Theo kiểm lâm lùng lâm tặc

Tác giả tại hiện trường phá rừng Ea Sô
Tác giả tại hiện trường phá rừng Ea Sô
TP - Trong 10 năm lăn lộn với nghề báo, tôi đã viết hàng trăm bài điều tra về chuyện lâm tặc phá rừng, lấn chiếm và trục lợi từ những dự án liên quan đến đất rừng ở Tây Nguyên. Ðể thực hiện những bài viết này đầy rủi ro vì đụng chạm đến lợi ích của nhiều cá nhân và cả những cán bộ đứng sau bảo kê cho việc phá rừng.

Vào điểm nóng

Ngay khi mới bước chân vào nghề báo, tôi đã được cử đi điều tra nhiều vụ phá rừng lớn tại địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Vào năm 2009, tôi nhận được cuộc gọi của người dân ở huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) báo tin nhiều dự án trồng rừng ở đây đang phá rừng. Tôi báo cáo cơ quan và phóng xe máy lên đường xuống huyện Bảo Lâm.

Người báo tin đón tôi ngay đầu tỉnh lộ đi vào xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm. Để tránh bị phát hiện, ông đeo khẩu trang kín mít. Cất xe máy tại nhà một người quen, ông chở tôi trên chiếc xe cà tàng quấn xích để chóng trơn trượt. Trên đường đi, ông kể rằng có rất nhiều doanh nghiệp đến xã Lộc Ngãi, Lộc Phú và Lộc Bảo (huyện Bảo Lâm) nhận dự án trồng rừng nhưng lại đi phá rừng và họ được cán bộ tỉnh “bảo vệ” nên huyện không dám đụng.

Sau chuyến đi này, tôi gửi đăng hai bài viết về những hệ lụy của việc giao rừng tràn lan cho doanh nghiệp. Ngay sau đó, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng lúc bấy giờ đã có công văn giao Bộ NN&PTNT phối hợp Bộ TN&MT thành lập đoàn kiểm tra, xác minh. Sau cuộc kiểm tra đoàn gửi báo cáo hơn 40 trang cho Phó Thủ tướng và Thủ tưởng Chính phủ về những bất cập trong việc giao rừng cho các doanh nghiệp ở tỉnh Lâm Đồng. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo UBND tỉnh Lâm Đồng ra quyết định thu hồi hàng chục dự án “nhận trồng rừng nhưng lại phá rừng” tại địa phương này.

Vượt suối, băng rừng lùng lâm tặc

Để hiểu rõ những vất vả và gian nan trong việc bảo vệ rừng, cách đây 7 năm, tôi cùng kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Ea Sô đi bắt lâm tặc. Khu BTTN Ea Sô nằm ở huyện Ea Kar (Đắk Lắk) với tổng diện tích 27.800ha, giáp huyện Sông Hinh (Phú Yên) và huyện Krông Pa (Gia Lai). Nơi đây có hệ sinh thái phong phú, đa dạng nên thường xuyên bị lâm tặc xâm nhập, săn bắn.

Khi mặt trời vừa ló đầu ngọn núi, tôi cùng 3 đồng nghiệp và 4 kiểm lâm Khu BTTN Ea Sô lên đường. Nhìn từ đầu đến chân, đoàn chúng tôi chẳng khác gì một tiểu đội bộ binh hành quân. Được coi là “kiểm lâm tập sự”, chúng tôi không phải mang gạo, thức ăn, nước uống, xoong nồi… lỉnh kỉnh như mấy anh kiểm lâm thứ thiệt.

Vừa ra khỏi Trạm kiểm lâm số 5 khoảng 1km, chúng tôi gặp thử thách đầu tiên - vượt suối Ea Puich. Anh Phạm Văn Định (Đội Kiểm lâm cơ động) được cử bơi qua trước dò đường. May sao bên kia suối có thuyền nên anh chèo ngược lại, vượt dòng nước xiết đón cả đoàn. Hành trình băng rừng khó khăn gấp bội. Chúng tôi băng qua giữa mênh mông lau lách không một lối mòn. Từ chân tới mặt đều bị lau lách cứa đứt da thịt rát buốt. Đá lổm nhổm dưới chân, dây leo chằng chịt cản lối đi, chỉ cần chậm chân chút xíu sẽ mất dấu đồng đội. Từng lội rừng nhiều năm, nhưng lần này tôi mới có hành trình băng rừng không lối mòn.

Men theo bờ sông Krông H'năng - một chi lưu của sông Ba - khoảng 4km, chúng tôi đến cột mốc ranh giới giữa Khu BTTN Ea Sô và huyện Krông Pa. Đi theo hướng Tây Bắc chừng 1km nữa, chúng tôi gặp con đường vận chuyển gỗ lậu từ rừng Krông Pa về sông Krông H’năng.

Tại cuối dốc con đường đổ ra sông Krông H’năng, lâm tặc còn bỏ lại chiếc cáng chở gỗ ra sông.

Chúng tôi chia hai tốp lần theo tiếng cưa máy vào rừng, gặp 3 người dân đang chặt đẽo hương rục - tức gỗ hương đã khô. Ông K’sor Súp cùng con trai và con rể buông rìu, nài nỉ xin tha vì chỉ mới chặt có mấy khúc gỗ hương khô. Sau khi lấy lời khai, thu tang vật và bắt viết cam kết không phá rừng nữa, chúng tôi để cha con K’sor Súp về buôn.

Theo kiểm lâm lùng lâm tặc ảnh 1 Photo: .. , Chạy xe máy vào điểm nóng phá rừng ở huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng 

Tiếp tục hành trình qua những công trường khai thác gỗ, chúng tôi lại gặp 3 người dân xã Krông Năng đang phá rừng. Họ giấu cưa máy, can nhựa, rìu và lấy cơm ra ăn, bảo 3 chú cháu đi lấy măng chứ không phải chặt gỗ.

Sau một ngày truy đuổi lâm tặc, chúng tôi hạ trại cách suối Ea Bát chừng 200m và tìm cây mắc võng trước khi trời tối. Cử anh Tùng ở lại trông nom đồ đạc và canh chừng lâm tặc, cả đoàn mang thực phẩm ra suối chế biến. Rau rừng, măng rừng, cà muối và thịt gà mang theo là thức ăn cho buổi tối. Đang yên bình bỗng nghe tiếng anh Tùng gọi: “Lâm tặc chở gỗ đấy, anh em ơi mau lên”!

Cả đoàn chạy đến nơi, 3 chiếc xe máy chở gỗ của lâm tặc vừa bị anh Tùng chặn dừng, xe nào cũng chở khoảng ba tấc gỗ hương mới xẻ. Thu tang vật, lập biên bản xong, chúng tôi được ăn tối. Bữa ăn tối trong rừng kết thúc chóng vánh khi những ngọn nến dần tắt và tôi có giấc ngủ đầu tiên giữa rừng bên cánh võng.  

MỚI - NÓNG