Vũng Tàu: Chủ dự án rao bán đất nền kiểu Alibaba qua mặt chính quyền như thế nào?

TPO - Ký hợp đồng với môi giới bán đất nền phân lô trái phép, nhận gần 27 tỷ đồng ký quỹ… nhưng làm việc với chính quyền, chủ dự án rao bán đất nền kiểu Alibaba ở Vũng Tàu nói rằng do các đơn vị môi giới tự lập dự án và rao bán đất nền.

Nhận tiền ký quỹ

Như Tiền Phong đã phản ánh, UBND huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vừa có quyết định xử phạt hành chính 40 triệu đồng đối với ông Nguyễn Quốc Vinh (ngụ quận 3, TPHCM) vì tự làm đường giao thông trên đất nông nghiệp mà không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. 

Vũng Tàu: Chủ dự án rao bán đất nền kiểu Alibaba qua mặt chính quyền như thế nào? ảnh 1 Hợp đồng phân phối 269 nền đất ở xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu do ông Vinh ký với Công ty Bất động sản Nhà Việt.

Theo quyết định, ông Nguyễn Quốc Vinh đã có hành vi vi phạm khi chuyển đổi đất trồng cây hàng năm, cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, đất nông nghiệp khác sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn nhưng không được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Tuy nhiên, làm việc với đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Xuyên Mộc, ông Vinh khẳng định không hoạt động đầu tư, xây dựng hay quảng cáo mua bán trên khu đất này. Tại báo cáo 171/BC-UBND của huyện Xuyên Mộc, ông Vinh cũng nói rằng, các đơn vị kinh doanh bất động sản tự ý đặt tên dự án, lập các bản vẽ phân lô và ra giá bán đất nền.

Tuy nhiên, theo tài liệu mà Tiền Phong có được thì bản thân ông Vinh đã ký hợp đồng phân phối và môi giới quyền sử dụng đất số 02/HĐPP.2019. Theo đó, ông Vinh giao cho Công ty Xây dựng và Đầu tư Bất động sản Nhà Việt (Công ty Nhà Việt) phân phối độc quyền 269 nền đất có tổng diện tích 85.630,6m2 ở xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc.

Hợp đồng này ghi rõ, giá bán do ông Vinh quy định và có bản vẽ phân lô cho 269 nền, thời gian thực hiện hợp đồng là 6 tháng. Công ty Nhà Việt phải ký quỹ cho ông Vinh số tiền 100 triệu đồng/nền, tương đương 26,9 tỷ đồng.

Tại hợp đồng này, ông Vinh cũng cam kết là chủ sử dụng hợp pháp của 269 nền đất nói trên, nhận tiền cọc từ Công ty Nhà Việt và nhận đủ số tiền còn lại sau khi ký hợp đồng sang tên, duyệt hợp đồng đặt cọc và phương thức thanh toán…

Đại diện cho Công ty Nhà Việt ký hợp đồng với ông Vinh là ông Lê Thành Trung. Công ty môi giới này được thay mặt ông Vinh nhận và ký thỏa thuận giữ nền, hợp đồng đặt cọc với khách hàng với số tiền không quá 300 triệu đồng/nền.

Vũng Tàu: Chủ dự án rao bán đất nền kiểu Alibaba qua mặt chính quyền như thế nào? ảnh 2

Diện tích khu đất gần 60ha được quảng cáo với tên gọi Hồ Tràm Riverside đã được thi công hạ tầng.

Đến ngày 21/2/2020, ông Lê Thành Trung, Giám đốc Công ty Nhà Việt đã ký thông báo chuẩn bị triển khai kế hoạch bán hàng giai đoạn 2. Ở thông báo này, Công ty Nhà Việt tự xưng là nhà phát triển Khu dân cư Hồ Tràm Riverside.

Thông báo nói rõ, tiếp nối thành công của lễ mở bán giai đoạn 1, chủ đầu tư và nhà phát triển dự án tiếp tục triển khai giai đoạn 2 bắt đầu từ tháng 3/2020. Đơn giá dự kiến tăng 500.000 ngàn đến 1 triệu đồng so với giai đoạn 1.

Liên hệ với Giám đốc Công ty Nhà Việt, ông Lê Thành Trung nói rằng, đang ở quê có việc gia đình. Khi nào vào lại Sài Gòn sẽ chủ động liên hệ để làm việc.

Mới có chủ trương

Được biết, vào cuối năm 2019, thông tin rao bán đất nền dự án Hồ Tràm Riverside bắt đầu xuất hiện trên thị trường. Theo giới thiệu, dự án này có quy mô lên đến 60ha, chia làm 3 giai đoạn. Tuy nhiên, hồ sơ cho thấy, chỉ có diện tích do ông Nguyễn Quốc Vinh sử dụng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là hơn 40ha, còn lại là đất của người dân sử dụng. Trong số 40ha này, có 4,45ha đất lúa; 8,14ha đất nuôi trồng thủy sản; 27,87ha đất trồng cây hằng năm và 1.200m2 đất thổ cư.

Vào ngày 12/9/2018, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Hồng Lĩnh đã ký văn bản chỉ đạo UBND tỉnh xem xét, xử lý và trả lời đề nghị của ông Nguyễn Quốc Vinh, về việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, khu vực nuôi tôm tại ấp Gò Cát, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc.

Đến ngày 2/10/2018, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Lê Tấn Quốc ký văn bản, giao Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên Môi trường, UBND huyện Xuyên Mộc và các sở ngành liên quan, rà soát, tham mưu UBND tỉnh giải quyết kiến nghị của ông Nguyễn Quốc Vinh theo đúng quy định và báo cáo kết quả giải quyết về Thường trực Tỉnh ủy.

Vũng Tàu: Chủ dự án rao bán đất nền kiểu Alibaba qua mặt chính quyền như thế nào? ảnh 3 Nhiều sàn môi giới đã tham gia bán dự án "ma" Hồ Tràm Riverside.

Ngày 8/11/2018, ông Lê Tấn Quốc ký văn bản báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, về việc đã thống nhất theo phương án đề nghị của ông Nguyễn Quốc Vinh, điều chỉnh quy hoạch sử dụng 60ha đất, tại ấp Gò Cát, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, trên cơ sở đề xuất của Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn.

Phó Chủ tịch Lê Tấn Quốc cũng chỉ đạo Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp UBND huyện Xuyên Mộc cùng các sở ngành tổ chức triển khai việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là chủ trương, chưa đủ cơ sở pháp lý để phân lô bán nền. Nhưng sau đó, tại khu đất ấp Gò Cát, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc được rao bán với cái tên Hồ Tràm Riverside. Đã có hàng loạt sàn bất động sản quảng cáo và phân phối dự án “ma” này như P10 Investment, Danh Khoi Real, Tây Nam, Central Land, SeaLand, Ben Thanh Real, Nhà Việt Land, Danh Phat Land, Home Land SG, HT Land, Khang Gia Phát Land, Hưng Điền, Khởi Phát Land, Phúc An Group…

Trao đổi với Tiền Phong, luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TPHCM cho biết, có một số người lập ra công ty môi giới bất động sản, sau đó hợp tác với một vài chủ đầu tư hoặc người có đất bằng nhiều hình thức khác nhau (mua đất nông nghiệp, ký giấy đặt cọc mua đất, hợp đồng hợp tác…) rồi vẽ ra các “dự án ma” (chưa được cơ quan nhà nước cho phép) nhằm chiêu dụ khách hàng giao dịch trên giấy và thu tiền.

Để xảy ra tình trạng nhan nhản “dự án ma”, ông Phượng nói nguyên nhân là do việc quản lý lỏng lẻo. Cụ thể, đất nông nghiệp nhưng làm hạ tầng đường, vỉa hè, phân lô nhưng không có giấy phép xây dựng, chưa chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở. Tuy nhiên, chính quyền địa phương không xử phạt, không áp dụng biện pháp trả lại hiện trạng ban đầu theo quy định Luật đất đai.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.