Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga:

'Xử lý hình sự hành vi làm giàu bất chính thường gặp khó khăn'

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga
TPO - Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga, việc xử lý hình sự hành vi làm giàu bất chính thường gặp khó khăn trong chứng minh tội phạm, trình tự, thủ tục kéo dài qua nhiều cấp xét xử, dẫn đến hiệu quả thu hồi tài sản không cao.

Sáng 10/9, tại phiên họp thứ 27, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đã báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về các phương án xử lý tài sản, thu nhập không giải trình được hợp lý về nguồn gốc (Điều 57) trong dự thảo Luật PCTN sửa đổi.

Trong đó, nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị thu hồi tài sản, thu nhập mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thông qua thủ tục xem xét, giải quyết tại Tòa án (Phương án 1 của dự thảo Luật).

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến ĐBQH tán thành với phương án tạm coi tài sản, thu nhập mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc là thu nhập chưa nộp thuế và Nhà nước sẽ tiến hành thu thuế thu nhập cá nhân (Phương án 2 của dự thảo Luật).

Ngoài ra, có ý kiến ĐBQH đề nghị một số phương án khác như: Xử phạt hành chính ở mức cao đối với hành vi không giải trình được hợp lý nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm; giữ quy định Luật PCTN hiện hành; hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính…

Đối với các phương án khác theo ý kiến của ĐBQH, theo bà Nga, xử lý bằng biện pháp phạt hành chính ở mức cao với hành vi không giải trình được hợp lý về nguồn gốc tài sản, thu nhập. Phương án này mới chỉ xử lý được hành vi vi phạm mà chưa xử lý trực tiếp được tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc.

Đồng thời, hành vi vi phạm nghĩa vụ trung thực và minh bạch về tài sản, thu nhập là hành vi vi phạm quy định về nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức phải bị xử lý kỷ luật. Do đó, dự thảo Luật quy định một hành vi vi phạm trong thực hiện công vụ đã bị xử lý kỷ luật sau đó lại bị xử lý hành chính là không hợp lý.

Mặt khác, việc quy định mức xử phạt 45% giá trị của tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc cũng không phù hợp với mức xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật hiện hành và theo phương án này thì vẫn phải sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính mới áp dụng được.

Về xử lý hình sự thông qua việc hình sự hóa tội làm giàu bất chính: Việc xử lý hình sự hành vi làm giàu bất chính thường gặp khó khăn trong chứng minh tội phạm, trình tự, thủ tục kéo dài qua nhiều cấp xét xử, dẫn đến hiệu quả thu hồi tài sản không cao. Đồng thời, do đây là lần đầu tiên chúng ta đặt vấn đề xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc, do đó chưa nên đặt vấn đề hình sự hóa hành vi này. Ngoài ra, khi tham gia Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng, Việt Nam tuyên bố không bị ràng buộc bởi các quy định về hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính.

Hiện nay, chỉ xử lý kỷ luật hành vi giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm không trung thực. Đối với tài sản này sẽ bị xử lý, tịch thu sung quỹ Nhà nước nếu cơ quan nhà nước chứng minh được tài sản đó do tham nhũng, phạm tội mà có theo quy định của pháp luật hiện hành.

“Phương án này tuy chặt chẽ về mặt pháp lý, không gây ra oan sai, nhưng lại chưa xử lý được tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc, nên chưa đáp ứng được yêu cầu trong đấu tranh PCTN”, bà Nga cho hay.

Giải quyết tại tòa - ưu điểm vượt trội

Sau khi cân nhắc kỹ các ưu điểm, nhược điểm của từng phương án, Uỷ ban Tư pháp và cơ quan trình dự án đề nghị lựa chọn phương án 1 (xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc qua thủ tục xem xét, giải quyết tại Tòa án) vì đây là phương án có nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với các phương án khác.

Do còn nhiều ý kiến khác nhau, Uỷ ban Tư pháp và Cơ quan trình xin ý kiến 2 phương án:

Phương án 1: Việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc sẽ do Tòa án xem xét, quyết định.

 Trong trường hợp kết luận tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành Kết luận xác minh, Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập phải chuyển Kết luận xác minh và các tài liệu có liên quan đến Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu xem xét, quyết định về tính hợp lý của việc giải trình và xử lý đối với tài sản, thu nhập này.

Tòa án xem xét, quyết định về tính hợp lý của việc giải trình và ra một trong các quyết định sau đây:

Bác yêu cầu của Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập trong trường hợp người có nghĩa vụ kê khai giải trình được hợp lý về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm;

Thu hồi tài sản, thu nhập trong trường hợp người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục Tòa án xem xét, quyết định thu hồi tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc và việc thi hành quyết định của Tòa án.

Phương án 2:  Trường hợp kết luận có tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc và cơ quan có thẩm quyền cũng không chứng minh được tài sản, thu nhập này do vi phạm pháp luật mà có thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành Kết luận xác minh, Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có trách nhiệm chuyển vụ việc sang cơ quan quản lý thuế có thẩm quyền yêu cầu thu thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế.

Người có nghĩa vụ kê khai phải nộp thuế theo quy định tại khoản 1 Điều này có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện quyết định của cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật.

Việc thu thuế quy định tại khoản 1 Điều này không loại trừ việc xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự và tịch thu tài sản đối với người có nghĩa vụ kê khai, nếu các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, vụ việc hành chính mà chứng minh được tài sản, thu nhập này do vi phạm pháp luật mà có”.    

MỚI - NÓNG