Vụ đánh bạc quy mô lớn ở Hải Phòng: Quản lý cư trú có vấn đề

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng. Ảnh: Gia Chính
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng. Ảnh: Gia Chính
TP - Trao đổi với Tiền Phong xoay quanh vụ đánh bạc nghìn tỷ xảy ra ở Hải Phòng, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhận định, đây là một loại hình tội phạm mới, đồng thời cho thấy công tác quản lý người nước ngoài cư trú tại Việt Nam có vấn đề.   

Còn nhiều sơ hở

Ông nhìn nhận, đánh giá gì về vụ đánh bạc quy mô lớn ở Hải Phòng vừa bị triệt phá?

Có thể nói, vụ đánh bạc ở Hải Phòng có liên quan đến tổ chức tội phạm quốc tế diễn ra tại Việt Nam cho thấy một loại hình tội phạm có tính chất mới, cũng như công tác quản lý nhà nước của chúng ta còn nhiều sơ hở, để tội phạm hoạt động. Như đối với tội phạm ma túy, vừa qua Bộ Công an đã báo cáo Quốc hội, và qua thảo luận cũng đưa ra nhận định, Việt Nam có nguy cơ trở thành địa bàn trung chuyển ma túy của các quốc gia khác.

Về việc này, phía cơ quan chức năng phòng chống tội phạm cần sớm có giải pháp để chủ động phòng ngừa. Chúng ta thực hiện mở cửa, có những chính sách thông thoáng để thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài đến đầu tư tại Việt Nam, rồi cũng mở cửa đón khách du lịch. Song điều này ảnh hưởng rất lớn đến công tác phòng chống tội phạm của chúng ta.

Sự việc xảy ra vừa qua cho thấy trách nhiệm quản lý nhà nước, nhất là trách nhiệm trong quản lý người nước ngoài hoạt động, cư trú ở Việt Nam chưa tốt. Có thể do chúng ta chú trọng đến thu hút đầu tư nước ngoài, nên có phần buông lỏng quản lý, trong đó có quản lý cư trú, đi lại của người nước ngoài.

Dù đã có quy định hạn chế người nước ngoài đi lại ở một số địa bàn, nhưng cũng chưa thực sự đảm bảo yêu cầu quản lý. Cán bộ cơ sở cũng có tâm lý ngại ngần trong việc thực thi nhiệm vụ đối với người nước ngoài. Việc này có thể do bất đồng ngôn ngữ, có thể do lo ngại ảnh hưởng đến quan hệ quốc tế.

Buông lỏng quản lý, để loại hình tội phạm này diễn ra trong một thời gian dài như vậy, rõ ràng ở đây phải xét đến trách nhiệm của chính quyền địa phương?

“Phía cơ quan chức năng phòng chống tội phạm cần sớm có giải pháp để chủ động phòng ngừa. Chúng ta thực hiện mở cửa, có những chính sách thông thoáng để thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài đến đầu tư tại Việt Nam, rồi cũng mở cửa đón khách du lịch. Song điều này ảnh hưởng rất lớn đến công tác phòng chống tội phạm của chúng ta”.

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng

Chắc chắn chính quyền địa phương và lực lượng chức năng sẽ phải có trách nhiệm về việc này. Luật đã quy định rất rõ trách nhiệm của cơ quan xuất nhập cảnh, cơ quan quản lý cư trú, rồi chính quyền địa phương. Theo thông tin báo chí phản ánh, trong gần 400 người Trung Quốc ở đó, chỉ 27 người có giấy tờ tạm trú còn giá trị, còn lại tất cả đều không có giấy tờ tạm trú theo quy định. Như vậy trách nhiệm quản lý về cư trú ở đây là có vấn đề.

Ðặc biệt lưu ý đến các loại hình nhạy cảm

Vấn đề trách nhiệm cá nhân, dù đã được quy định và luôn được đề cập đến trong nhiều trường hợp tương tự, nhưng trên thực tế việc quy trách nhiệm cụ thể lại chỉ đếm trên đầu ngón tay, thưa ông?

Đúng là trách nhiệm cá nhân lâu nay chúng ta đã nói mãi rồi, nhưng trên thực tế vẫn chưa có cách xử lý cho phù hợp. Chúng ta cứ nói nhưng lại chưa làm được. Hay như Nghị quyết của Quốc hội cũng đề cập đến trách nhiệm của người đứng đầu địa phương nếu để gia tăng 3 tiêu chí về tai nạn giao thông, nhưng rồi cũng không làm được. Chúng ta đưa ra việc xem xét trách nhiệm, nhưng lại chưa có tiêu chí cụ thể, trong trường hợp nào người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, trường hợp nào thì cấp phó phải chịu trách nhiệm?

Dù nói mãi rồi mà không có hồi kết, nhưng qua sự việc như ở Hải Phòng phải tiếp tục đề cập đến trách nhiệm, trên cơ sở đó xác định được rõ trách nhiệm liên quan, ít nhất thì cơ quan quản lý cư trú tại đó phải chịu trách nhiệm. Bộ Công an có quy định, nếu trên địa bàn nảy sinh tội phạm về ma túy thì trưởng công an cấp phường phải chịu trách nhiệm. Trong trường hợp này, nếu xét thấy việc quản lý địa bàn cơ sở không đạt yêu cầu thì cũng phải xem xét trách nhiệm.

Theo ông, chúng ta cần phải có những giải pháp căn cơ gì để bịt được những lỗ hổng trong quản lý?

Để ngăn chặn tình trạng tương tự xảy ra, trước tiên phải xem lại công tác quản lý cư trú người nước ngoài tại Việt Nam. Luật Xuất cảnh, nhập cảnh có khả thi trên thực tế không? Nhưng thực tế thì ở đây chủ yếu do khâu tổ chức thực hiện chứ không phải do quy định của luật. Nếu cứ thực hiện nghiêm, đúng theo pháp luật về cư trú thì sẽ đảm bảo.

Cũng phải nói thêm rằng, pháp luật các nước dù quy định rất chặt chẽ, nhưng tình trạng người nước ngoài trốn ở lại đều diễn ra. Tuy nhiên, để xảy ra những vụ như ở Hải Phòng, rõ ràng khâu tổ chức thực hiện luật còn lỏng lẻo. Sau này cơ quan điều tra, các cơ quan có trách nhiệm sẽ phải có tổng kết, đánh giá nguyên nhân, từ đó đưa ra giải pháp khắc phục. Rõ ràng trách nhiệm ở đây thuộc về chính quyền địa phương, đặc biệt là chính quyền cơ sở.

Sau vụ việc này, Chính phủ có thể ra chỉ thị về việc nâng cao hoạt động liên quan đến quản lý đối với người nước ngoài cư trú tại Việt Nam cũng như hoạt động của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Trong hoạt động đầu tư tại Việt Nam có rất nhiều lĩnh vực, nhưng đối với những lĩnh vực nhạy cảm, như các hoạt động vui chơi giải trí, sử dụng công nghệ thông tin thì phải có sự quản lý chặt chẽ hơn. Tất nhiên, chúng ta không đưa ra các thủ tục rườm rà, tránh tình trạng không quản được thì cấm, mà ở đây là các biện pháp nghiệp vụ thông qua quản lý mang tính chất nội bộ. Để từ đó có sự chủ động phát hiện, ngăn ngừa các loại hình tội phạm, nhất là những loại hình mang tính nhạy cảm, có nguy cơ bị lợi dụng.

Cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG