Vì sao phố sách Hà Nội chưa nhộn nhịp?

Phố sách Hà Nội những ngày đầu hoạt động.
Phố sách Hà Nội những ngày đầu hoạt động.
TP - Hoạt động từ 1/5/2017, phố sách Hà Nội được kỳ vọng là địa điểm văn hóa của người dân Thủ đô. Thế nhưng, sau 7 tháng triển khai, phố sách cần một Ban điều hành để hoạt động phong phú và hiệu quả hơn.

Kiến nghị thay đổi mô hình quản lý

Mới đây, ông Nguyễn Cảnh Bình (Chủ tịch Công ty Alpha Books) đại diện cho 16 nhà sách đã gửi kiến nghị lên lãnh đạo thành phố Hà Nội về việc thay đổi mô hình quản lý phố sách. Kiến nghị cho biết trong khoảng ba tháng đầu đi vào hoạt động, do có sự hỗ trợ truyền thông của thành phố nên tình hình kinh doanh của các gian hàng tại phố sách Hà Nội tạm ổn với doanh thu trung bình mỗi gian hàng 125 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, sau thời gian này, mức doanh thu chung của các gian hàng đang giảm xuống chỉ còn khoảng 50 triệu đồng/tháng.

Trước tình hình kinh doanh đi xuống, các đơn vị xuất bản cùng kiến nghị đến Ban quản lý phố sách Hà Nội, đề nghị thành phố hỗ trợ chi phí chăm sóc cây xanh, thảm cỏ và một số chi phí khác... để đảm bảo mức thu phí mặt bằng không quá 200.000 đồng/m2. Bên cạnh đó, thành phố cần hỗ trợ phố sách hệ thống âm thanh, sân khấu tại quảng trường trung tâm để làm tốt hơn công tác truyền thông, tổ chức sự kiện của phố sách…

Các nhà sách đề xuất thành lập một đơn vị hay một ban quản lý điều hành đúng nghĩa, am hiểu về sách và hoạt động xuất bản, có khả năng kết nối các đơn vị tham gia tại phố sách cũng như các đơn vị xuất bản, phát hành trong những hoạt động chung và chuyên sâu để phát triển văn hóa đọc. Bản đề xuất đưa ra phương án lập công ty quản lý, với tên Công ty Phố sách Hà Nội, theo mô hình doanh nghiệp xã hội phi lợi nhuận nhằm phối hợp tổ chức các hoạt động, phát triển văn hóa đọc, bao gồm các sự kiện, giao lưu tác giả - tác phẩm, triển lãm… phục vụ các hoạt động chính trị xã hội, gắn với các ngày lễ lớn của đất nước, thành phố Hà Nội, của Sở Thông tin và Truyền thông (Sở TT&TT) Hà Nội

 Sẽ có Ban điều hành

Ở thời điểm mà đường sách Nguyễn Văn Bình của TPHCM vừa tăng doanh thu và số lượt khách tham quan mua sắm ngày càng tăng, từ 27 tỷ đồng, 1,5 triệu lượt khách (2016) lên tới 50 tỷ đồng, 2,4 triệu lượt khách (2017), thì câu chuyện phố sách Hà Nội đìu hiu khiến dư luận băn khoăn. Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Minh Khánh cho rằng, không nên so sánh phố sách với phố Đinh Lễ bởi đây đơn thuần chỉ là nơi bán sách, còn Phố sách còn là nơi giao lưu sách, tổ chức các hoạt động giới thiệu, ký tặng sách… là địa điểm văn hóa cho những người mê đọc. Cũng không nên so sánh phố sách Hà Nội với đường sách Nguyễn Văn Bình (TPHCM), bởi mỗi nơi đều có một văn hóa đọc khác nhau. “Người Hà Nội từ trước đến nay đều có độ sâu, trầm hơn TPHCM, nên cũng không thể nhìn lúc đông, lúc vắng mà nói là phố sách không hiệu quả được”, ông Khánh nhận định.

Lãnh đạo Sở TT&TT Hà Nội cho biết thêm, mới đây, Sở TT&TT đã có buổi họp với UBND quận Hoàn Kiếm nhằm thúc đẩy Phố sách, trong đó có thống nhất sẽ tổ chức một Ban điều hành phố sách. Thành phần gồm các nhà xuất bản, UBND quận Hoàn Kiếm, Sở TT&TT… Ban điều hành sẽ sắp xếp, tổ chức bài bản các hoạt động giao lưu, tọa đàm, giới thiệu sách… để phố sách thực sự trở thành điểm đến của người yêu sách.

Trao đổi với báo chí, bà Trần Phương Thảo, Phó Tổng Giám đốc Thái Hà Books cho biết thêm, tháng 11, 12 cũng là thấp điểm về mặt kinh doanh và phát hành sách trong năm, người dân chủ yếu tập trung mua lịch. Chính vì lý do này, nên tình hình kinh doanh tại Phố Sách ở thời điểm này bị chững lại cũng là điều dễ hiểu. Phố sách mới đi vào hoạt động, đương nhiên không thể tránh khỏi những khó khăn. Để phát triển vững chắc, lan tỏa văn hóa đọc cần phải có thời gian chăm bẵm để phát triển, lớn lên dần dần.

Nhận xét về phố sách Hà Nội trước đó, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cho rằng, phố sách tạo ra vẻ đẹp vừa tạo ra đời sống. Hà Nội đã có quá nhiều quán karaoke, quán game… trong khi hiệu sách, điểm văn hóa vẫn còn quá ít. Rất mong Hà Nội phát triển được phố sách và nhân rộng thêm nữa.

MỚI - NÓNG