Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị: Tinh gọn để hoạt động hiệu quả

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đã được Đảng ta xác định trong nhiệm kỳ Đại hội XII. 

Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII khẳng định việc gọn nhẹ bộ máy, tinh giản đội ngũ công chức là việc rất cấp thiết, không thể chần chừ và đã ban hành hai nghị quyết quan trọng để góp phần tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Nghị quyết số 18-NQ/TW về "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" với tinh thần chung là tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội.

Nghị quyết chỉ rõ tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giảm chi thường xuyên và góp phần cải cách chính sách tiền lương. Trong Nghị quyết số 19- NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập," Trung ương Đảng đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2021 là giảm mạnh về đầu mối, tối thiểu bình quân cả nước giảm 10% đơn vị sự nghiệp công lập; giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2015.

Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ Ban Chấp hành Trung ương đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của vấn đề này và yêu cầu trong thời gian tới, toàn hệ thống chính trị phải chủ động, tích cực vào cuộc, coi đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là một nhiệm vụ cơ bản và cấp bách, có ý nghĩa quan trọng hàng đầu, được đặt trong tổng thể nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đổi mới hệ thống chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Ngay sau hội nghị Trung ương 6 (khóa XII), vấn đề này một lần nữa lại nóng lên trên bàn nghị sự tại Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội. Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn "mổ xẻ," chỉ rõ thực trạng bộ máy các cơ quan nhà nước hiện nay rất cồng kềnh, còn nhiều tầng nấc trung gian, mô hình “bộ nhỏ trong bộ to” hay còn gọi là “siêu bộ."

Tình trạng khi thực hiện tinh giản biên chế, bộ máy hành chính không những không thu hẹp mà còn “phình” to, trong đó không ít người làm việc kiểu “sáng cắp ô đi tối cắp về” mà ngân sách nhà nước vẫn đang phải nuôi. Các đại biểu Quốc hội đánh giá việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong thời gian tới phải được tiến hành toàn diện, đồng bộ với đổi mới hệ thống chính trị, có lộ trình cụ thể, gắn với cải cách thủ tục hành chính, tinh giản biên chế, cải cách tiền lương.

Nghị quyết về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 cũng đã chỉ rõ từ năm 2018, khi thành lập mới ban chỉ đạo, tổ chức liên ngành phải xác định cụ thể thời hạn hoạt động.

Kiên quyết không thành lập mới các ban chỉ đạo, tổ chức phối hợp liên ngành làm phát sinh bộ phận chuyên trách, tăng biên chế. Từng bước thực hiện sáp nhập, điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã bảo đảm đúng tiêu chí quy định; đổi mới việc phân loại đơn vị hành chính để làm cơ sở xác định cơ cấu tổ chức bộ máy và biên chế phù hợp với quy mô và đặc thù từng loại đơn vị hành chính. Rà soát tiêu chí và sắp xếp lại thôn, tổ dân phố nhằm giảm đầu mối, giảm số người hoạt động không chuyên trách, tăng cường hiệu quả hoạt động. Thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, bảo đảm đến năm 2021 giảm được 10% so với biên chế giao năm 2015...

Quyết tâm rõ nhất của Đảng thể hiện qua hành động thực tế là đi tiên phong khi quyết định giải thể 3 Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ cũng như mạnh dạn tổ chức lại Đảng bộ Ngoài nước và Đảng bộ Bộ Ngoại giao.

Tinh gọn để nâng hiệu quả hoạt động của bộ máy, Ban Tổ chức Trung ương, một cơ quan tham mưu của Đảng về công tác cán bộ đã đi tiên phong trong 14 bộ, ngành Trung ương và 22 địa phương thực hiện chủ trương thí điểm thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, mở đầu cho việc đổi mới trong tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ nói riêng và trong công tác cán bộ nói chung. Hướng ứng chủ trương của Đảng, một số địa phương, đơn vị như Sơn La, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tòa án Nhân dân Tối cao... đã tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý các cấp, bước đầu đạt kết quả tốt, góp phần khắc phục tình trạng cục bộ, khép kín, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh để tuyển chọn được những cán bộ đủ tầm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác.

Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn và hành động quyết liệt, nhiều địa phương như Quảng Ninh, Thanh Hóa, Bắc Kạn, Bắc Ninh, Phú Thọ, Hà Giang, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Quảng Trị, Đắk Nông... đã triển khai các nội dung về đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy và tinh giản biên chế một cách có hiệu quả.

Đơn cử như Vĩnh Phúc, thực hiện Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tỉnh đã giảm được 3 đơn vụ thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh, giảm nhiều phòng, ban, tinh giản 141 biên chế.

Quảng Ninh thực hiện thí điểm có hiệu quả mô hình cơ quan tham mưu giúp việc dùng chung của khối Mặt trận và đoàn thể tại 13/14 huyện hay Thanh Hóa thực hiện hợp nhất, sáp nhập tinh giản 20% số thôn, tổ dân phố (giảm 1.300 thôn, tổ dân phố), tích cực thực hiện xã hội hóa giáo dục mầm non, sắp xếp các trường trung học phổ thông.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) thể hiện quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn của Đảng trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Cùng với những nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gần đây, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Nghị quyết tạo ra bước đột phá mới trong việc sắp xếp tinh giản, nâng cao chất lượng hiệu quả tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Theo Theo VietNamPlus
MỚI - NÓNG