Công chứng sai, chứng thực giả tràn lan: Né biên lai, trục lợi?

Trụ sở phường Phú Lãm, Hà Ðông
Trụ sở phường Phú Lãm, Hà Ðông
TP - Nhiều phường trên địa bàn Hà Nội có tình trạng cán bộ phụ trách công chứng không đưa biên lai thu phí cho người đi chứng thực, có dấu hiệu trục lợi…

Báo giá, thu tiền không biên lai

Quá trình tìm hiểu về dịch vụ công chứng, chứng thực, phóng viên Tiền Phong đến nhiều điểm giao dịch một cửa tại quận Hà Đông (Hà Nội), phát hiện tình trạng cán bộ chứng thực không trả lại biên lai cho người chứng thực.

8h sáng ngày 3/10, phóng viên đến bộ phận một cửa của UBND phường Phú La (quận Hà Đông) để thực hiện chứng thực sổ bảo hiểm. Nữ cán bộ trực tại đây tiếp nhận, hẹn 2 tiếng sau trả bản chứng thực. Đúng 10h, phóng viên trở lại phường Phú La để lấy giấy tờ, nữ cán bộ trên đưa cho 2 trang chứng thực và thu 10.000 đồng (trong khi, giá quy định chỉ 2.000 đồng/trang). Cán bộ này không trả lại biên lai khi thu tiền chứng thực. Tại thời điểm đó, có vài người dân đến lấy giấy tờ chứng thực nhưng cũng không thấy nữ cán bộ trên đưa lại biên lai.

Cùng ngày, phóng viên đến bộ phận một cửa của UBND phường Phú Lãm (quận Hà Đông) để tiếp tục chứng thực giấy tờ. Một nữ nhân viên trung tuổi phụ trách tiếp nhận giấy tờ và hẹn 10 phút sau thì lấy bản chứng thực. Cũng giống như phường Phú La, khi đưa lại giấy tờ chứng thực, cán bộ phường Phú Lãm (quận Hà Đông) chỉ nói giá, thu tiền và không đưa lại biên lai cho phóng viên.

Ông Nguyễn Khắc Huy, Chủ tịch phường Phú La lý giải, việc không đưa biên lai do nhân viên gộp nhiều trường hợp vào một biên lai (?). Tuy nhiên, ông này thừa nhận, việc này là sai nguyên tắc, tiếp thu, khắc phục. Chủ tịch phường Phú Lãm  Nguyễn Quốc Cường cũng thừa nhận việc không đưa hóa đơn là sai, hứa khắc phục. Tuy nhiên, ông này cũng không trả lời số tiền chứng thực không có biên lai, không vào sổ vào túi ai.

Bó tay với trục lợi vặt vãnh?

Một lãnh đạo của sở Tư pháp Hà Nội cho biết, tình trạng cán bộ chứng thực ở các phường, xã không trả lại biên lai khi thu phí chứng thực đã xảy ra từ nhiều năm. Nhiều cán bộ phụ trách ở các phường, xã đã bị kỷ luật và xử lý. Có năm kỷ luật 7-8 cán bộ. Thậm chí, có 2 trưởng phòng tư pháp của một quận và huyện đã bị bắt, xử lý hình sự từ việc trục lợi công chứng, chứng thực.

Thời gian qua, Sở Tư pháp Hà Nội có nhiều biện pháp chấn chỉnh nhưng vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm. “Chúng tôi đã ra khoảng 300 văn bản để chỉnh đốn, đi kiểm tra đột xuất, định kỳ, nhắc nhở khi họp giao ban... nhưng vẫn còn tình trạng trên. Cái này thuộc về đạo đức khi làm việc của cán bộ và người dân cũng phải đòi hỏi biên lai thu tiền khi cán bộ chứng thực không trả biên lai”, vị lãnh đạo này chia sẻ.

Khi phóng viên hỏi về trách nhiệm và giải pháp của sở tư pháp để giải quyết tình trạng trên thì phóng viên lại nhận được câu trả lời của đại diện sở Tư pháp Hà Nội: “Báo chí có giải pháp gì giúp chúng tôi”.

 Luật sư Ðặng Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp (đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: Việc cán bộ phụ trách chứng thực ở phường, xã không trả lại biên lai khi thu phí chứng thực đã vi phạm pháp luật, có dấu hiệu “trục lợi”, tham ô tài sản Nhà nước. Cụ thể,  Luật Phí và lệ phí năm 2015 quy định các tổ chức thu phí phải lập và cấp chứng từ thu cho người nộp phí, lệ phí. Cũng theo Luật sư Cường, Thông tư 226/TT-BTC (quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí chứng thực) quy định: Tổ chức thu phí nộp toàn bộ số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước. Nguồn chi phí trang trải cho thực hiện công việc và thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước hoặc được giữ lại 50% số tiền phí thu được để trang trải chi phí.

MỚI - NÓNG