Xây dựng chính quyền đô thị Hà Nội: Cơ hội để tinh gọn bộ máy

Bộ máy chính quyền sẽ được tinh gọn khi xây dựng mô hình chính quyền đô thị.
Bộ máy chính quyền sẽ được tinh gọn khi xây dựng mô hình chính quyền đô thị.
TP - Dự kiến, tháng 10, Hà Nội trình Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị lên Bộ Chính trị. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc thí điểm mô hình này tại Hà Nội là cần thiết nhằm giải quyết nhiều vấn đề đặt ra trong phát triển đô thị, cắt giảm chi phí hành chính…

Mỗi phường tiết kiệm ngân sách hàng trăm triệu đồng

Các đơn vị được tổ chức khảo sát trong quá trình xây dựng đề án gồm: hai quận Đống Đa, Long Biên và thị xã Sơn Tây; tại các sở Tài chính, Kế hoạch & Đầu tư, Tư pháp, Y tế, Xây dựng... Qua khảo sát ý kiến tại các phường, quận nằm trong danh sách trên, đa số ý kiến đều thống nhất về xây dựng chính quyền đô thị. Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Thế Tuấn, Chủ tịch UBND phường Ngọc Lâm (quận Long Biên), cho biết, nếu bỏ HĐND cấp phường hiện nay với 28 đại biểu, mỗi năm sẽ bớt được phần phụ cấp 130 triệu đồng. Bên cạnh đó, nếu thực hiện kiêm nhiệm các chức danh không chuyên trách ở phường, tổ dân phố cũng có thể tiết kiệm cho ngân sách hàng trăm triệu đồng.

Đồng tình với chủ trương bỏ HĐND cấp phường, một lãnh đạo phường ở quận Đống Đa, cho rằng, thực tế hiện nay, chất lượng đại biểu HĐND phường rất yếu, chủ yếu là cán bộ hưu trí nên việc giám sát cũng rất hạn chế. Tuy nhiên, khi bỏ HĐND thì thành phố cần có phương án cụ thể cho tổ chức thay thế nhiệm vụ, có thể tăng cường cho Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam cấp phường để thực hiện giám sát.

Cơ hội để tinh gọn bộ máy

Ông Đặng Vũ Nhật Thăng - Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây cho biết, ngày 29/3, Ban Tổ chức Thành ủy và Tổ soạn thảo “Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội” có buổi khảo sát tại thị xã Sơn Tây. Trong buổi làm việc, rất nhiều ý kiến được đưa ra để góp ý vào đề án. Đa số nhất trí với đề án thí điểm này,  việc xây dựng mô hình chính quyền đô thị là cần thiết, song cần lựa chọn áp dụng đối với các phường phát triển, đáp ứng đủ điều kiện. Theo lãnh đạo UBND thị xã Sơn Tây, để tinh gọn bộ máy và tiết kiệm hơn mà vẫn bảo đảm hiệu quả hoạt động của HĐND, nên giảm số đại biểu HĐND ở các cơ quan hành chính, tăng số đại biểu hoạt động chuyên trách.

Các ý kiến cũng thống nhất với việc thí điểm những đầu việc như: thực hiện Trưởng ban Dân vận Thị ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã; thành lập cơ quan giúp việc chung cho MTTQ và các đoàn thể của thị xã; Trưởng ban Tuyên giáo Thị ủy kiêm Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị thị xã; thí điểm Bí thư cấp ủy kiêm Chủ tịch UBND cùng cấp; thực hiện khoán kinh phí cho cán bộ bán chuyên trách 9 phường và 6 xã...

Tuy nhiên, có không ít băn khoăn bởi HĐND cấp phường ở một số nơi đã thể hiện là cầu nối giữa Đảng và chính quyền nhân dân. Nhất là sang nhiệm kỳ 2016-2021, HĐND cấp phường đã có thêm 2 ban Pháp chế và Kinh tế-Xã hội, bước đầu hoạt động đã góp phần giúp HĐND ban hành nghị quyết thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền. Bà Nguyễn Thanh Yên - Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND phường Trung Tự (quận Đống Đa) cho rằng, nếu xây dựng mô hình chính quyền đô thị thì đề nghị vẫn tiếp tục hoạt động của HĐND cấp phường, trong đó tăng thẩm quyền trách nhiệm cho HĐND phường (nhất là xem xét quyết định những vấn đề quan trọng như kinh tế-xã hội, ngân sách, xây dựng cơ bản); tinh gọn bộ máy hoạt động của HĐND, tăng số đại biểu chuyên trách trưởng, phó các ban của HĐND phường.

Đặc biệt, cần coi trọng tiêu chuẩn đại biểu HĐND cấp phường vì họ có điều kiện gần dân, sát dân nhất, nên cần có tinh thần trách nhiệm cao, dám nghĩ dám làm và phải có phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực công tác và nhất là trình độ chuyên môn tương xứng đáp ứng yêu cầu công việc (nhất là trưởng, phó các ban của HĐND). Đồng thời, Chủ tịch HĐND phải là Bí thư hoặc Phó Bí thư cấp ủy, bố trí Phó Chủ tịch chuyên trách HĐND phải đủ năng lực, trình độ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

“Nếu theo phương án không tổ chức HĐND cấp phường thì sẽ làm xáo trộn bộ máy quản lý nhà nước ở địa phương, mất đi vai trò kiểm soát, giám sát trong tổ chức; hoạt động của chính quyền không phát huy được quyền làm chủ của nhân dân, dễ dẫn đến tình trạng lạm quyền. Đặc biệt, sẽ làm mất đi vai trò đại diện cho ý chí nguyện vọng của nhân dân”, bà Yên nói.

Về phạm vi, nghiên cứu đề xuất mô hình hệ thống chính trị TP Hà Nội theo hướng thực hiện chính quyền đô thị và phương án thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại các quận, thị xã Sơn Tây, các phường và các cơ quan chuyên môn UBND thành phố.

Tháng 10, trình Bộ Chính trị

Theo kế hoạch xây dựng Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị thành phố Hà Nội, dự kiến tháng 10, Hà Nội trình Đề án lên Bộ Chính trị. Ban chỉ đạo Xây dựng Đề án chính quyền đô thị Thành ủy Hà Nội vừa có Kế hoạch số 03 về xây dựng Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị Thành phố Hà Nội nhằm xác định lộ trình, các bước, nội dung, tiến độ thời gian và tổ chức thực hiện các công việc khi triển khai xây dựng Đề án và trình các cấp có thẩm quyền.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.