Vu nhom

TP - Chắc nhiều người nước ngoài giờ này đang tròn mồm đánh vần hai chữ “Vu nhom”. Tên kẻ bị truy nã vừa bị Singapore trục xuất và được đưa về Việt Nam ấy tiếng Anh dịch ra chắc là “Vu nhom”, chứ không lẽ “Vu AL”?!

“Uỳnh” một phát trong đêm, tang tóc bỗng chốc đổ ụp xuống làng nhôm nhựa Quan Độ (Yên Phong, Bắc Ninh). Cả làng bao năm nay buôn bán nhôm nhựa, phế liệu, sắt thép. Làng này còn nổi danh với nghề “mổ xác máy bay”! Cũng tài, máy bay đâu mà “dẫn xác” về đây lắm thế để nuôi làng năm này sang năm khác! (Lại nghe ở xứ mình có làng còn chuyên “mổ” thiết giáp nữa kia!). Hộp đựng chất phóng xạ còn mua về cưa cắt. Vớt quả bom gần 2 tấn còn nguyên kíp nổ ở dưới cầu Long Biên còn xúm xít lại xem. Thì đạn bom phế liệu là “chuyện nhỏ”.

Thế nên thương vụ nhập về làng hơn 7 tấn đầu đạn (cũ) loại 12 ly 7 và 14 ly 5 dẫn đến vụ nổ khiến nhà sập, người chết hai hôm trước chỉ là chuyện thường ngày ở làng.

Trong tiếng Việt thời hiện đại, hai chữ “nhôm nhựa” phần lớn để ám chỉ những thứ thuộc hàng thấp kém vặt vãnh. Xuất hiện thêm nghề “nhôm nhựa” với hình ảnh những người phụ nữ gánh gồng khắp nơi đổi mua chai bao, đồng nát mưu sinh. Một nghề nhọc nhằn nắng mưa, trưa sớm có lẽ đặc thù chỉ có ở xứ mình.

Thời công nghệ số, đâu đó đã thấy xuất hiện chợ đồng nát online, mua bán thu gom qua mạng. Tất nhiên dễ thấy nhất là những “làng nghề truyền thống” với nhôm nhựa, phế liệu. Nhôm nhựa, nhưng không chỉ xóa nghèo, mà còn làm giàu, người làng đua nhau xây sắm biệt thự xe sang… Đạn bom từ trong những đống phế liệu nổ uỳnh oàng liên tục xương tan thịt nát, thế mà những làng nghề vẫn duy trì và phát triển.

Nhắc đến phế liệu, chợt nhớ những đầu máy xe lửa bánh răng chạy bằng hơi nước hiệu Fuka (Thụy Sĩ) lừng danh ở Đà Lạt từ trăm năm qua. Những đầu máy, đường ray bánh răng “độc nhất vô nhị” ấy sau được bán với giá “sắt vụn” cho chính Thụy Sĩ, để họ sử dụng trên tuyến đường sắt du lịch qua đèo Furka thuộc dãy núi Alps hùng vĩ. Nay vừa nghe nói Lâm Đồng muốn có 3.900 tỷ để làm tuyến đường sắt Đà Lạt-Tháp Chàm (Ninh Thuận).

Nhưng nhôm nhựa, phế liệu đến nay đã hết thời ở các nước trên thế giới. Cũng bởi Trung Quốc cấm không cho nhập nhựa phế liệu, nên có ngôi làng như Aberporth ven biển ở xứ Wales bỗng trở nên…nổi tiếng. Được cả thế giới biết đến chỉ với danh xưng “Làng không dùng nhựa”. Để dễ hình dung, nên biết trước đó mỗi năm Trung Quốc nhập khẩu riêng từ Vương quốc Anh khoảng nửa triệu tấn nhựa để tái chế.

Thế giới giờ người ta thích AI (trí tuệ nhân tạo) hơn AL (nhôm). Nên cái nick liên quan đến “nhôm” của một ông “Vu” nào đó đã không được welcome cũng là dễ hiểu!

MỚI - NÓNG