Cảnh sát bắn 2 người đi đường 'vì uy tín của ngành'

Cảnh sát bắn 2 người đi đường 'vì uy tín của ngành'
“Tôi day dứt vì hành động có phần nóng vội. Tuy nhiên, những phát súng của tôi đều vì trách nhiệm công việc và uy tín của ngành chứ không có động cơ cá nhân”, đại úy Hoàng, cảnh sát giao thông vừa bị đình chỉ công tác vì bắn 2 người đi đường, nói.

> Người ngông cuồng chống CSGT và bị bắn sắp là thạc sĩ
> Toàn cảnh vụ CSGT nổ súng bắn người ở Thanh Hóa
> Nhân chứng quay video clip vụ 'CSGT nổ súng' lên tiếng

Đại úy Trần Ngọc Hoàng (Đội Cảnh sát giao thông thành phố Thanh Hóa) cho biết, những ngày qua anh sống trong tâm trạng rối bời, suy nghĩ nhiều về vụ nổ súng trên phố Quang Trung vào chiều 16/7. “Tôi day dứt vì hành động có phần nóng vội. Tuy nhiên, những phát súng của tôi đều vì trách nhiệm công việc và uy tín của ngành chứ không có động cơ cá nhân nào”, đại úy Hoàng khẳng định.

Đại úy Hoàng kể, chiều 16/7, anh trực tại ngã tư Nguyễn Trãi – Trần Phú. Khoảng 16h, người đi đường đều dừng xe theo tín hiệu đèn đỏ nhưng một người đàn ông dáng to béo điều khiển chiếc Dream vẫn cố tình phóng đi.

Viên đại úy tuýt còi nhắc nhở nhưng người này chỉ ngoái lại nhìn rồi tiếp tục rồ ga. Đại úy Hoàng lấy xe máy đuổi theo chiếc Dream. Đến ngã tư Ô Tịch Điền, anh tiếp tục dùng còi và gậy điều khiển giao thông yêu cầu người vi phạm dừng lại nhưng không được chấp hành.

Chạy thêm khoảng 200m, anh Hoàng đuổi gần sát, người lái chiếc Dream cũng giảm tốc độ rồi vọt lên vỉa hè tiếp tục lao đi. “Biết tôi lùa theo, anh ta lao từ vỉa hè xuống lòng đường, chạy ép vào dải phân cách không cho xe tôi vượt lên. Vừa đi anh ta vừa đánh võng, tôi không nhớ anh ta hay người ngồi sau đã quay lại phía tôi nói: Bọn tau không phải dân nhà quê đâu mà bắt”, anh Hoàng nhớ lại

“Tôi đoán họ là cán bộ hoặc con cháu nhà lãnh đạo nào đó nên mới có thái độ như vậy. Nếu không thể khống chế, cảnh sát sẽ trở thành trò cười cho dân chúng, vì vậy tôi quyết tâm”, đại úy Hoàng kể.

Vẫn theo lời anh Hoàng, quá trình rượt đuổi, anh liên tục bị ép xe, bị người ngồi sau chiếc Dream cầm mũ bảo hiểm với tay đánh nhưng không trúng. Quay lại thấy anh đặt tay vào túi súng đeo ngang hông, người cầm lái nói: “Ngon thì lên đây mà bắn này”. Suốt quá trình rượt đuổi, đại úy Hoàng cho rằng đã nhiều lần đưa tay vỗ vào báng súng ra tín hiệu cảnh báo.

“Đến trước cổng nhà khách 25B, tôi nổ 3 phát chỉ thiên. Mỗi phát súng cách nhau vài phút. Khi đó là giờ tan tầm, sợ nếu nổ súng vào họ sẽ dễ gây nguy hiểm cho xung quanh nên tôi nán lại. Khi xe chạy đến chân cầu Bố, lợi dụng lúc họ đang đi chậm, người thưa dần, tôi tiếp tục nổ súng".

Cảnh rượt đuổi của đại úy Hoàng
Cảnh rượt đuổi của đại úy Hoàng.

“Tôi tính bắn vào xe nhưng không ngờ lại vào đầu và vai họ", viên đại úy nói. Theo anh, dù dính đạn, 2 người trên chiếc Dream vẫn phóng về phía thị trấn Lưu Vệ. Tuy nhiên, qua cầu Bố, họ tấp vào lề đường.

"Sau phút trấn tĩnh, tôi nói: 'Các anh bị chảy máu rồi, để tôi đưa đi sơ cứu'. Tuy nhiên, họ từ chối và mạt sát tôi thậm tệ. Không còn cách nào khác, tôi phải điện thoại cho chỉ huy nhờ can thiệp. Ít phút sau, Công an phường Đông Vệ có mặt lập biên bản", đại úy Hoàng kể.

Nhà chức trách xác định người cầm lái là Lê Văn Ngọc (36 tuổi, cán bộ Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện Quảng Xương), người ngồi sau là Tô Thế Kỷ (47 tuổi).

Anh Hoàng cho rằng suốt quãng đường hơn một cây số liên tục bị ép xe, buông lời tục tĩu, thách thức nên "buộc phải nổ súng". Do đang lái xe nên anh ngắm không chuẩn.

Đại úy Hoàng cho biết gần 30 năm trong ngành công an chưa gặp người vi phạm giao thông nào có thái độ như anh Ngọc và Kỷ.

Lãnh đạo Công an tỉnh và thành phố Thanh Hóa cho rằng trong trường hợp này, có nhiều cách để giải quyết nhưng "đáng tiếc là đại úy Hoàng không kiềm chế được nên đã nổ súng". Việc nổ súng của anh Hoàng được xác định là không đúng quy định và cảnh sát này đã bị đình chỉ công tác một tháng để phục vụ điều tra.

Theo luật sư Trần Đại Xuân (Đoàn luật sư tỉnh Thanh Hóa), hai người đi xe máy vi phạm luật giao thông khi không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng, không chấp hành yêu cầu dừng xe nhưng họ không phải là tội phạm. Sai phạm của họ chỉ bị phạt hành chính. Do vây, việc cảnh sát nổ súng là sai.

Ông Xuân cho rằng với lỗi trên, đại úy Hoàng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, theo điều 234 Bộ luật Hình sự. Cụ thể, "người nào vi phạm quy định về quản lý việc sản xuất, sửa chữa, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển, mua bán vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ 1 đến 5 năm”.

Về phía anh Ngọc và Kỷ, theo luật sư, với lỗi không đội mũ bảo hiểm mỗi người sẽ bị phạt từ 100.000 đến 200.000 đồng. Lỗi đi xe lạng lách từ 5 đến 7 triệu đồng, hành vi này có thể được nâng lên 10 -14 triệu đồng nếu người vi phạm gây tai nạn hoặc không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người thi hành công vụ hoặc chống người thi hành công vụ.

Theo VnExpress

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).