm kiếm những nạn nhân còn lại chắc chắn gặp nhiều khó khăn, hiện trường vẫn bị đe dọa sạt lở tiếp. Tuy nhiên, chúng tôi xác định phải thực hiện đến khi hoàn thành nhiệm vụ, quyết tâm tìm kiếm đến khi xác định được đầy đủ 18 nạn nhân” – ông Hiền nói.

Theo ghi nhận của phóng viên, khoảng 14h chiều 12/10, khi gàu múc của máy xúc đang gạt đi những khối đá, nhiều chiến sĩ quân đội đồng loạt hô to “dừng lại”. Họ phát hiện một thi thể phụ nữ – đây là nạn nhân thứ 9 được tìm thấy, 9 người còn lại vẫn đang mất tích. Hỗ trợ lực lượng tìm kiếm, các chiến sĩ công an cũng phong tỏa từ xa để người dân không tiếp cận hiện trường, đảm bảo an toàn. Trung ương Hội chữ Thập đỏ Việt Nam đến thăm hỏi và ủng hộ các gia đình bị thiệt hại với tổng số tiền 260 triệu đồng...

Cách hiện trường không xa, hàng trăm chiến sĩ bộ đội, công an trải bạt trên nền đất, tạm nghỉ ngơi, rồi thay phiên nhau từng tốp một vào đào bới, tìm kiếm người dân trong nhiều giờ qua và đã thấm mệt. Tới 17h cùng ngày, ban chỉ huy tìm kiếm cứu nạn có cuộc họp gấp dưới trời mưa. Ông Đinh Công Sứ – Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc nói: “Cần tính toán kỹ cho lực lượng cứu hộ bởi sườn núi vẫn có nguy cơ sạt lở tiếp bất kỳ lúc nào. Tuy vậy, vẫn phải chỉ đạo cứu nạn cứu hộ tới khi nào không thể mới dừng lại”.

Bên ngoài, những bóng đèn cao áp được thắp lên chuẩn bị cho cuộc tìm kiếm trong đêm...

80 người chết, mất tích do mưa lũ

Theo báo cáo nhanh từ Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai, đến chiều 12/10, mưa lũ đã làm 38 người chết (Yên Bái 4 người, Hòa Bình 11, Hà Nội 1, Thanh Hóa 9, Nghệ An 8 và Sơn La 5) và 42 người mất tích (Sơn La 3 người, Yên Bái 14, Hòa Bình 21, Thanh Hóa 3 và Quảng Trị 1).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu di dân khỏi vùng nguy hiểm

Vật lộn tìm kiếm 18 người mất tích ở Hòa Bình ảnh 3
Ngày 12/10, trước diễn biến mưa lũ phức tạp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã hủy các cuộc làm việc tại Hải Phòng để đi Ninh Bình thị sát đập tràn Lạc Khoái (xã Gia Lạc, Gia Viễn, Ninh Bình) chỉ đạo ứng phó ngập lụt, bảo vệ an toàn đê điều. Tại đập tràn Lạc Khoái, Thủ tướng đã nghe lãnh đạo tỉnh Ninh Bình báo cáo về công tác chống lũ, phương án ứng phó tình huống có thể xảy ra (ảnh). Đánh giá cao việc tỉnh khẩn trương tiến hành di dân, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần bảo đảm an toàn tối đa cho người dân. Sau đó, Thủ tướng đi ca nô trên sông Hoàng Long thị sát tình hình lũ.

Sau khi đi thị sát, Thủ tướng có cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Bình tại nhà vận hành đập tràn Lạc Khoái. Lãnh đạo tỉnh Ninh Bình cho biết, nước dâng cao, nhiều khu vực bị ngập. Nước sông dâng ở mức 5,53 m, cao nhất trong hơn 30 năm qua, vượt đỉnh lũ năm 1985 là 5,23 m. Tối 11/10, tỉnh đã di dân, xử lý các điểm sạt lở. Thủ tướng đánh giá cao tinh thần chủ động của tỉnh trong việc hạn chế thiệt hại, chỉ đạo di dân, chủ động phương án phân lũ, theo dõi sát tình hình, có căn cứ khoa học chưa phá đê xả lũ khi mực nước đã dâng trên 5,50 m. Phương án này được xem là sáng suốt, giảm thiệt hại cho người dân. Cho rằng nguy cơ mưa lớn vẫn còn khi áp thấp nhiệt đới có khả năng thành bão, cùng với gió mùa đông bắc tràn về, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục theo dõi sát tình hình thời tiết, trực ban 24/24, thành lập ban chỉ huy ngay tại đập tràn, tổng kiểm tra, gia cố hệ thống đê điều - hiện đã no nước, có nguy cơ thẩm thấu. Thủ tướng nhấn mạnh, khi nước dâng 5 - 10cm nữa là rất nguy hiểm, đồng thời yêu cầu tỉnh Ninh Bình cương quyết di dân khỏi vùng nguy hiểm, tiến hành cưỡng chế di dời khi cần thiết. 

* Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có công điện, yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ.

Theo đó, các địa phương bị ảnh hưởng, thiệt hại do đợt mưa lũ vừa qua, nhất là các tỉnh: Ninh Bình, Hoà Bình, Yên Bái, Thanh Hoá tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện tập trung tìm kiếm người còn mất tích; chủ động di dời dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực nguy cơ cao về sạt lở, để bảo an toàn cho người dân.

Hoàng Phong - Nam Khánh

MỚI - NÓNG