Dạy trực tuyến thất bại với học sinh nhỏ tuổi?

Học sinh Tiểu học và THCS học online được cho là chưa hiệu quả (Trong ảnh: Học sinh Hà Nội học online, ảnh chụp ngày 15/3/2020) ảnh: mạnh thắng
Học sinh Tiểu học và THCS học online được cho là chưa hiệu quả (Trong ảnh: Học sinh Hà Nội học online, ảnh chụp ngày 15/3/2020) ảnh: mạnh thắng
TP - Lãnh đạo các cơ sở giáo dục cho rằng, yêu cầu học sinh bậc tiểu học, THCS ngồi trước tivi, máy tính để học là khó thực hiện. 

Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, từ ngày 15/3, Nghệ An tổ chức dạy học trên truyền hình, trực tuyến cho học sinh. Trước đó, nhiều địa phương triển khai dạy học trên truyền hình như Hà Nội (dạy học sinh lớp 9, 12), Thừa - Thiên Huế (dạy học sinh lớp 12), Đà Nẵng (dạy học sinh lớp 12)…Còn với học sinh bậc tiểu học, THCS, mới chỉ dừng lại ở mức độ giáo viên giao bài tập, ôn lại kiến thức cũ.

Chị Nguyễn Thu Hà, phụ huynh học sinh lớp 3, Trường tiểu học Đại Từ, quận Hoàng Mai (Hà Nội), cho biết, từ khi con nghỉ, giáo viên giao bài tập theo tuần gồm các môn Toán, Tiếng Việt, Ngoại ngữ. Số lượng bài tập giáo viên giao không nhiều, kiến thức không khó nhưng bố mẹ phải gò ép, nhắc nhở thường xuyên con mới thực hiện.

Đa số thời gian nghỉ con chỉ thích chơi, xem tivi hơn là hứng thú với làm bài tập. Riêng Ngoại ngữ, trung tâm tổ chức 1 lần/ tuần học trực tuyến với giáo viên nước ngoài nhưng con cũng chỉ tham gia được 3 buổi rồi kêu chán. “Cuối cùng, gia đình chọn giải pháp cho về quê chơi với ông bà, hằng ngày đá bóng, vẽ vời chờ ngày tựu trường”, chị Hà nói.

Bà Văn Liên Na, Phó hiệu trường THCS -THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), nhận định, dạy học online hay dạy qua tivi đều khó khăn với học sinh tiểu học, thậm chí THCS. Với khối 6 ở trường khi được đề nghị cho học online, nhiều phụ huynh đã không đồng ý vì cho rằng, họ hạn chế cho phép con sử dụng máy tính cá nhân. Họ gặp khó trong việc kiểm soát mức độ tập trung của trẻ. Vì thế, học online nhà trường chỉ kỳ vọng đạt 60% kiến thức.

Bà Na khẳng định, với kỳ nghỉ kéo dài như năm nay, chất lượng học sinh sẽ bị ảnh hưởng, do đó thời điểm này nhà trường đã nghiên cứu phương thức xét tuyển lớp 6 khác với năm trước. “Có thể căn cứ kết quả học kỳ I sẽ có độ tin cậy hơn hoặc chấp nhận ra bài kiểm tra có độ khó thấp hơn để tuyển sinh sau đó giáo viên tập trung bồi dưỡng nâng chất lượng dần dần”, bà Na nói.

Khó ngồi học trước tivi

Ông Nguyễn Hữu Sum, Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh), thông tin, đến thời điểm này, Hà Tĩnh chưa dạy học qua truyền hình. Khó ép học sinh tiểu học, THCS ngồi trước máy tính, tivi để nghe giảng. Chưa kể, trong bối cảnh phòng chống dịch, nhiều gia đình gửi con về quê cho ông bà trông, không có điều kiện kèm cặp, hướng dẫn.

Ông Sum nói rằng, dịch bệnh qua đi, giáo viên các trường sẽ phải dạy lại từ đầu, có thể lược bỏ những phần mở rộng, dạy phần cốt lõi. Còn dạy trên tivi hay mạng mà bỏ qua được chương trình là việc khó thực hiện. “Điều quan trọng là học sinh nghỉ học kéo dài đến đâu, nếu khi học sinh quay lại trường, giáo viên sẽ dạy bù thứ 7, Chủ nhật để hoàn thành chương trình sẽ không bị ảnh hưởng nhiều đến chất lượng”, ông Sum nói.

Ông Nguyễn Thanh Giang, người vừa rời vị trí Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, nếu hạ chuẩn kiến thức như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì các trường có thể thực hiện được. Việc này được quy định trong bộ chuẩn kiến thức, kỹ năng trong từng khối lớp học cụ thể, trong đó có chuẩn tối thiểu, tối đa.

Nếu yêu cầu tối đa thì giáo viên sẽ phải dạy chuyên sâu, mở rộng; tối thiểu thì giáo viên sẽ không đòi hỏi cao, không mở rộng kiến thức mà chỉ dạy cốt lõi. “Kiến thức có thể dạy qua truyền hình, internet, còn các kỹ năng phải thông qua hoạt động trải nghiệm, thực hành giữa thầy và trò, trò và trò mới hình thành nên”, ông Giang nói.        

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.