Chuyên gia lý giải việc VinFast lọt top xe bán chạy giữa mùa dịch

Chuyên gia lý giải việc VinFast lọt top xe bán chạy giữa mùa dịch
Theo các chuyên gia, việc hãng xe Việt giành vị trí cao trong danh sách xe bán chạy quý đầu năm 2020 cũng giống như bài học thành công từ phòng chống Covid-19 của Việt Nam: xác định mục tiêu ưu tiên, tập trung toàn bộ nguồn lực và chấp nhận hi sinh một số lợi ích trước mắt để quyết tâm đạt kết quả tốt nhất.

Thành quả “vượt xa tưởng tượng”

Theo số liệu đăng kiểm vừa được tiết lộ về thị phần ô tô quý I/2020, VinFast đã có màn “bứt tốc” ngoạn mục khi vươn lên vị trí thứ 8 chỉ sau 9 tháng ra mắt xe thương mại, với vỏn vẹn 3 mẫu xe.

Cụ thể, thương hiệu ô tô Việt đạt thị phần 7,21%, tăng gần gấp đôi so với mức 4% của 6 tháng cuối năm 2019. Đáng chú ý, 2 mẫu VinFast Lux đều bán chạy nhất trong phân khúc xe sang, còn dòng Fadil tăng trưởng mạnh - đứng thứ 2 trong phân khúc cỡ A. Xét toàn thị trường bao gồm cả xe sang và xe phổ thông, dòng Lux A2.0 đang đứng thứ 2 phân khúc D, trong khi mẫu Lux SA2.0 đứng thứ 4 của phân khúc SUV Mid-size, được xem là chủ lực cạnh tranh của các hãng.

Là người theo sát sự phát triển của VinFast, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng đây là kết quả vượt xa tưởng tượng của bà, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh cực kỳ khốc liệt sau khi Việt Nam mở cửa nền kinh tế gần như hoàn toàn theo các cam kết hội nhập, thuế nhập khẩu nhiều dòng ô tô đã về 0.

“Từ kinh nghiệm quốc tế, tôi từng nghĩ phải mất 5-7 năm VinFast mới có được thị phần tương đối. Vì thế, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 làm đứt chuỗi cung ứng toàn cầu, nhiều hãng lớn còn không trụ được, kết quả VinFast đạt được là hết sức ấn tượng”, nguyên thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng đánh giá.  

Nữ chuyên gia kinh tế kỳ cựu phân tích thêm, thị trường ô tô Việt Nam như miếng bánh từ lâu đã bị chia sẻ bởi những đại gia nước ngoài, gần như không còn chỗ cho người Việt. Một số doanh nghiệp ô tô trong nước tìm được lối đi và thành công, nhưng sản phẩm làm ra vẫn chỉ là xe lắp ráp mang thương hiệu ngoại.

Chia sẻ quan điểm, TS. Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông cho rằng thị trường ô tô và các sản phẩm công nghệ cao của Việt Nam vốn bị coi là “cửa tử” của doanh nghiệp Việt, bởi các “ông lớn” nước ngoài đã cát cứ từ lâu. Bên cạnh đó, niềm tin của xã hội chưa nhiều. Thậm chí, tâm lý sính ngoại, tự hào khi dùng hàng ngoại còn bóp nghẹt hàng loạt thương hiệu Việt ngay trong trứng nước.  

“Nói như thế để thấy kết quả mà VinFast đạt được là rất bất ngờ, giúp củng cố thêm niềm tin vào một tập đoàn công nghiệp, công nghệ hàng đầu Việt Nam có khả năng vươn ra thế giới trong tương lai”, TS. Mai Liêm Trực chia sẻ.

Chuyên gia lý giải việc VinFast lọt top xe bán chạy giữa mùa dịch ảnh 1
 

Triết lý kinh doanh của “ông lớn”

Giải mã thành công của VinFast, chuyên gia Phạm Chi Lan cho rằng chìa khóa trước tiên nằm ở tầm nhìn và triết lý kinh doanh khác biệt của một “ông lớn”.

“Bài học từ phòng chống Covid-19 cho thấy, nếu xác định được mục tiêu ưu tiên và tập trung toàn bộ nguồn lực cho mục tiêu đó, làm quyết liệt thì tuy phải hy sinh một số lợi ích trước mắt nhưng nhất định sẽ thắng, dù là ở quy mô cả nền kinh tế hay doanh nghiệp cụ thể”, vị chuyên gia kinh tế nổi tiếng phân tích. “Vingroup chọn đúng hướng đi là VinFast và làm với quyết tâm rất lớn nên đã thành công.” 

Từ góc nhìn chuyên sâu về xu hướng phát triển của thị trường công nghệ 2 thập niên gần đây, TS. Mai Liêm Trực khẳng định ngoài khát vọng lớn và tầm nhìn xa thì cách làm sẽ đóng vai trò quyết định. Nếu không có cách làm khác biệt, sáng tạo, mở lối đi mới thì không doanh nghiệp nào có thể sinh tồn được trước các ông lớn đã “sống khỏe” hàng trăm năm.

“Trong kinh doanh, sự khác biệt là yếu tố sống còn làm nên thành công và đưa doanh nghiệp vượt lên hàng top”, TS. Mai Liêm Trực nói. “Đẳng cấp còn thể hiện ở tư duy đã làm phải làm lớn, làm dài hơi, không cò con hay tính lợi trước mắt.”

Điều này cũng phù hợp với thông điệp mà Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng đưa ra mới đây trong Báo cáo thường niên 2019. Theo ông, Vingroup “phải nỗ lực vượt bậc, liên tục vượt qua chính bản thân mình, phải đầu tư mạnh mẽ, chấp nhận thua thiệt trong giai đoạn đầu, phải hết sức quyết liệt và sáng tạo”.

Chuyên gia Phạm Chi Lan nhận thấy rất rõ triết lý này trong cách làm của VinFast.

“Doanh nghiệp nào cũng có khát vọng nhưng để làm lớn, làm tới nơi tới chốn thì phải có nguồn lực rất mạnh. Dấn thân vào lĩnh vực như ô tô là xác định phải chịu lỗ ít nhất là 5-7 năm, mà lỗ nhiều chứ không phải ít, nhất là khi VinFast ngay từ đầu đã xác định không hy sinh chất lượng để làm xe giá rẻ”, chuyên gia Phạm Chi Lan lý giải.

Trong khi đó, TS Trần Đình Thiên cho biết ông ấn tượng với “thái độ rất nghiêm túc với khách hàng” của hãng xe Việt, khi hãng tập trung hoàn thiện mạng lưới bán hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ thay vì ồn ào, màu mè, đặc biệt là đưa ra các chính sách bán hàng hấp dẫn chưa từng có trên thị trường ô tô.

“Khách hàng mua xe VinFast không chỉ đơn thuần là vì niềm tự hào hàng Việt mà còn vì niềm tin ngày càng tăng với các sản phẩm của Vingroup. Với độ an toàn cao cùng chiến lược bán hàng độc đáo, xe VinFast có tính chinh phục mạnh với khách hàng”, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu lao đao vì dịch bệnh Covid-19, tín hiệu tích cực từ những thương hiệu như VinFast hay Vsmart (sản phẩm điện thoại thông minh Việt Nam vừa lập kì tích giành vị trí Top 3 với thị phần cao “không tưởng” 16,7%) là nguồn cảm hứng và động lực cho các doanh nghiệp Việt vượt qua giai đoạn khó khăn. Đặc biệt, khi đại dịch đã khiến gần 35.000 công ty trong nước phải rút khỏi thị trường, vai trò dẫn dắt của những doanh nghiệp Việt đủ mạnh càng trở nên quan trọng.

“Ở khâu cuối cùng của chuỗi cung ứng, Việt Nam cần phải có doanh nghiệp dẫn dắt đủ lực như VinFast, làm trụ cột để các doanh nghiệp khác dựa vào và chấm dứt tình trạng lệ thuộc vào nước ngoài. Trong khó khăn, một doanh nghiệp Việt mạnh có thể cứu được cả chuỗi”, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên kết luận.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.