Nhiều vấn đề được làm rõ tại tọa đàm Đèn nhận diện ban ngày trên xe máy

Nhiều vấn đề được làm rõ tại tọa đàm Đèn nhận diện ban ngày trên xe máy
TPO - Tại tọa đàm "Đèn nhận diện ban ngày trên xe máy" do Báo Tiền Phong tổ chức, các khái niệm, quy ước quốc tế, kinh nghiệm áp dụng tại các nước trên thế giới, phản biện ý kiến trái chiều và ý kiến đóng góp từ các đại diện bộ, ban nghành đều được thông tin rõ ràng đề độc giả, người dân hiểu rõ.

Từ ngày 21/4 đến 21/6/2020, Bộ GTVT đã triển khai việc lấy ý kiến cho dự thảo Luật giao thông đường bộ sửa đổi, trong đó có quy định đang gây nhiều ý kiến trái chiều là việc xe mô tô, xe gắn máy phải có đèn tín hiệu nhận diện ban ngày khi tham gia giao thông.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Báo Tiền Phong tổ chức buổi Tọa đàm: “Đèn nhận diện ban ngày trên xe máy” với mục đích cung cấp cái nhìn đa chiều về vấn đề thông qua ý kiến của chuyên gia, đại diện các cơ quan ban ngành hữu quan.

Tọa đàm có sự tham gia của các khách mời:

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia.

- Ông Trần Hữu Minh – Phó Chánh Văn phòng UBATGTQG.

- ông Đặng Trần Khanh – Phó Phòng kiểm định xe cơ giới (VAR)

- Ông Nguyễn Văn Thạch – Vụ trưởng Vụ ATGT – Bộ GTVT

- Thiếu tướng Lê Xuân Đức – Phó Cục trưởng Cục CSGT

- Lãnh đạo Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM)

- Các chuyên gia: Vũ Anh Tuấn – Đại học Việt Đức (TP.HCM); Lý Hùng Anh (ĐH Bách Khoa – ĐH QG TPHCM).

Mở đầu buổi tọa đàm, nhà báo Vũ Tiến – Phó Tổng Biên tập Báo Tiền Phong đã có những nhận xét về việc sử dụng xe máy ở Việt Nam.

Xe máy hiện là phương tiện di chuyển chính của phần lớn người dân Việt Nam. Liên quan đến An toàn giao thông, đã có nhiều quy định với người điều khiển xe máy như bắt buộc đội mũ bảo hiểm, xử lý nghiêm các hành vi sử dụng rượu, bia khi lái xe, chạy quá tốc độ, lạng lách, đánh võng hay đi vào đường cấm, đường một chiều…

Mặc dù vậy, tình hình tai nạn giao thông liên quan đến xe máy, xe mô tô, xe máy điện, xe đạp điện vẫn còn diễn biến phức tạp. Trong nỗ lực giảm thiểu tai nạn giao thông, mới đây, dự thảo Luật giao thông đường bộ sửa đổi quy định xe mô tô, xe máy phải có đèn tín hiệu nhận diện ban ngày khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, đề xuất này hiện nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều như gây chói mắt, nóng nực, khó chịu cho người đi đường; thành “rừng đèn giữa phố” gây ô nhiễm ánh sáng, ảnh hưởng tuổi thọ bình ắc-quy, hệ thống điện và nhiều vấn đề cần được làm sáng tỏ.

Nhiều vấn đề được làm rõ tại tọa đàm Đèn nhận diện ban ngày trên xe máy ảnh 1 Ông Vũ Tiến - Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong - trao hoa cho các đại diện cơ quan.

- Phần Phương tiện của Dự thảo Luật giao thông đường bộ sửa đổi có quy định Xe mô tô, xe gắn máy phải có đèn tín hiệu nhận diện khi tham gia giao thông. Vậy đó là loại đèn gì, đặc tính kỹ thuật, chức năng hoạt động ra sao?

Chuyên gia Sugiyama Motoyuki (Nhật Bản, Hiệp hội các Nhà sản xuất Xe máy-VAMM): Thông tin về quy định đèn tín hiệu nhận diện trên xe máy, chuyên gia VAMM cho biết đèn chiếu sáng phía trước giúp nhận diện vật thể phía trước và người lái dễ điều khiển, và đã được quy định trong các văn bản ở Việt Nam. Gần đây, có thêm đèn nhận diện ban ngày DRL – giúp xe dễ nhận diện trong ban ngày.

Việt Nam vẫn chưa có quy định rõ ràng về đèn DRL nhưng có nằm trong quy định số 53 và 87 của Liên Hợp Quốc (LHQ).

Nhiều vấn đề được làm rõ tại tọa đàm Đèn nhận diện ban ngày trên xe máy ảnh 2 Chuyên gia VAMM chia sẻ về đèn nhận diện ban ngày.

Theo quy định số 53 của LHQ: "Đèn nhận diện ban ngày là đèn được lắp phía trước của phương tiện để giúp phương tiện được dễ dàng nhận ra khi lái xe vào ban ngày. Đèn nhận diện ban ngày có thể bao gồm: Đèn chiếu sáng phía trước tự động bật khi động cơ hoạt động (AHO) hoặc đèn chạy ban ngày (DRL)"

- Đèn AHO: Là đèn chiếu sáng phía trước, luôn sáng khi động cơ hoạt động. Đặc tính kỹ thuật của đèn AHO hoàn toàn tương đồng với đèn chiếu sáng phía trước thông thường.

- Theo quy định số 53 và 87 của liên hợp quốc, Đèn DRL (Đèn chạy xe ban ngày): Là một loại đèn được lắp phía trước của xe giúp xe được dễ dàng nhận ra trong điều kiện ban ngày. Cũng theo quy định số 87 của Liên hợp quốc, Cường độ sáng của đèn này phải nhỏ hơn đèn chiếu sáng phía trước và nằm trong giới hạn 400-1200 cd. Đèn DRL được bật sáng khi động cơ hoạt động, và tự động tắt khi đèn chiếu sáng phía trước mở.

- Chúng ta đã có cái nhìn khá rõ ràng về các loại đèn tín hiệu nhận diện ban ngày trên xe máy. Tuy nhiên, với đề xuất bật đèn tín hiệu nhận diện ban ngày, xin hỏi Bộ GTVT dựa trên cơ sở khoa học, thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế nào?

Ông Đặng Trần Khanh – Phó Phòng kiểm định xe cơ giới (VAR): Chúng tôi ủng hộ giải pháp đảm bảo an toàn GTĐB. Khi đưa ra Dự thảo Luật giao thông đường bộ, chúng tôi đã góp ý để hoàn thiện.

Nhiều nước có điều kiện tương tự như Việt Nam đã trang bị đèn nhận diện ban ngày. Bản thân các đèn chiếu sáng đã có quy chuẩn nhưng đèn nhận diện ban ngày chưa quy định rõ ở Việt Nam.

Theo khảo sát, xe máy và mô tô có trang bị đèn nhận diện sẽ giúp người lái điều khiển dễ hơn. Trong khi phía sau có tấm phản quang để giúp phát hiện thì phía trước cũng cần đèn nhận diện.

Nhiều vấn đề được làm rõ tại tọa đàm Đèn nhận diện ban ngày trên xe máy ảnh 3 Ông Đặng Trần Khanh – Phó Phòng kiểm định xe cơ giới (VAR)

Ông Nguyễn Văn Thạch – Vụ trưởng Vụ ATGT – Bộ GTVT: Về cơ sở pháp lý, tháng 8/2014, Việt Nam gia nhập công ước Viên 1968, xe máy trong suốt thời gian tham gia giao thông phải bật 1 đèn phía trước và 1 đèn đỏ phía sau. Trong đó, có thể bật đèn nhận diện ban ngày thay thế đèn chiếu gần.

Mỹ và châu Âu đã áp dụng các quy định này hơn 30 năm. Các nước trong khu vực đã áp dụng từ những năm 90. Nhiều tài liệu cho thấy áp dụng đèn nhận diện ban ngày giúp giảm 5%, có nước lên tới 30%.

Tôi kỳ vọng Việt Nam có thể giảm được 10% số lượng tai nạn giao thông nếu áp dụng bật đèn nhận diện ban ngày trên xe máy. Các số liệu từ quốc gia khác cho thấy Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để áp dụng.

Nhiều vấn đề được làm rõ tại tọa đàm Đèn nhận diện ban ngày trên xe máy ảnh 4 Ông Nguyễn Văn Thạch – Vụ trưởng Vụ ATGT – Bộ GTVT

- Công ước Viên 1968 về GTĐB, Việt Nam là thành viên quy định như thế nào về việc bật đèn xe máy ban ngày?

Là thành viên của Công ước Viên 1968 về Giao thông Đường bộ, Việt Nam cũng cần tuân thủ các quy định về bật đèn xe máy ban ngày.

Theo chuyên gia Lý Hùng Anh, ở Đông Nam Á, các nước có điều kiện thời tiết và tình trạng giao thông xe máy tương tự Việt Nam, đèn nhận diện ban ngày (DRLs) đã được chính phủ đưa vào luật áp dụng, cụ thể là Malaysia (1992), Thái Lan (2003), Indonesia (2009). Ngoài ra, các nước khác trên thế giới cũng đã được triển khai từ lâu như Nhật Bản, Đài Loan, Ấn Độ, Iran, Mỹ, Úc…

Cụ thể trường hợp Malaysia áp dụng năm 1992, theo nghiên cứu của Radin Umar (1996) thì có xấp xỉ 80% người điều khiển xe máy tuân thủ và kết quả khả quan đạt được ngay trong năm đó, giảm tới 22% tai nạn xe máy liên quan đến vấn đề nhận diện. Đến năm 2013, họ khuyến cáo đèn xe máy nên được bật cùng với khi khởi động.

Trong khi đó, chuyên gia Vũ Anh Tuấn cũng có nhận định tương tự. Đồng thời bổ sung rằng chính phủ Trung Quốc cũng đã nghiên cứu đầy đủ về đề án này để đề xuất triển khai trong thời gian sắp tới. Ở Đông Nam Á, Malaysia, Thái Lan và Indonesia là các quốc gia có điều kiện giao thông khá tương đồng với Việt Nam đã quy định phương tiện xe máy phải bật đèn nhận diện ban ngày khi lưu thông trên đường.

Quy định này đã mang lại hiệu quả trong việc cắt giảm tỉ lệ các vụ TNGT xảy ra vào ban ngày liên quan đến xe mô tô, xe gắn máy. Cần lưu ý rằng, trong trường hợp của Indonesia việc áp dụng thiết kế đèn chiếu sáng phía trước tự động (AHO) trên phương tiện xe máy là chủ trương từ các nhà sản xuất phương tiện chứ không phải từ chính phủ. Theo Luật giao thông đường bộ số 22 năm 2009 của nước này, người điều khiển phương tiện giao thông phải bật đèn chiếu sáng phía trước trong thời gian cả ngày và đêm. Nhận thấy người điều khiển phương tiện có khả năng quên bật đèn nên Hiệp hội các nhà sản xuất xe mô tô Indonesia (AISI) đã nộp thư xin tự nguyện áp dụng thiết kế bố trí đèn AHO trên xe mô tô từ năm 2011.

Nhiều vấn đề được làm rõ tại tọa đàm Đèn nhận diện ban ngày trên xe máy ảnh 5 Chuyên gia Vũ Anh Tuấn – Đại học Việt Đức (TP.HCM)

- Việc quy định bật đèn chiếu sáng ban ngày trên xe máy giúp giảm tai nạn giao thông ra sao? Có số liệu thống kê cụ thể nào?

Chuyên gia Lý Hùng Anh: Đèn DRLs giúp nâng cao sự hiện diện của mô tô, xe máy.

Đèn chiếu sáng ban ngày (Daytime running lights – DRLs) là loại đèn chiếu hướng về phía trước với ánh sáng trắng hoặc vàng. Mục đích là để nâng cao khả năng hiện diện của phương tiện giao thông vào ban ngày, nó giúp tăng cơ hội cho người tham gia giao thông khác thấy được sự tiếp cận của phương tiện được trang bị (6). Có 4 loại DRLs chính được sử dụng:

-    Đèn chiếu sáng thấp, khởi động cùng lúc với xe.

-    Đèn chùm sáng mờ - loại đèn chiếu sáng cao nhưng được điều chỉnh điện áp để cường độ sáng không quá chói.

-    Đèn chuyên dụng với hoa văn chùng sáng và cường độ sáng được xác định trước.

-    Đèn xi nhan với cường độ tín hiệu vàng. Chúng sẽ được chiếu sáng liên tục cho đến khi chuyển tín hiệu rẽ thì chúng sẽ chớp tắt.

DRLs thường được khởi động cùng động cơ cho đến khi nhận được tín hiệu chuyển đổi sang loại đèn dùng để chiếu sáng.

Với DRLs, sự hiện diện của xe máy trở nên rõ ràng hơn. Đã có rất nhiều nghiên cứu cho xe máy trang bị DRLs và không trang bị, chúng chỉ ra rằng sự khác biệt nằm ở việc xe máy được người tham gia giao thông khác nhìn thấy và phản ứng kịp thời.

Nghiên cứu của Donne chỉ ra sự hiện diện của xe máy có thể được tăng từ 53.6% đến 64.4% khi được trang bị DRLs (loại đèn 40w, 180 mm diameter). Các thông số kỹ thuật cho DRLs được đánh giá và nhận định rằng hai đèn (loại có đường kính hơn 180 mm) có tác động mạnh hơn so với đèn đơn hoặc loại có kích thước nhỏ hơn.

Williams and Hoffmann đã thực hiện thí nghiệm trong điều kiện cả ngày và đêm. Kết luận đưa ra là DRLs giúp tăng sự hiện diện của phương tiện trang bị nó bởi vì DRLs làm nổi lên sự khác biệt rõ ràng giữa xe máy và không gian xung quanh hay nói cách khách là làm tăng tính tương phản.
Hiểu quả của DRLs được đánh giá bởi việc kiểm tra thời gian phát hiện ra phương tiện trang bị DRLs trong thực tế. Kết quả chỉ ra rằng việc phát hiện ra xe máy bởi người điều khiển các phương tiện khác được tăng lên đáng kể khi DRLs hoạt động trong suốt cả ngày. Khi DRLs không hoạt động các rủi ro tiềm tàng trong va chạm với xe máy trở nên cao hơn. Kết quả thu được từ nước Anh cho thấy khả năng bị phát hiện của xe máy tăng lên khi dùng DRLs.

Nghiên cứu của Jenness về việc đánh giá thu thập thời gian nhận biết sự hiện diện của xe máy đang đến của các phương tiện rẽ qua đường hay từ các ngã đi vào đường xe máy chỉ ra rằng trang bị DRLs cho xe máy giúp người điều khiển các phương tiện khác nhận ra sự hiện diện của xe máy mặc dù bị khuất tầm nhìn trong khoảng thời gian an toàn.

Nguy cơ tai nạn xe máy thường nằm ở việc thiếu sự hiện diện của chính xe máy. Do đó, việc nâng cao giao tiếp qua sự hiện diện, tăng khả năng thông báo giữ người điều khiển xe máy và người điều khiển các phương tiện giao thông khác bao gồm xe máy là rất quan trọng. DRLs sẽ giúp tăng sự tương phản, nâng cao khả năng nhận biết. Với chi phí và cách tiếp cận đơn giản, DRLs mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc giảm thiểu tai nạn xe máy. Với tác động tích cực của mình, DRLs đã được áp dụng rộng rãi trên thế giới như Mỹ, Châu Âu và cả Đông Nam Á như Malaysia, Singapre, Thái Lan và Indonesia. DRL không chỉ về giảm thiểu tai nạn xe máy mà còn là tăng thời gian phản ứng của người tham gia giao thông.

Nghiên cứu của Trường ĐH Southern California từ dữ liệu DRLs ở xe máy trong các vụ tai nạn đa phương tiện từ năm 1976 đến 1977 chỉ ra 50% tỉ lệ tai nạn được giảm khi đèn chiếu sáng ban ngày hoạt động, đây là một lợi ích to lớn của đèn chiếu sáng, cụ thể hơn khi DRLs hoạt động tai nạn xe máy được giảm vào ban ngày.

Việc phân tích thông tin giao thông được cung cấp bởi New South Wales (NSW), Sở cảnh sát Australia được thực hiện bởi Vaughan và cộng sự. Khảo sát ngẫu nhiên những người điều khiển xe máy, đây là nhóm những người đã từng một lần liên quan đến các vụ tai nạn xe máy. Nguy cơ tai nạn xe máy cao hơn 3 lần khi DRLs không được hoạt động. DRLs dường như là cách tiếp cận hiệu quả để giảm tỉ lệ tai nạn bằng việc nâng cao khả năng bị nhận diện ở xe máy trong khi tham gia giao thông.

Một trong nhưng khu vực có số lượng xe máy khổng lồ là Đông Nam Á, nơi mà tỉ lệ tai nạn xe máy rất lớn. Các nghiên cứu chỉ ra rằng DRLs mang lại ảnh hưởng tích cực đến vấn đề tai nạn giao thông ở một số nước Đông Nam Á khi nó được áp dụng. Malaysia đưa DRLs vào giao thông kể từ năm 1992 và theo nghiên cứu của Radin Umar thì có xấp xỉ 80% người điều khiển xe máy tuân thủ. Kết quả là 22% các vụ tai nạn liên quan đến vấn đề nhận diện ở xe máy được giảm. Mặc dù đây là con số tích cực do DRLs mang lại nhưng điều này cũng cho thấy vấn đề về tai nạn xe máy liên quan đến khả năng nhận diện là rất lớn.

Ngoài những vấn đề khác liên quan đến tầm nhìn thì thời tiết cũng là một yếu tố được quan tâm, trong khi điều kiện thời tiết ở nước nhiệt đới như Malaysia khác với các nước ôn đới ở Châu Âu hay Mỹ thì DRLs vẫn được cho là phương pháp tăng khả năng nhận diện và giảm tai nạn hiệu quả. DRLs không chỉ đóng vai trò quan trọng giúp các phương tiện tham gia giao thông khác nhận thấy sự hiện diện của xe máy trong điều kiện thời tiết sương mù mà còn trong cả điều kiện thời tiết như mưa và bụi. Hơn hết, các nghiên cứu được phân tích trên được thực hiện trong điều kiện thời tiết bình thường và thậm chí tại Malaysia, một nước nhiệt đới tương tự Việt Nam, thì DRLs đã được xác nhận giúp nâng cao sự nhận diện mô tô, xe máy từ đó góp phần làm giảm tai nạn giao thông.

Nhiều vấn đề được làm rõ tại tọa đàm Đèn nhận diện ban ngày trên xe máy ảnh 6 Chuyên gia Lý Hùng Anh - đại học Bách Khoa – đại học Quốc gia TPHCM)

Chuyên gia Vũ Anh Tuấn: Có khá nhiều các nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh hiệu quả của đèn nhận diện ban ngày cho xe máy trong cắt giảm các vụ TNGT.

Luật bắt buộc xe mô tô, xe gắn máy trang bị đèn nhận diện ban ngày vào năm 1978 ở bang California, Mỹ đã cắt giảm được 20% đến 25% các vụ TNGT xảy ra vào ban ngày liên quan đến xe mô tô, xe gắn máy.

Ở Australia, tỉ lệ các vụ TNGT liên quan đến xe máy vào ban ngày giảm 16% sau khi luật bắt buộc xe mô tô, xe gắn máy trang bị đèn nhận diện ban ngày vào năm 1982.

Ở các nước Châu Âu, thống kê cho thấy hiệu quả của đèn nhận diện ban ngày có thể cắt giảm được gần 7% các vụ tai nạn thương vong liên quan đến người đi xe mô tô, xe gắn máy.
Ở Malaysia, luật bắt buộc sử dụng đèn chạy xe ban ngày (DRL) đối với xe máy được ban hành vào năm 1992, sau hai tháng luật ban hành đã cắt giảm được 29% các vụ TNGT liên quan đến xe máy vào ban ngày. Từ năm 2012, Malaysia đã đưa ra quy định mới cho phép nhà sản xuất có thể lựa chọn đèn nhận diện ban ngày cho xe máy (DRL hoặc AHO).

Ở Thái Lan, năm 2003 chính phủ đã đưa ra quy định xe máy phải sử dụng đèn nhận diện ban ngày (loại đèn chiếu sáng phía trước tự động AHO) khi lưu thông, đã góp phần cắt giảm tới 20% số vụ TNGT liên quan tới xe máy.

Ở Việt Nam, xe máy liên đới tới 70% tổng số các vụ TNGT. Do đó, việc trang bị đèn nhận diện ban ngày cho xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện và xe đạp điện ở nước ta là rất cần thiết nhằm hỗ trợ cắt giảm số vụ TNGT và tỷ lệ thương vong.

- Kết quả giảm thiểu tai nạn giao thông do áp dụng quy định bật đèn tín hiệu nhận diện ban ngày trên xe máy tại nhiều nước trên thế giới là khá ấn tượng, tuy nhiên, tại Việt Nam, Nhiều lo ngại như gây chói mắt, khó khăn cho người điều khiển phương tiện đối diện, gây nóng bức, khó chịu cho người tham gia giao thông hay thành rừng đèn giữa phố có thể gây ô nhiễm ánh sáng. Chuyên gia bình luận thế nào về những ý kiến này?

Chuyên gia Lý Hùng Anh: Theo quan điểm của riêng tôi, việc chói mắt hay không, thì không phải do chức năng của đèn nhận diện ban ngày mà chính do ý thức của người sử dụng khi sử dụng hệ thống đèn chiếu sáng có sẵn hiện tại. Còn nếu là hệ thống đèn nhận dạng được nhà sản xuất tích hợp sẵn trên xe thì sẽ không có chuyện chói mắt.

Nói rõ hơn về ý thức của người sử dụng đó là phải luôn bật đèn ở chế độ chiếu gần, tuyệt đối không để chế độ chiếu xa. Vấn đề này thực chất ban đêm chịu ảnh hưởng nghiêm trọng hơn ban ngày.

Một vấn đề cần lưu ý là việc “độ” đèn hoặc gắn thêm các đèn tăng sáng trên mô tô, xe máy cũng là nguyên nhân gây chói mắt, khó khăn cho người điều khiển phương tiện đối diện .

Chuyên gia Vũ Anh Tuấn: Những thay đổi đột phá về công nghệ đèn LED đã làm cho giải pháp đèn nhận diện ban ngày trên xe máy trở nên rất hiệu quả, tác động môi trường là rất nhỏ.
Với tiêu hao nhiên liệu rất nhỏ (bằng 10% đèn Halogen), mức độ ảnh hưởng tới nền nhiệt độ đô thị gần như không đáng kể (tăng khoảng 0,1%).

Theo tính toán sơ bộ của nhóm nghiên cứu, tại Hà Nội với năng lượng tiêu thụ cho 4 triệu xe máy có đèn nhận diện ban ngày công nghệ LED đồng thời trong 45 phút khoảng 18.000 KWh, tương đương 0,02% tổng lượng điện tiêu thụ một ngày.

Các thiết kế đèn DRL hoặc AHO công nghệ LED của nhà sản xuất đã được tính toán một cách chặt chẽ, bởi vậy không gây lóa mắt hoặc không gây khó chịu cho người đối diện. Các chuyên gia VAMM sẽ nói thêm về vấn đề này.

Do năng lượng cấp cho đèn được lấy từ máy phát điện của xe máy nên không ảnh hưởng tới tuổi thọ ắc quy.

Hơn nữa, chi phí phát sinh đối với người sử dụng xe máy có đèn nhận diện ban ngày ở mức gần như không đáng kể. Tính trên một xe máy, với giả định bật đèn trong tổng chiều dài chạy xe 4.000 km/năm (tương ứng với việc đi lại khoảng 10 km/ngày trong khoảng thời gian ban ngày), với mức tiêu hao năng lượng là 6 ml/100 km (LED) – 14,5 ml/100 km (Halogen) thì lượng tiêu thụ nhiên liệu cả năm là 0.23 lít xăng (LED) – 0.56 lít xăng (Halogen), tương đương với mức chi phí 5.000 đồng (LED) – 10.000 đồng (Halogen) trên một năm.

So với tổng chi phí sử dụng xe máy trên một năm (khoảng 3 triệu đồng/năm), chi phí sử dụng đèn nhận diện ban ngày là con số rất nhỏ chiếm khoảng 0,2% (LED) – 0,4 % (Halogen) chi phí sử dụng xe máy hàng năm.

Nói tóm lại, những phân tích bên trên cho thấy triển vọng áp dụng đèn nhận diện ban ngày công nghệ LED hay Halogen ở Việt Nam là rất lớn.

Hiện nay, một số mẫu xe lưu hành tại Việt Nam đã bắt đầu trang bị đèn nhận diện ban ngày và được người tiêu dùng đón nhận một cách tích cực.

- Việc bật đèn này liệu có gây tốn kém, lãng phí khi phải thay bóng đèn liên tục? Có ảnh hưởng nào tới bình ắc-quy và hệ thống điện khi bật đèn chiếu sáng ban ngày trên xe máy?

Chuyên gia Sugiyama Motoyuki (Nhật Bản, Hiệp hội các Nhà sản xuất Xe máy-VAMM):

Về giá thành sản phẩm:  Việc áp dụng đèn nhận diện ban ngày có thể có ảnh hưởng nhất định đến giá sản phẩm, tùy thuộc vào loại đèn chuyển đổi. Tuy nhiên, nhà sản xuất luôn cố gắng điều chỉnh các yếu tố liên quan để hạn chế tăng giá thành.

Về tuổi thọ bóng đèn, đèn có 2 dạng nguồn sáng chính: (1) nguồn sáng LED, tuổi thọ khoảng 5000 giờ và (2) nguồn sáng Halogen khoảng 1000 giờ. Theo nghiên cứu của trường đại học Việt Đức, một ngày người dân Việt Nam di chuyển trung bình khoảng 20.7km. Với tốc độ di chuyển trung bình khoảng 28km/h thì trung bình 1 ngày sử dụng khoảng 1 giờ. Do đó, đối với nguồn sáng LED thì có thể sử dụng được trong 5000 ngày (xấp xỉ 14 năm) và đối với nguồn sáng Halogen có thể sử dụng được trong 1000 ngày (xấp xỉ 3 năm).

Với chi phí trung bình của bóng đèn trên thị trường dao động trong khoảng từ vài chục đến vài trăm ngàn cho từng loại bóng đèn thì chi phí thay thế là không đáng kể so với thời gian sử dụng.

Về tiêu thụ nhiên liệu, theo tính toán của nhà sản xuất, đèn chiếu sáng phía trước sử dụng từ 0,15-0.6% năng lượng của động cơ. Dựa trên công trình nghiên cứu về “vai trò của xe máy trong hiện tại và tương lai” của Đại Học Việt Đức,  trung bình người Việt Nam di chuyển khoảng 20.7km/ngày tức là khoảng 7,500km/năm;  Với mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình 2l/100km. Nên việc bật đèn sẽ tiêu thụ khoảng: 0.23 -> 0.9 lít/năm.

Đối với bình ắc-quy và hệ thống điện, sau khi khởi động động cơ, năng lượng từ máy phát điện cung cấp cho hệ thống đèn, bao gồm cả đèn nhận diện ban ngày.

Do vậy, việc trang bị đèn nhận diện ban ngày trên xe không làm ảnh hưởng tới tuổi thọ của ắc quy.

Nói thêm về đèn AHO và DRL theo quy định của LHQ. Về AHO, một số nước áp dụng như Mỹ, Indonesia và Philippines. Một số quốc gia khác như châu Âu theo quy định 53 của LHQ, sử dụng linh hoạt đèn nhận diện. Theo xu hướng chung trên TG, VN nên áp dụng linh hoạt đèn nhận diện ban ngày để các nhà sản xuất dễ sử dụng.

- Có nên hồi tố với những chiếc xe cũ chưa được thiết kế đèn tín hiệu nhận diện ban ngày hay không?

Ông Đặng Trần Khanh – Phó Phòng kiểm định xe cơ giới (VAR): Mục tiêu áp dụng để nhận diện xe máy và nâng cao an toàn, nên các xe máy đời cũ có thể sử dụng đèn chiếu gần, không cần lắp thêm đèn DRL mới.

Ông Nguyễn Văn Thạch – Vụ trưởng Vụ ATGT – Bộ GTVT: Sau này khi luật thông qua, cục đăng kiểm phải đưa ra quy chuẩn để áp dụng đối với xe máy. Hiện tại, không nên hồi tối xe máy cũ.

- Trong trường hợp quy định trên được áp dụng, lực lượng CSGT có thuận lợi và trở ngại gì trong việc tuyên truyền,  phố biến pháp luật, cũng như việc xử lý những trường hợp vi phạm, nếu có?

Thiếu tướng Lê Xuân Đức – Phó Cục trưởng Cục CSGT: Trong lĩnh vực GTĐB, mục tiêu nhà xây dựng luật hướng tới ổn định an toàn giao thông. Việc quy định về lắp đèn trong dự thảo Luật an toàn giao thông đường bộ, chúng tôi không quy định việc bắt buộc lắp đèn.

Thực tiễn ở Việt Nam, chúng tôi thấy nếu đưa vào thì đây là vấn đề về quy tắc giao thông. Tôi đồng tình với ý kiến của ông Thành, chúng ta không cần hồi tố xe máy cũ.

- Các chuyên gia và VAMM đánh giá thế nào về khả năng triển khai quy định bật đèn tín hiệu nhận diện ban ngày trên xe máy tại Việt Nam thời gian tới? Nếu giải pháp này khả thi, nên áp dụng thí điểm hay triển khai đồng loạt?

Nhiều vấn đề được làm rõ tại tọa đàm Đèn nhận diện ban ngày trên xe máy ảnh 7 Thiếu tướng Lê Xuân Đức – Phó Cục trưởng Cục CSGT

Phó Chủ tịch UB ATGTQG – Khuất Việt Hùng: Những ý kiến hôm nay đã nêu rõ, từ chuyên gia Việt Nam đến VAMM, các bộ ban ngành.

Việt Nam đã ký công ước Viên, trừ điều 52, chúng ta phải thực hiện đúng theo công ước. Có nhiều quan điểm khác nhau về việc này. Dư luận có nhiều người người hiểu đây là bật đèn pha ban ngày, điều này không hề đúng. Về vấn đề năng lượng, ô nhiễm nhiệt/ánh sáng, chúng ta không lo về việc đó. Nhiều người cho rằng Việt Nam nắng thì không cần nhưng Indonesia và Malaysia đều nắng hơn VN và đều đã áp dụng. Chỉ là nước ta sẽ áp dụng và tuyên truyền việc này như thế nào.

Nhiều vấn đề được làm rõ tại tọa đàm Đèn nhận diện ban ngày trên xe máy ảnh 8 Ông Khuất Việt Hùng (áo trắng) - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia tại buổi tọa đàm.

Theo quy định, chúng ta không hồi tố các xe cũ, chúng ta phải hỗ trợ và khuyến khích người dùng, đặc biệt là các nhà sản xuất như Honda.

Chuyên gia VAMM: Hiện tại, các thành viên của VAMM đã có kinh nghiệm triển khai thực hiện áp dụng đèn nhận diện ban ngày tại nhiều quốc gia có khí hậu và điều kiện giao thông tương tự Việt Nam, như Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ, Đài Loan. Việc triển khai đã đạt được hiệu quả nhất định giúp nâng cao an toàn cho người sử dụng xe máy.

Trong trường hợp quy định về đèn nhận diện ban ngày được áp dụng ở Việt Nam, các nhà sản xuất sẽ lựa chọn công nghệ AHO hoặc DRL tùy thuộc vào tình hình thực tế. VAMM mong muốn được phối hợp cùng Chính phủ xây dựng lộ trình áp dụng phù hợp để việc triển khai đạt hiệu quả cao nhất.

Nhiều vấn đề được làm rõ tại tọa đàm Đèn nhận diện ban ngày trên xe máy ảnh 9 Ông Lê Hữu Phúc - Lãnh đạo VAMM.

Buổi tọa đàm kết thúc với sự đồng thuận quan điểm các xe mô tô, xe máy sản xuất mới phải có đèn tín hiệu nhận diện ban ngày trong khi các xe máy cũ không "hồi tố.

MỚI - NÓNG