GS Phạm Tất Dong: SGK là mặt hàng 'nhạy cảm' không phải muốn bán thế nào cũng được

SGK là mặt hàng đặc biệt, cần phải được kiểm soát chặt chẽ về giá. Ảnh: Nghiêm Huê
SGK là mặt hàng đặc biệt, cần phải được kiểm soát chặt chẽ về giá. Ảnh: Nghiêm Huê
TP - SGK liên quan đến hàng chục triệu gia đình có con đi học, Nhà xuất bản giáo dục có tăng giá thì dân vẫn bắt buộc phải mua vì đang “độc quyền”, không giống nước ngoài có nhiều bộ SGK.    

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) vừa có văn bản cho biết giá Sách giáo khoa (SGK) năm 2019 sẽ được giữ nguyên như những năm trước. Vì sao đã có văn bản dự kiến tăng nhưng cuối cùng NXBGDVN vẫn chấp nhận giữ ổn định?

Sách bổ trợ tăng và đã phát hành

Chiều qua, 6/3, trao đổi với Tiền Phong, một nhà sách trên địa bàn thành phố Hà Nội cho biết, các cuốn sách bổ trợ mà đơn vị này đã nhập về thì giá đã tăng từ 11% đến 46%. Riêng có các vở tập vẽ từ lớp 1 đến lớp 5 là giữ nguyên giá. Cụ thể, vở bài tập Toán lớp 4 tăng cao nhất 46% (từ 8.000đ lên 11.700đ). Vở luyện viết chữ 4 tăng 42%  (3.800đ lên 5.400đ), Vở bài tập lịch sử lớp 5 tăng 40% (từ 4.500đ lên 6.300đ). Tăng thấp nhất là bài tập Ngữ văn lớp 6 tập 1 tăng 11%.

Còn theo tài liệu mà Tiền Phong có được thì trừ cuốn tập vẽ cấp tiểu học, còn lại tất cả các sách bổ trợ từ lớp 6 đến lớp 9 đều tăng giá. Trong đó, chỉ một số ít đầu sách tăng giá từ 11% đến 15%. Còn lại, đa phần đều tăng từ 19% đến 30%.

Bộ sách bổ trợ lớp 1 năm 2018 giá là 48.700đ cho 8 đầu sách. Năm 2019 tăng lên là 56.400đ, tăng 15%. Tuy nhiên, bộ sách bổ trợ lớp 4 có thể nói tăng giá nhiều nhất ở cấp tiểu học. Năm 2018, bộ sách này có giá là 84.500đ,  giá mới năm 2019 là 103.300đ, tăng 22%.  Bộ sách bổ trợ cũng tăng đáng kể so với lớp 1, 2, 3 và các lớp THCS. Đối với cấp tiểu học và THCS, mỗi học sinh ngoài bộ SGK (bắt buộc) thì cũng đều kèm theo bộ sách bổ trợ.

Tuy trong danh mục quy định của Bộ GD&ĐT không có sách bổ trợ nhưng dường như đã trở thành “luật bất thành văn”, các phụ huynh đều phải mua kèm thêm bộ sách bổ trợ cho con. Nếu tính ra, riêng tiền mua SGK và sách bổ trợ cho con, phụ huynh phải chi “đội giá” lên so với năm 2018 vài chục phần trăm. Trong khi đó, như Tiền Phong đã phản ánh, trước đây, mỗi năm NXB GDVN phát hành SGK trị giá khoảng 1.000 tỷ đồng. Năm nay, giá sách tăng lên, chắc chắn con số này sẽ còn tăng lên nữa. Nhưng theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, thì chỉ có khoảng 35% được sử dụng lại, còn 65% trở thành giấy vụn đang gây lãng phí và bức xúc trong dư luận.

Tại phố sách Lý Thường Kiệt, chiều qua 6/3, khi được hỏi, nhiều phụ huynh tỏ ra bất ngờ trước thông tin giá SGK dự kiến sẽ tăng. Chị Thu Hương cho biết, con chị đang học tại trường THPT Việt Đức. Nếu SGK năm nay tăng giá, tuy số tiền mua SGK không nhiều nhưng cũng ảnh hưởng đến tài chính của gia đình. Vì nhà chị có tới 4 cháu đi học. Hơn nữa, ngoài SGK, các còn đều phải có sách bổ trợ. 

Chị cũng cho  biết sách nâng cao đối với học sinh THPT như con chị vốn đã cao sẵn so với sách cơ bản, giờ dự kiến tăng 30 - 31%, thành thử số tiền mà mỗi học sinh như con chị phải bỏ ra mua SGK cho năm học tới sẽ tăng lên nhiều. Chị Hương khẳng định dù làm nghề tự do nhưng kinh tế nhà chị không khó khăn. Tuy nhiên, với mức tăng dự kiến như NXBGDVN đưa ra trước đó thì mỗi phụ huynh sẽ đội thêm chi phí khoảng vài chục phần trăm mua SGK cho con, những gia đình khó khăn hơn sẽ không đơn giản.

SGK là mặt hàng “nhạy cảm”

Theo GS. Phạm Tất Dong, nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, SGK là mặt hàng đặc biệt. NXBGDVN không phải muốn bán thế nào cũng được. SGK liên quan đến hàng chục triệu gia đình có con đi học, NXBGDVN có tăng giá thì dân vẫn bắt buộc phải mua vì đang “độc quyền”, không giống nước ngoài có nhiều bộ SGK. Nên không phải muốn tăng thế nào cũng được. Nếu tăng giá, nhà nước phải bù. Vì đây là những cấp học phổ cập nên giá SGK phải “vừa túi” với dân. Do đó, phải có hội đồng thẩm định giá SGK. “Cương quyết không được để NXBGDVN tự định giá, nhà nước phải quản lý vấn đề này” - ông Dong nói.

TS Lê Viết Khuyến cho rằng,  nếu tăng giá mà không có chính sách bù giá hợp lý thì không ổn. Nhưng nếu bù giá mà vẫn chỉ một đơn vị chịu trách nhiệm làm SGK thì vẫn là độc quyền. Muốn xóa độc quyền phải có cơ chế cạnh tranh. Khi có cơ chế cạnh tranh thì giá thành sẽ tự giảm.

Tuy NXBGDVN chiều qua, 6/3 đã khẳng định giá SGK sẽ được giữ ổn định như những năm trước, nhưng có một điều dư luận băn khoăn đó là tại văn bản gửi các đơn vị liên quan, NXBGDVN khẳng định căn cứ để tăng giá SGK dựa trên văn bản chấp thuận chủ trương của Ban cán sự Đảng Bộ GD&ĐT về việc đồng ý chủ trương điều chỉnh giá SGK hiện hành của NXBGDVN.

Giải thích điều này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, sở dĩ có điều này là do Bộ Tài chính có công văn gửi Bộ GD&ĐT trên tinh thần nếu Bộ GD&ĐT thấy cần thiết có chủ trương điều chỉnh giá SGK thì đề xuất. Tinh thần là thống nhất chủ trương, nhưng việc thực hiện cụ thể như thế nào thì Ban Cán sự Đảng Bộ GD&ĐT còn đang tính toán, cân nhắc.

Được biết, quy trình xin tăng giá SGK được thực hiện theo Luật giá. NXBGDVN sẽ phải  kê khai giá tại Cục quản lý giá, Bộ Tài chính và xin ý kiến chấp thuận của Bộ GD&ĐT,  vì đây là mặt hàng đặc biệt. Do đó, khác với doanh nghiệp bình thường, để được tăng giá SGK, phải có ý kiến của hai bộ là Bộ Tài chính và Bộ GD&ĐT.

Lý giải với Tiền Phong vì sao đề xuất tăng giá, NXBGDVN cho biết từ năm 2011 đến nay, giá SGK được kìm giữ ổn định và ở mức thấp (so với chi phí, giá thành xuất bản và so với giá bán các sách khác). Trong khi đó các khoản chi phí xuất bản SGK đều biến động tăng cao. Để bù đắp việc giá bán SGK dưới giá thành, NXBGDVN đã tiết giảm hàng loạt chi phí (chi phí vận chuyển, kho bãi...). Song do các yếu tố giá cả đầu vào tăng nên chưa đủ bù đắp. Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, để đảm bảo ổn định, giá SGK phục vụ cho năm học 2019-2020 vẫn được giữ nguyên.

NXBGDVN cho biết, giá SGK phục vụ năm học 2019-2020 vẫn được giữ nguyên như những năm học trước. Từ tháng 4/2019, SGK bắt đầu được chuyển về các địa phương trên toàn quốc để phục vụ năm học mới.

MỚI - NÓNG