Việt Nam - Sri Lanka: Thúc đẩy hợp tác lập pháp, quốc phòng…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka Karu Jayasuriya ngày 24/4 tại Hà Nội. Ảnh: TTXVN.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka Karu Jayasuriya ngày 24/4 tại Hà Nội. Ảnh: TTXVN.
TP - Hội đàm ngày 24/4 tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka Karu Jayasuriya nhất trí rằng, quốc hội hai nước sẽ duy trì và tăng cường trao đổi đoàn các cấp; hai bên cần tích cực triển khai đầy đủ Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng; sớm triển khai cơ chế đối thoại an ninh cấp Bộ trưởng Công an hai năm/lần…

Hai nhà lãnh đạo nhất trí, quốc hội hai nước duy trì và tăng cường trao đổi đoàn các cấp, nhất là giữa các ủy ban chuyên môn nhằm chia sẻ thông tin, kinh nghiệm hoạt động nghị viện, kinh nghiệm lập pháp và giám sát; phát huy hơn nữa vai trò của Nhóm Nghị sỹ hữu nghị hai nước… Hai bên cũng nhất trí thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực hậu cần, khắc phục hậu quả chiến tranh và tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Đồng thời, thúc đẩy hợp tác chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, nâng cao năng lực về phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, chống khủng bố… Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka Karu Jayasuriya bày tỏ mong muốn thúc đẩy hợp tác giữa hai Học viện Cảnh sát nhân dân hai nước.

Về hợp tác kinh tế, hai Chủ tịch Quốc hội nhận định, thời gian qua, thương mại song phương tăng đều qua các năm, đạt gần 320 triệu USD năm 2017; hai nước phấn đấu đưa thương mại song phương sớm đạt mục tiêu 1 tỷ USD. Hai nước có tiềm năng hợp tác rất lớn, cần đẩy mạnh khai thác, nhất là trong các lĩnh vực dầu khí, cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin và truyền thông, dệt may, cao su, da giày, chế biến và phân phối nông sản, thủy sản, sản xuất và tiêu thụ sữa, năng lượng tái tạo, vận tải hàng không và hàng hải. Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka cam kết hỗ trợ Việt Nam về công nghệ nuôi trồng hải sâm, rong biển…; mong muốn Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp.

Về vấn đề biển Đông, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở biển Đông là lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực. Việt Nam chủ trương giải quyết các tranh chấp ở biển Đông bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các bên, nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định ở biển Đông.

Ngày 24/4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka Karu Jayasuriya, khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị với các chính đảng tại Sri Lanka, ủng hộ việc hai nước trao đổi các đoàn cấp cao, tăng cường quan hệ trên tất cả các kênh, trong đó có kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội và đối ngoại nhân dân.

MỚI - NÓNG