Nhiều sự cố làm xấu hình ảnh ngành y

Nhiều sự cố làm xấu hình ảnh ngành y
TP - Bên lề Hội nghị sơ kết công tác y tế 6 tháng đầu năm và kế hoạch năm 2014 tổ chức ngày 20/8 tại Hà Nội, PGS.TS Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, thừa nhận một số sự cố xảy ra thời gian qua đã làm xấu hình ảnh ngành y.

> Bộ Y tế ‘xin’ tự xử lý vụ tham ô tài sản tại BV Nội Tiết
> Từ lập danh sách khống lấy tiền đến ăn bớt vắc xin

Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn điểm qua một số sự việc đã khiến người dân giảm niềm tin vào một bộ phận nhân viên y tế như vụ ăn bớt vắc-xin tại Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, hộ lý đánh rơi trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, ba trẻ sơ sinh tại Quảng Trị tử vong sau khi tiêm phòng vắc-xin viêm gan B, “nhân bản” xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, Hà Nội.

 “Vụ “nhân bản” kết quả xét nghiệm, trách nhiệm của Bộ Y tế là ban hành văn bản pháp luật, chủ trương chính sách đốc thúc quy định thành lập nhưng triển khai thực thi là chính quyền theo phân cấp về địa bàn hành chính”.  

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến

Ông Tuấn nhấn mạnh: “Y tế là một ngành hết sức nhạy cảm, liên quan trực tiếp tới con người và tính mạng của từng cá nhân. Về những sai sót, trong thời gian qua có những sự việc như tử vong ba trẻ sau khi tiêm vắc-xin, đây là lỗi kỹ thuật rất nghiêm trọng, chưa bao giờ xảy ra và rất hy hữu trong ngành y. Bộ Y tế đã triển khai nhiều biện pháp về chuyên môn và quản lý để tìm hiểu nguyên nhân, xử lý kịp thời như tạm dừng sử dụng vắc-xin, điều tra nguyên nhân, khắc phục hậu quả, xác định rõ trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân liên quan và có những biện pháp giải quyết phù hợp”.

Ông Tuấn cho rằng, sự việc xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức là sự cố đáng tiếc mà lãnh đạo ngành y không ngờ tới. Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, trong vụ “nhân bản” kết quả xét nghiệm, trách nhiệm của Bộ Y tế là ban hành văn bản pháp luật, chủ trương chính sách đốc thúc quy định thành lập nhưng triển khai thực thi là chính quyền theo phân cấp về địa bàn hành chính.

UBND là nơi phê duyệt, bổ nhiệm giám đốc sở, phân cấp tiền bạc, giám sát, kiểm tra là hệ thống thanh tra, hệ thống sở y tế và các sở liên quan, chính quyền địa phương nơi đó.

Kiểm tra còn yếu

Bà Tiến cho rằng, về việc xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, UBND thành phố, Sở Y tế và các ban ngành vào cuộc nhanh chóng, làm đúng trách nhiệm. Theo bà, trưởng phòng xét nghiệm, giám đốc bệnh viện phải chịu trách nhiệm. Bộ trưởng thừa nhận, để việc thu tiền xét nghiệm, “nhân bản” kết quả diễn ra trong thời gian dài mà thanh tra ngành không phát hiện được thì công tác thanh kiểm tra còn yếu.

Bà Tiến nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ có công văn gửi đề nghị các đồng chí giám đốc sở chỉ đạo giám đốc các bệnh viện, các phòng y tế, phòng xét nghiệm thực hiện nghiêm Thông tư số 9 về quy trình xét nghiệm. Nơi nào không làm như thế giám đốc bệnh viện, trưởng khoa xét nghiệm phải chịu trách nhiệm”. Về vụ việc tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức và vụ 3 trẻ tử vong sau tiêm vắc-xin, Bộ trưởng cho biết đang chờ kết quả từ phía công an.

Ông Tuấn nói: “Một trong những biện pháp quan trọng nhất để hạn chế sai sót trong ngành y là luôn tự kiểm tra và nhấn mạnh công tác kiểm tra. Trong thời gian vừa qua, kiểm tra cho thấy, một số đơn vị và địa phương chưa quan tâm đầy đủ tới công tác thanh kiểm tra khiến nhiều nơi không tuân thủ những quy trình theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Tài chính dẫn tới những sai sót, vi phạm không đáng có. Tuy nhiên, chúng tôi cũng khuyến khích một số nơi đã có nhiều hành động tích cực trong công tác đảm bảo sức khỏe của nhân dân”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tỉnh Isfahan của Iran. (Ảnh: Getty)
Iran bác tin bị tấn công tên lửa
TPO - Tiếng nổ được nghe thấy ở Isfahan là do Iran kích hoạt các hệ thống phòng không, một quan chức Iran nói với Reuters, đồng thời khẳng định không có cuộc tấn công tên lửa nào nhằm vào nước này như báo chí vừa đưa tin.