Triều Tiên sắp phóng tên lửa, Hàn Quốc lắp radar

Triều Tiên sắp phóng tên lửa, Hàn Quốc lắp radar
TP - CHDCND Triều Tiên vừa khớp nối 3 phần của tên lửa tầm xa vào bệ phóng, một quan chức Hàn Quốc nói hôm 5-12. Hàn Quốc chuẩn bị triển khai hệ thống radar phòng thủ tên lửa mới nhất.

> Hành trình tên lửa Triều Tiên vào bệ phóng
> Nhiều nước lo Triều Tiên phóng tên lửa

Một nhóm gồm 10 chuyên gia quân sự Hàn Quốc vừa được thành lập để phân tích thông tin tình báo liên quan vụ phóng tên lửa Unha-3 của Triều Tiên, rồi chuyển cho quân đội và các tổ chức liên quan để có biện pháp ứng phó.

Sẵn sàng theo dõi và can thiệp

Sau khi kiểm định chất lượng hai radar Green Pine (Thông xanh) mới mua của Israel sản xuất, Hàn Quốc sẽ ngay lập tức đưa chúng vào hoạt động để theo sát vụ phóng Unha-3, một quan chức quân sự Hàn Quốc cho biết.

Hàn Quốc cũng đang cân nhắc triển khai hệ thống diệt tên lửa PAC-2, phòng trường hợp tên lửa Triều Tiên bay chệch hướng.

Cùng với hai tàu chiến Aegis được trang bị radar SPY-1 (Điệp viên), hai radar Green Pine có nhiệm vụ theo dõi đường bay của tên lửa Unha-3.

Green Pine có thể phát hiện mục tiêu trong khoảng cách 500km, còn năng lực phát hiện của SPY-1 cao gấp đôi.

Một khi Unha-3 rời bệ phóng, vệ tinh DSP của Mỹ sẽ phát hiện mục tiêu đầu tiên, sau đó Green Pine và SPY-1 theo dõi đường đi của tên lửa.

Hàn Quốc có kế hoạch thành lập trung tâm chỉ huy phòng thủ tên lửa vào nửa đầu năm sau, để xử lý thông tin radar thu nhận được, rồi đưa ra biện pháp can thiệp nhanh chóng hơn.

Một chuyên gia Hàn Quốc nói rằng, dựa trên thông số kỹ thuật loại tên lửa tương tự được Triều Tiên phóng hồi tháng 4 nhưng thất bại, có thể suy ra Unha-3 có khả năng bay xa khoảng 10.000km - đủ để tới TP Los Angeles của Mỹ.

Tên lửa chuẩn bị được phóng cũng thuộc kiểu Unha-3 với thời gian đốt cháy 130 giây. Với thời gian đốt cháy 112 giây và bay được 3.800km, phiên bản Unha-2 được phóng vào năm 2009.

Hình ảnh khu vực có bệ phóng tên lửa của Triều Tiên chụp từ vệ tinh
Hình ảnh khu vực có bệ phóng tên lửa của Triều Tiên chụp từ vệ tinh.

Tính đến hôm qua, cả ba phần của tên lửa Unha-3 đã được đặt lên bệ, và Triều Tiên có thể sắp lắp đặt các bộ phận hỗ trợ như radar, camera, thiết bị đo đạc… trước khi khai hỏa, dự báo trong khoảng thời gian từ ngày 10 đến 12-12.

“Nếu Triều Tiên bắt đầu tiếp nhiên liệu cho tên lửa thì sẽ có các bình nhiên liệu đặt quanh bệ phóng. Nếu phát hiện nhiều thùng nhiên liệu ở đó thì có nghĩa là quá trình tiếp nhiên liệu đã bắt đầu”, một quan chức Triều Tiên nói.

Triều Tiên đã thông báo cho cơ quan vận tải biển của Liên Hợp Quốc, Tổ chức Hàng hải Quốc tế về vụ phóng tên lửa. Các tọa độ do Bình Nhưỡng cung cấp cho thấy phần đầu của tên lửa sẽ rơi xuống Hoàng Hải ở khu vực giữa bán đảo Triều Tiên và Trung Quốc, còn phần thứ hai sẽ rơi xuống vùng biển ngoài khơi Philippines.

Cuối tuần qua, Bình Nhưỡng thông báo sẽ phóng tên lửa tầm xa để đưa vệ tinh quan sát Trái Đất vào quỹ đạo. Tuy nhiên, Hàn Quốc và các nước phương Tây nghi ngờ đây thực chất là vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Triều Tiên không còn sợ biện pháp trừng phạt?

Hàn Quốc cảnh báo sẽ đưa Triều Tiên ra Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và gây áp lực để có các biện pháp trừng phạt mới nếu vụ phóng tên lửa được thực hiện, dù chưa biết Trung Quốc có đồng ý áp dụng thêm biện pháp trừng phạt hay không.

“Chúng tôi quan ngại trước tuyên bố mới đây của Ủy ban Công nghệ không gian vũ trụ Triều Tiên về việc phóng vệ tinh Quang Minh Tinh 3. Việt Nam luôn mong muốn một bán đảo Triều Tiên hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Trên tinh thần đó, chúng tôi mong muốn các bên liên quan không có những hành động không có lợi cho hòa bình, ổn định ở khu vực, tuân thủ nghiêm túc Nghị quyết 1874 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị nói ngày 5-12.

Hôm 4-12, Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản nhất trí rằng, rất cần sự nỗ lực phối hợp của Trung Quốc và Nga trong việc ngăn Triều Tiên phóng tên lửa.

Nhiều người nghi ngờ về hiệu quả của các biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên, đất nước đã chịu hàng loạt biện pháp trừng phạt nhiều thập kỷ nay.

Theo các nhà phân tích, rất có thể các biện pháp trừng phạt mới sẽ nhằm vào việc truy tìm và phong tỏa những tài khoản bí mật của Triều Tiên ở nước ngoài.

Năm 2005, Mỹ áp dụng những biện pháp tài chính tương tự đối với Bình Nhưỡng, bằng cách đưa vào danh sách đen một ngân hàng ở Macao (Trung Quốc) có liên hệ với Triều Tiên.

Hành động này không chỉ phong tỏa tiền của Triều Tiên nằm ở ngân hàng Banco Delta Asia mà còn răn đe những tổ chức tài chính toàn cầu khác rằng, họ sẽ bị đưa vào danh sách đen nếu giao dịch với Bình Nhưỡng. Biện pháp này đã giáng đòn mạnh vào Bình Nhưỡng.

Nhiều báo cáo cho biết, vào thời gian đó, các quan chức Triều Tiên phải mang từng bao tải tiền đi giao dịch tài chính vì họ không thể sử dụng hệ thống ngân hàng.

Gia Tùng
Theo Yonhap, Korea Times

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG