Lấy ý kiến của dân?

Lấy ý kiến của dân?
TP - Theo thông tin từ Ủy ban thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) lần này sẽ được lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân ngay trong đầu năm 2013; sau khi tiếp thu ý kiến của dân, tổng hợp, chỉnh sửa, dự luật sẽ được đưa ra Quốc hội thông qua tại phiên họp toàn thể.

> Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Lấy ý kiến nhân dân trong 2 tháng
> Giải bài toán định giá đất

Cụm từ “lấy ý kiến của dân” cũng đang được nhắc đến trong việc sửa đổi Hiến pháp lần này. Với Hiến pháp, nhiều người còn dùng đến thuật ngữ “trưng cầu dân ý”; một số người nhắc đến “toàn dân phúc quyết”.

“Lấy ý kiến của dân”, “trưng cầu dân ý”, “toàn dân phúc quyết” giống nhau, khác nhau chỗ nào?

Trong các văn bản pháp quy của Nhà nước ta, những cụm từ này đều đã xuất hiện, song việc định nghĩa, rộng hơn nữa là đề ra những quy định cụ thể để người dân tham gia hoặc quyết định trong công tác lập pháp, trong những vấn đề liên quan đến vận mệnh quốc gia, lại chưa đầy đủ hoặc chưa có.

Cụm từ “lấy ý kiến của dân” được nêu trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Luật này quy định khá cụ thể việc lấy ý kiến của dân đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, như cơ quan nào chịu trách nhiệm thực hiện, thời gian thực hiện, các hình thức áp dụng (hội thảo, internet, thông tin đại chúng, lấy ý kiến trực tiếp)…

Tuy nhiên, điều quan trọng là ý kiến của dân - trường hợp đại đa số đồng thuận - có ý nghĩa quyết định thế nào đối với văn bản pháp quy, lại chưa được quy định.

Cụm từ “trưng cầu dân ý” được nêu tại Hiến pháp, cụ thể Điều 53 Hiến pháp 1992: “Công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với các cơ quan Nhà nước, biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu dân ý”. Tuy nhiên, vấn đề này chưa được quy định cụ thể và khả thi bởi chẳng hạn một đạo luật về trưng cầu dân ý.

Hiện có nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta không thể để chậm hơn nữa việc ban hành Luật trưng cầu dân ý, với những quy định khi nào thì phải tiến hành trưng cầu dân ý, trình tự thủ tục để thực hiện việc này, ý kiến đại đa số người dân phải được thực hiện ra sao.

Cụm từ “phúc quyết” được nêu ra tại Hiến pháp 1946, Điều 21: “Nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc liên hệ đến vận mệnh quốc gia, theo Điều thứ 32 và 70”.

(Điều 32: “Những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra nhân dân phúc quyết, nếu hai phần ba tổng số nghị viên đồng ý. Cách thức phúc quyết sẽ do luật định”; Điều 70: “Sửa đổi Hiến pháp phải theo cách thức sau đây: a/ Do hai phần ba tổng số nghị viên yêu cầu; b/ Nghị viện bầu ra một ban dự thảo những điều thay đổi; c/ Những điều thay đổi khi đã được Nghị viện ưng chuẩn thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết”).

Đảng và Nhà nước ta đã và đang lấy ý kiến của dân trong hầu hết các văn kiện quan trọng và các văn bản pháp quy. Hiện chúng ta đang sửa đổi Hiến pháp.

Nhiều chuyên gia pháp luật cho rằng đây là lúc thích hợp để quy định chặt chẽ và khả thi các vấn đề “toàn dân phúc quyết”, “trưng cầu dân ý”, “lấy ý kiến của dân”.

Cả ba vấn đề này liên quan mật thiết với nhau, bởi nếu chỉ dừng ở “lấy ý kiến của dân” mà không có “trưng cầu dân ý”, đặc biệt là “toàn dân phúc quyết”, thì khó mà nói được rằng “tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân” như trong tất cả các bản Hiến pháp của Nhà nước ta từ trước tới nay vẫn khẳng định.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG