Thaco xuất khẩu ôtô: Một kế hoạch được chuẩn bị kỹ càng

TPO - Qua rất nhiều năm nhập khẩu và lắp ráp ôtô cho thị trường nội địa; lần đầu tiên, Thaco - một doanh nghiệp Việt Nam - đã xuất khẩu xe ra nước ngoài, với kỳ vọng tạo tiền đề cho các nhà sản xuất trong nước khác.
Kế hoạch xuất khẩu đã chuẩn bị từ lâu
Vào ngày 26/12/2019 vừa qua, Công ty Cổ phần ôtô Trường Hải (Thaco) đã chính thức xuất khẩu 120 chiếc xe Kia Cerato sang thị trường Myanmar phiên bản Deluxe được sản xuất tại Nhà máy Thaco Kia ở Chu Lai, Quảng Nam. Đến ngày 28/12, nhà sản xuất này tiếp tục đưa 15 chiếc xe bus mang thương hiệu Thaco Bus sang Philippines.
Thaco xuất khẩu ôtô: Một kế hoạch được chuẩn bị kỹ càng ảnh 1 Ông Phạm Văn Tài (bên phải) - Tổng giám đốc Thaco. Ảnh: Huy Nguyễn.
Đây là một sự kiện gây bất ngờ cho không ít người; tuy nhiên, thực tế theo lời ông Phạm Văn Tài - Tổng Giám đốc của Thaco, nhà sản xuất này đã chuẩn bị cho kế hoạch trên từ lâu: "Kế hoạch xuất khẩu xe sang Myamnar đã được nghiên cứu từ năm 2017, sau khi khánh thành nhà máy Bus Thaco".

Trong năm vừa qua, Thaco không chỉ xuất khẩu ôtô sang Myanmar và Philippines, mà trước đó đã tiến vào Campuchia và "lăm le" thị trường Thái Lan - thủ phủ sản xuất ôtô ở Đông Nam Á.

"Thaco đã xuất khẩu ôtô từ đầu năm 2019, sang thị trường Campuchia và 3 xe mẫu sang Thái Lan, còn việc xuất khẩu xe vào thời điểm cuối năm nay là kết quả của quá trình nghiên cứu, thiết kế và sản xuất từ trước", ông Tài tiết lộ.

Tại sao Thaco chọn các nước Đông Nam Á?

Trước khi thực hiên "giấc mơ" xuất khẩu, Thaco đã sở hữu nền tảng vững chắc ở thị trường nội địa với tổng lượng xe bán ra lớn nhất. Cụ thể, từ năm 2014 đến nay, Thaco đều chiếm hơn 30% số lượng ôtô bán ra, đứng đầu trong các nhà sản xuất tại Việt Nam, với hàng loạt thương hiệu lắp ráp: Kia, Mazda, Peugeot, Thaco Truck, Bus Thaco.

Thaco xuất khẩu ôtô: Một kế hoạch được chuẩn bị kỹ càng ảnh 2 Kia Cerato là mẫu xe được xuất khẩu sang thị trường Myanmar.
Với nền tảng như vậy, Thaco đã tiến hành kế hoạch xuất khẩu xe sang các nước khác, thị trường đầu tiên của họ chính là khu vực Đông Nam Á. Điều này khá dễ hiểu khi thuế nhập khẩu đối với mặt hàng ôtô trong khối ASEAN về mức 0% kể từ năm 2018 với điều kiện tỷ lệ nội địa hóa đạt trên 40%. 
Giải thích cho điều này, ông Phạm Văn Tài nói: "Xe Thaco xuất khẩu cũng nhận mức ưu đãi thuế nhập khẩu 0% như các xe xuất xứ Thái Lan và Indonesia đang vào Việt Nam. Hơn nữa, Thaco đang mở rộng tới thị trường hơn 600 triệu dân, với các nước láng giềng ở gần sẽ giúp thuận tiện cho dịch vụ bảo hành".
Đồng thời, Thaco không chỉ đạt được thỏa thuận với các quốc gia như Myanmar hay Philippines như thông tin trên báo chí nhắc đến nhiều ngày gần đây, thực tế nhà sản xuất này đã "đàm phán xong với 5 nước: Philippines, Thái Lan, Myanmar, Singapore và Campuchia".
Khó khăn khi xuất khẩu ôtô sang nước khác
Nắm tới hơn 30% thị phần tại Việt Nam và kinh nghiệm sản xuất và lắp ráp ôtô hơn 15 năm nhưng Thaco vẫn chỉ là "tay mơ" khi quyết định xuất khẩu xe sang các nước thuộc khối ASEAN khác.
Câu chuyện xảy ra cách đây gần 2 năm với các nhà nhập khẩu ôtô ở Việt Nam vẫn còn đó như một hiện thực khó khăn dành cho ôtô nhập khẩu miễn thuế. Nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á cũng đặt ra những tiêu chuẩn rất cao đối với xe sản xuất ở nước ngoài. Đặc biệt, Thaco còn là một nhà sản xuất hoàn toàn mới tại các quốc gia này.
"Hàng rào kỹ thuật, đăng kiểm và kiểm định của các nước đó còn khó hơn Việt Nam. Như ở Philippines từ tháng 5 đến giờ họ mới đồng ý, còn ở Thái Lan là 6 tháng. Đối với thị trường Nhật, Thaco xuất khẩu sơ mi rơ moóc phải mất tới 1 năm chờ đợi", Tổng Giám đốc Thaco chia sẻ.
Tuy nhiên, điều này cũng không hề khiến nhà sản xuất này phải thay đổi tiêu chuẩn của chính mình khi ông Tài cho biết, các ôtô của Thaco lắp ráp dành cho người tiêu dùng Việt Nam và xuất khẩu sang các thị trường khác "đều đạt tiêu chuẩn quốc tế" và "không phân biệt trong hay ngoài nước", khẳng định chất lượng xe rất tốt ở nước ta.
Tiếp tục thực hiện các kế hoạch mới
Với những bước tiến vững chắc của mình, nhà sản xuất ôtô của Việt Nam chắc chắn không thể dừng lại ở một số lô hàng dành cho vài thị trường trong năm 2019 với số lượng vài trăm chiếc xe. 
Theo chia sẻ từ Tổng Giám đốc của Thaco, dù chưa bước sang năm mới (tại thời điểm phỏng vấn) nhưng họ đã có kế hoạch xuất khẩu với số lượng 1.026 xe trong năm 2020 "bao gồm các loại xe du lịch, xe bus và sơ mi rơ moóc, dành cho cả thị trường Đông Nam Á và Hàn Quốc".
Thaco xuất khẩu ôtô: Một kế hoạch được chuẩn bị kỹ càng ảnh 3 Lô xe bus xuất sang Philippines vào ngày 28/12. 
Với kế hoạch từng bước như vậy, nhà sản xuất này cũng phải chuẩn bị hạ tầng và cơ sở vật chất từ trước với việc "đầu tư nâng cấp nhà máy theo hướng tự động hóa và quản trị theo hướng số hóa để đáp ứng nhu cầu nhanh với khách hàng".
"Nhà máy Bus Thaco có thể xuất xưởng 8000 xe bus lớn và 12.000 xe minibus và được đầu tư rất lớn để hướng tới xuất khẩu sang các nước khác", ông Tài bổ sung.
Các dòng sản phẩm Thaco sản xuất và lắp ráp hướng đến việc xuất khẩu chắc chắc không nằm ngoài lợi thế và kinh nghiệm của mình. Nếu xuất khẩu được số lượng xe đáng kể, Thaco có thể giúp mang lại cân bằng của cán cân xuất - nhập khẩu, đặc biệt trong ngành ôtô. Đồng thời cũng kích thích và kéo theo các nhà sản xuất khác của Việt Nam mở rộng sang các thị trường bên ngoài.
Nói về điều này, Tổng Giám đốc Phạm Văn Tài đã chia sẻ kỳ vọng của Thaco đối với việc xuất khẩu xe sang các nước khác: "Hiện tại, Việt Nam vẫn đang nhập khẩu (CBU), và lắp ráp (CKD) ôtô cho thị trường trong nước, khi xuất ngược các sản phẩm nội địa hóa sang các nước khác sẽ giúp giảm nhập siêu. Chúng tôi kỳ vọng nếu sản lượng xuất khẩu ngày càng tăng thì việc cân bằng cán cân thương mại có thể được hiện thực hóa, giúp nước ta giảm lệ thuộc vào ngoại tệ".
Sau nhiều nỗ lực, với kinh nhiệm thực tế lâu năm, Thaco đang chọn một hướng đi đúng đắn và chắc chắn cho những dòng sản phẩm ôtô xuất khẩu sang nước ngoài. Khó khăn trước mặt dành cho doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa hết nhưng những bước đầu hết sức khả quan cho thấy triển vọng rất tươi sáng trong tương lai.
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.