Việt Nam vẫn chưa có hệ thống phát hiện sớm sự cố phóng xạ

Nhà máy điện hạt nhân Fukushima phát hỏa vào ngày 11/3/2011. Ảnh: Filthy Frank.
Nhà máy điện hạt nhân Fukushima phát hỏa vào ngày 11/3/2011. Ảnh: Filthy Frank.
TP - Hà Nội mới đây đưa sự cố của ba nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc, nếu xảy ra, là một trong những thảm họa mà thành phố phải đối mặt. Thế nhưng đến nay, hệ thống mạng lưới quan trắc giúp phát hiện sự cố phóng xạ sớm vẫn chưa được xây dựng dù được phê duyệt từ năm 2010. PV Tiền Phong có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Hào Quang (ảnh), Phó Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử về nội dung này.

8 tổ máy đã đi vào hoạt động

Ông đánh giá như nào về nguy cơ đến từ 3 nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc ngay giáp biên giới phía Bắc nước ta?

Như chúng ta biết, giáp khu vực phía Bắc nước ta là 3 nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc gồm Nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành trên địa bàn tỉnh Quảng Tây, Nhà máy điện hạt nhân Trường Giang ở tỉnh Quảng Đông và Nhà máy điện hạt nhân Xương Giang nằm trên đảo Hải Nam. Theo số liệu mới nhất chúng tôi có, 8 tổ máy đã đi vào hoạt động. Theo thiết kế, mỗi nhà máy có khoảng 4-6 tổ máy. Mỗi tổ máy có công suất khoảng 1000 MW. Như vậy, thời gian tới sẽ có thêm các tổ máy đi vào hoạt động.

Về nguy cơ, sau sự cố của Nhà máy điện hạt nhân Fukushima (Nhật Bản, 2011), các yêu cầu và tiêu chuẩn về an toàn trong thiết kế hiện nay được đặt ra rất cao và nghiêm ngặt. Các nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc cũng phải đáp ứng các yêu cầu này. Tuy nhiên, bất cứ nhà máy điện hạt nhân nào cũng không có sự an toàn tuyệt đối.

Theo khuyến cáo của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA), khu vực bên ngoài nhà máy điện hạt nhân cần được phân vùng để có kế hoạch ứng phó sự cố phù hợp. Riêng với nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành, cách Móng Cái chỉ 50km, Quảng Ninh và một số tỉnh phía Bắc của Việt Nam sẽ thuộc khu vực phải lập kế hoạch mở rộng và lập kế hoạch cho hàng hóa, thực phẩm.

Tuy nhiên, đây là hướng dẫn chung của IAEA, để làm rõ hơn tác động của ba nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc đến Việt Nam, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (NLNTVN) đang triển khai thực hiện đề tài cấp Nhà nước nghiên cứu, đánh giá khả năng phát tán và ảnh hưởng của chất phóng xạ từ các nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành và Xương Giang của Trung Quốc đến con người và môi trường và đề xuất giải pháp ứng phó đối với một số kịch bản tai nạn tương ứng. Đến năm 2020 sẽ nghiệm thu đề tài.

Không đủ phương tiện để phát hiện sự cố hạt nhân sớm

Hiện nay hệ thống mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia được thực hiện đến đâu, có đảm bảo phát hiện sớm bất thường phóng xạ trong môi trường?

Hiện nay, trong mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia, Viện NLNTVN có 2 trạm quan trắc phóng xạ môi trường gồm Trạm quan trắc phóng xạ phía Bắc và Trạm quan trắc phóng xạ phía Nam. Tuy nhiên, các trạm quan trắc trên mới đo được các thông số cơ bản nhất với tần suất từ 4-6 lần một năm, số lượng điểm quan trắc ít và không có quan trắc trực tuyến. Vì thế, mới đây, Viện NLNTVN, bằng nhiều nguồn khác nhau, đã lắp thêm một số thiết bị đo liều bức xạ gamma trực tuyến tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Lào Cai và Hà Nội. Tuy nhiên, mạng lưới quan trắc hiện nay là quá mỏng, chủ yếu làm nhiệm vụ cung cấp thông tin nền, để trong trường hợp xảy ra sự cố thì có cơ sở dữ liệu so sánh. Hệ thống hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu phát hiện sớm sự cố để có biện pháp kịp thời ứng phó.

Để đảm bảo mục tiêu kịp thời phát hiện diễn biến bất thường về phóng xạ trên lãnh thổ Việt Nam và hỗ trợ việc chủ động ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân, năm 2010, Thủ tướng đã có Quyết định phê duyệt Quy hoạch mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia đến 2020. Theo đó sẽ xây dựng một Trung tâm điều hành, quan trắc phóng xạ quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý, 4 trạm quan trắc vùng đặt tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Đà Lạt, xây dựng một số trạm quan trắc cấp tỉnh và một số trạm quan trắc thuộc Bộ Quốc phòng. Lộ trình 2010-2015 sẽ xây dựng Trung tâm điều hành, 4 trạm vùng và 6 trạm địa phương. Từ 2016-2020 sẽ xây dựng và đưa vào hoạt động các trạm địa phương còn lại.

Tuy nhiên, đến nay, sau nhiều lần đề xuất, Mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia đến 2020 vẫn chưa được xây dựng. Khó khăn lớn nhất là nguồn vốn. Dự kiến Mạng lưới quan trắc này tốn khoảng 30 triệu euro (khoảng 800 tỷ đồng) nên việc bố trí vốn gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi đã nhiều lần đề xuất, kiến nghị nhưng vẫn chưa bố trí được vốn. Chúng tôi hy vọng thời gian tới có thể được bố trí vốn để ưu tiên xây dựng một số trạm quan trắc phóng xạ ở khu vực phía Bắc, nhằm kiểm soát lượng phóng xạ ở khu vực nằm gần ba nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc.

Xin cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.