Trạm quan trắc Hà Nội làm sao đo được thủy ngân!

Trạm quan trắc Hà Nội làm sao đo được thủy ngân!
TPO - Đây là ý kiến của nhiều chuyên gia môi trường sau khi Chủ tịch Hà Nội công bố “Đồng chí Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường nói duy chỉ có Bộ mới thiết bị quan trắc, nhưng theo tôi hiểu thành phố cũng lắp đặt thiết bị của Pháp (đạt tiêu chuẩn châu Âu) có thể xác định chỉ số rất chính xác”.

Theo các chuyên gia môi trường, Việt Nam hiện nay chưa thực hiện được quan trắc online thủy ngân. Thiết bị mà Hà Nội lắp đặt của Pháp mà Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề cập ở đây có thể là hệ thống quan trắc môi trường không khí tự động đã được lắp đặt những năm qua ở thủ đô. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trạm quan trắc chỉ có thể đo được một số chỉ số như Bụi PM1.0, Bụi PM2.5, chỉ số NOx, CO, O3.

Chuyên gia đề nghị giấu tên cho biết, quan trắc thủy ngân online là vấn đề rất khó về kỹ thuật, chỉ một số nước có thể làm được. Việt Nam chưa nơi nào có thiết bị quan trắc thủy ngân online, kể cả các thiết bị quan trắc mà Hà Nội đã lắp đặt trong những năm qua.

Vì thế, trong kiến nghị của mình, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất sự tham gia của các chuyên gia Nhật trong việc hỗ trợ quan trắc online.

Tại cuộc họp báo ở thường kỳ Chính phủ (4/9), Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam mời các chuyên gia Nhật Bản tham gia phối hợp với Tổng cục Môi trường thiết lập mô hình giám sát ô nhiễm môi trường, quan trắc online thủy ngân trong khu vực nhằm kiểm soát tồn dư của thủy ngân sau sự cố có ảnh hưởng, tác động đến môi trường và sức khỏe con người. Nghiên cứu, đánh giá và quản lý các rủi ro môi trường sau sự cố cháy tại công ty Rạng Đông. Nghiên cứu khả năng tác động của thủy ngân hữu cơ hình thành ngay sau sự cố có thể tác động đến hệ sinh thái và con người.

Ngay việc lấy mẫu phân tích thủy ngân cũng là một kỹ thuật khó. Các chuyên gia phải sử dụng thiết bị chuyên dụng như bẫy vàng, được thiết kế riêng để lấy mẫu thủy ngân, sau đó mang về phòng thí nghiệm để phân tích. Đây chính là cách Tổng cục Môi trường đã làm để lấy mẫu không khí đo nồng độ thủy ngân sau sự cố cháy Công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông. Được biết, ngoài Tổng cục Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam có thể làm được kỹ thuật này.

Vị chuyên gia nói trên cho hay, thay vì tranh cãi thiết bị có thể quan trắc thủy ngân, UBND thành phố Hà Nội nên tập trung vào các giải pháp môi trường, y tế mà Bộ TN&MT đã đề xuất tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ.

Các biện pháp này gồm đôn đốc, hướng dẫn, giám sát công ty thực hiện các biện pháp cách ly khu vực nhà kho bị cháy theo đúng phương pháp. Hướng dẫn công ty thu gom, phân loại và xử lý tàn dư của vụ cháy. Khuyến cáo người dân trong vùng phạm vi bán kính cách hàng rào nhà kho từ 200-500m áp dụng các biện pháp vệ sinh, phòng ngừa phơi nhiễm bảo vệ sức khỏe, tổ chức theo dõi sức khỏe thường xuyên và định kỳ. Tiếp tục theo dõi, quan trắc diễn biến chất lượng môi trường tại khu vực để giảm thiểu rủi ro môi trường và sức khỏe cộng đồng.

MỚI - NÓNG